Nỗ lực mọi cách để không khách hàng nào bị bỏ lại phía sau
Tắt sóng 2G là chủ trương lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông, được định hướng từ năm 2019 nhằm thúc đẩy 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận các dịch vụ số đa dạng. Chủ trương này cũng giúp giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ chuyển sang dùng công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn; đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.
Là nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất cả nước, đồng thời sở hữu nhiều thuê bao 2G nhất, Viettel hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ người dân chuyển đổi 2G lên 4G. Do đó, từ 2 năm trước, doanh nghiệp đã chủ động triển khai một loạt chương trình để đẩy nhanh quá trình này với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp viễn thông trong đó có Viettel đều phải đối mặt với không ít thách thức trong việc tiếp cận và thuyết phục người dùng. Bởi phần lớn khách hàng chưa chuyển đổi là bà con ở vùng sâu, vùng xa, nơi thông tin liên lạc còn hạn chế. Ngoài rào cản địa lý, nhiều người dân vẫn chưa có điều kiện để nâng cấp lên máy 4G hay có tâm lý lo ngại bị lừa đảo.
Thấu hiểu điều này, Viettel dốc sức “ra quân”, chủ động đi từng ngõ, gõ từng nhà, gọi điện tới từng thuê bao; đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh truyền thông để giải thích về chủ trương tắt sóng 2G cũng như lợi ích của Internet di động. Theo đại diện Viettel, thời điểm tăng tốc, doanh nghiệp đã tổ chức đến 12.000 điểm hỗ trợ chuyển đổi tới từng thôn/bản, xã/phường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con khi tiếp xúc với công nghệ mới.
“Với những khách hàng cuối cùng chưa chuyển đổi lên 4G, việc thuyết phục họ ra các điểm giao dịch là điều rất khó khăn, bởi đại đa số khách hàng là người cao tuổi, không có điều kiện kinh tế hoặc ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Để tiếp cận được không còn cách nào khách người Viettel phải dùng sức, phải tìm đến tận nơi khách hàng sinh sống để chuyển đổi”, đại diện Viettel nhấn mạnh.
Đẩy mạnh truyền thông, trợ giá, tặng máy 4G miễn phí cho người nghèo
Để đảm bảo sự hỗ trợ đến được đúng những người cần, Viettel Telecom đã triển khai nhiều giai đoạn trong chương trình chuyển đổi 2G lên 4G. Với những khách hàng có điều kiện, Viettel triển khai nhiều chiến dịch truyền thông lớn, qua nhiều kênh thông tin để khách hàng nắm bắt được chủ trương lớn của nhà nước, sớm chuyển đổi lên 4G.
Đó là chiến dịch “Lên 4G, lên đời” được triển khai từ cuối năm 2023 trên phạm vi toàn quốc nhằm khuyến khích người dân đi chuyển đổi sớm. Khách hàng 2G chuyển đổi lên 4G thành công được tham gia chương trình quay số trúng thưởng, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 4,3 tỷ đồng gồm xe máy Honda Vision, điện thoại Samsung, cùng hàng triệu GB data và phút gọi.
Nhận thấy chi phí mua điện thoại 4G chính là một trong những rào cản khiến khách hàng chưa hào hứng chuyển đổi, Viettel Telecom kết hợp với các hãng lớn để cung cấp nhiều dòng smartphone 4G giá rẻ, điện thoại feature phone (điện thoại phím bấm chức năng thấp hỗ trợ 4G) và điện thoại phím to có tính năng phát loa khi bấm số dành cho người già, người chưa quen sử dụng điện thoại cảm ứng.
Song song với đó, Viettel Telecom đồng hành cùng khách hàng trong quá trình “lên đời” 4G thông qua nhiều chính sách hấp dẫn: trợ giá 50% một số dòng máy 4G giá rẻ, tặng kèm các ưu đãi dịch vụ viễn thông phù hợp (tặng phút gọi, data, dịch vụ TV360…). Với chi phí sau trợ giá chỉ ngang bằng với các máy điện thoại 2G giá rẻ bán trôi nổi trên thị trường, bất kỳ người dân nào cũng có thể “lên đời” 4G mà không phải đắn đo.
Đối với khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, trong giai đoạn nước rút đầu tháng 9 năm nay, Viettel đã triển khai chương trình tặng máy 4G tại 1.700 xã khó khăn gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc. Chỉ sau 2 tuần thực hiện, 100.000 khách hàng đã được tặng máy để chuyển lên 4G thành công, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, với quyết tâm “về đích sớm” chuyển đổi lên 4G, Viettel quyết định dành 300 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi điện thoại 4G miễn phí cho toàn bộ khách hàng đang dùng máy 2G còn lại, ưu tiên triển khai trước cho người dân ở 10 tỉnh miền núi vùng Tây Bắc bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kan, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bão, lũ và thiên tai. Ước tính khoảng 700.000 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình lớn này của Viettel Telecom, trong đó, đại đa số là bà con nghèo, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hoặc đang vật lộn khắc phục hậu quả của thiên tai, chưa có điều kiện chuyển đổi lên 4G.
Đến thời điểm hiện tại, Viettel Telecom là một trong những doanh nghiệp tích cực nhất trong việc triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp để chuyển đổi lượng lớn thuê bao 2G lên 4G. Cách thực hiện được đánh giá là thể hiện trách nhiệm cao nhất với khách hàng và với chủ trương lớn của đất nước, là minh chứng cho triết lý “không để ai bị bỏ lại phía sau” và “công nghệ từ trái tim” mà Viettel luôn theo đuổi trong suốt quá trình kinh doanh và phát triển.
Hồng Nhung