Năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của mọi quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành năng lượng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, chẳng hạn như lượng phát thải gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố chất thải khí, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM dẫn số liệu nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong một công bố về Báo cáo kiểm kê khí nhà kính mới đây cho hay: Từ năm 1994 đến năm 2016, lượng khí nhà kính tại Việt Nam đã tăng đáng kể, từ 103,8 triệu tấn CO2 đến 316,8 triệu tấn CO2. Trong số đó, ngành năng lượng chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất, với lượng phát thải từ 25,6 triệu tấn lên 190 triệu tấn CO2, chiếm gần 60% tổng lượng phát thải.

Sự phụ thuộc vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than và dầu mỏ là một nguyên nhân chính của phát thải cacbon, gây ra biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí nghiêm trọng. NOx, SOx, và hạt PM2.5 từ các nguồn này gây hại cho sức khỏe con người, dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp và tim mạch.

Nhằm cải thiện hiện trạng nêu trên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa đề xuất chuyển đổi hoạt động của ngành năng lượng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

anh bai 15.jpg
Sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những nội dung trọng tâm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành năng lượng. 

Sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những nội dung trọng tâm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành năng lượng. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thủy điện, địa nhiệt và sinh khối là bước tiến quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. 

Mô hình kinh tế tuần hoàn khuyến khích phát triển các công nghệ tái chế tiên tiến giúp thu hồi nguyên liệu từ sản phẩm đã qua sử dụng, giảm nhu cầu khai thác nguyên liệu mới và giảm tác động tiêu cực lên môi trường; Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích việc tái sử dụng sản phẩm cũng như vật liệu, nhằm giảm thiểu lượng rác thải và giảm nhu cầu sản xuất hàng hóa mới; Ủng hộ sự phát triển các mô hình kinh doanh mới như sở hữu cộng đồng và các chương trình cho thuê sản phẩm, thay vì mua bán truyền thống, nhằm giảm bớt lượng rác thải và khuyến khích việc tái sử dụng.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa lưu ý: “Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đưa ra các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn. Theo tôi, một sản phẩm quan trọng là phát triển xe điện, vốn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên khoáng sản như chất lithium, coban và đất hiếm. Việc tìm nguồn cung ứng, tái chế và tái sử dụng các vật liệu này một cách có trách nhiệm có thể giúp giảm thiểu tác động môi trường của việc sản xuất và sử dụng xe điện”. 

Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp chính để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành năng lượng. 

Đáng chú ý là sáng kiến chuyển đổi chất thải thành năng lượng: Khuyến khích đầu tư vào các dự án biến chất thải thành năng lượng, chẳng hạn như sản xuất khí sinh học từ chất thải nông nghiệp hoặc thu hồi khí bãi rác, vừa có thể tạo ra năng lượng sạch lại vừa giảm chất thải, nguy cơ ô nhiễm.

Giải pháp khác là phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống tái chế, thu hồi vật liệu, qua đó không chỉ giảm thiểu chất thải mà còn có thể thu hồi các nguồn tài nguyên quý giá và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới (ví dụ tái chế chất thải điện tử, tái chế pin và tái chế vật liệu xây dựng).

Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi thành lập trung tâm/sàn giao dịch để các công ty trao đổi sản phẩm phụ, chất thải hoặc các tài nguyên khác, giúp tạo ra các hệ thống khép kín, giảm mức tiêu thụ tài nguyên. Đơn cử như nhiệt thải từ các quy trình công nghiệp có thể được sử dụng để tạo ra điện hoặc cung cấp nhiệt cho các tòa nhà gần đó, trong khi chất thải có thể được sử dụng làm đầu vào cho các ngành công nghiệp khác.

Thúy Tình và nhóm PV, BTV