Làng chài "khoác áo mới" nhờ phát triển du lịch, dịch vụ
Khoảng chục năm về trước, người dân xã đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) sống chủ yếu vào nghề đi biển, trong đó khai thác thuỷ sản là nghề chính của bà con ngư dân trong xã. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đến xã đảo Nhơn Lý, ai ai cũng thấy có sự đổi thay rõ rệt, hiện nay, nghề đi biển chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu kinh tế, thay vào đó là sự xuất hiện của homestay, nhà hàng, quán cà phê và các khu du lịch độc đáo…
Nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 22 km, xã Nhơn Lý là điểm đến nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch vài năm gần đây. Kinh doanh dịch vụ cộng với nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch biển đã thay đổi đời sống của người dân nơi đây.
Hiện nay, toàn xã có 48 hộ kinh doanh nhà hàng du lịch; 28 nhà nghỉ, homestay với hơn 200 phòng phục vụ lưu trú; 38 phương tiện ca nô, 37 mô tô nước, 31 bè du lịch, 32 thúng đáy kính phục vụ các dịch vụ giải trí trên biển...
Xã Nhơn Lý cũng đã thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng; ban hành quy chế quản lý du lịch cộng đồng ở địa phương; thành lập các tổ: Quản lý sản xuất, kinh doanh hàng hóa, ẩm thực và lưu trú, phụ trách văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ du lịch cộng đồng để tập trung khai thác du lịch cộng đồng bài bản, hấp dẫn du khách.
Anh Nguyễn Hữu Đào, Thành viên tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xã Nhơn Lý cho biết, trước đây người dân trong xã chỉ dựa vào nghề khai thác thuỷ sản là chính, tuy nhiên hiện nay, nhiều gia đình vừa khai thác và vừa làm du lịch; vài năm trở lại đây, xã phát triển mạnh dịch vụ du lịch biển.
Cũng giống Nhơn Lý, Nhơn Châu cũng là một xã đảo của tỉnh Bình Định. Hơn 10 năm về trước, bà con trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, cuộc sống của người dân trên đảo khởi sắc nhờ phát triển du lịch.
Hiện nay, các khu vực biển dọc đảo luôn nhộn nhịp với các hoạt động mua bán hải sản tươi, khô như cá, mực, rong biển…; nhiều nhà nghỉ, homestay mọc lên khang trang và tiện nghi. Du lịch phát triển nên nhu cầu hàng hoá tăng lên, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao chính vì thế, thay vì làm khai thác, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi trồng và chế biến thuỷ sản kết hợp với phát triển du lịch. Nhờ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên đảo ngày càng được nâng cao.
Theo UBND xã Nhơn Châu, hiện có khoảng 48 hộ nuôi trồng thuỷ sản, với 129 lồng, 26 bè, thả nuôi 10.700 con tôm hùm và cá, mực các loại, thu nhập từ nuôi trồng thủy sản ước khoảng 7,5 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản ở Nhơn Châu những năm gần đây cũng phát triển nhanh. Hằng năm, toàn xã sản xuất được khoảng 1.100kg mắm cái, 1.320 lít mắm nước, 2.350kg chả cá và các loại thủy sản phơi khô đóng gói, ước thu nhập khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.
Nhơn Châu hiện có Hợp tác xã thủy sản Nhơn Châu đang đẩy mạnh sản xuất chả cá Cù Lao Xanh để cung cấp vào các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là sản phẩm chủ lực của địa phương đã được UBND tỉnh Bình Định chứng nhận OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2022.
Chuyển đổi nghề thân thiện với môi trường
Vùng bờ biển Bình Định dài khoảng 134 km, có 19 làng chài tập trung ở các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn. Khoảng hơn 10 năm trước, các làng chài ở Bình Định chủ yếu dựa vào nghề khai thác thuỷ sản, tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh hoạt động khai thác thuỷ sản, nhiều làng chài đã chuyển sang tập trung nuôi trồng và phát triển du lịch biển, nhờ đó, kinh tế phát triển đã làm thay đổi diện mạo của các làng chài.
Kinh tế thuỷ sản được xác định là ngành quan trọng của kinh tế biển. Mặc dù khai thác thuỷ sản trên biển vẫn là lĩnh vực quan trọng nhưng để phát triển bền vững ngành thuỷ sản thì phải giảm dần việc khai thác và tăng nuôi trồng; nói không với khai thác tận diệt, chuyển đổi nghề thân thiện với môi trường; phát triển sinh kế mới gắn với kinh tế biển.
Và mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sải ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024-2030.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, Bình Định sẽ chuyển đổi 342 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản có tính xâm hại nguồn lợi thủy sản cao sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (218 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (124 chiếc). Đồng thời, tập huấn, đào tạo nghề cho 2.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.
Giai đoạn từ năm 2026-2030, tỉnh sẽ chuyển đổi 198 tàu cá hoạt động ở vùng lộng và vung khơi đang làm nghề lưới kéo và nghề câu mực kiêm lưới mành sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (133 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (65 chiếc). Đồng thời, tập huấn, đào tạo nghề cho 1.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.