IT cũng là ngành có điểm đầu vào ở mức cao ở nhiều trường đại học trong nước.
Chỉ 30% sinh viên IT ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu
Tuy nhiên, mới đây một mạng lưới tuyển dụng và hệ sinh thái trong lĩnh vực Di động & CNTT đã công bố Báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 Developers Recruitment State. Báo cáo này cho thấy, chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp ngành CNTT tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của hiện nay từ nhiều công ty.
Báo cáo này cho hay trong số hơn 55.000 sinh viên ngành IT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng chừng 16.500 sinh viên (30%) là đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.
Vậy là 70% còn lại, nằm vào trong khoảng trống cần đào tạo lại. Từ đó dẫn tới một mâu thuẫn lớn, đó là nhu cầu rất cần, mà cung có chất lượng không đủ, dù lượng nhân sự tốt nghiệp từ các trường sở dạy ngành này ra rất cao.
Dạy chay và thiếu kĩ năng
Khá dễ hiểu để thấy tình trạng này trong ngành công nghệ thông tin, vì nó cũng không khác trong nhiều ngành đào tạo còn lại trong các đại học ở Việt Nam. Mà điểm chung đều từ 2 nguyên do: dạy chay và thiếu kỹ năng.
Về dạy chay, có thể thấy nhiều nơi chưa quan tâm thích đáng tới việc học đi đôi với hành của sinh viên. Mà bản chất là thiếu đầu tư bài bản cho việc thực hành dù học phí ngày càng tăng. Do đó, ở nhiều trường, sinh viên vào học chủ yếu là cắm đầu vào sách vở và ngồi trên lớp là chính.
Trong khi đó, các trường dạy kỹ thuật, kỹ sư tại nhiều nước sẵn sàng dành từ 50-60-70% thời lượng cho thực hành. Dễ dàng tìm ra hệ thống phòng thí nghiệm rất lớn, bao gồm các phòng thí nghiệm cấp quốc gia, cấp bang, cấp trường, và phòng thí nghiệm của từng giáo sư tại nhiều trường ĐH ở Mỹ. Từ đây, sinh viên có thể vào sử dụng, học hành và thậm chí làm trợ lý cho thày cô trong suốt quá trình học hỏi. Kế đó là hệ thống xưởng trường, có thể như một nhà máy hiện đại khiến cho sinh viên có thể vào vận hành và khi ra trường thì không bỡ ngỡ.
Một hệ thống khác là các câu lạc bộ và dự án cho sinh viên tham gia. Ở đó, sinh viên được trường và các doanh nghiệp tài trợ, cấp tiền để nghiên cứu nếu có dự án thuyết phục.
Thứ tư là Coop tức là chương trình hợp tác giữa đại học và các doanh nghiệp. Theo đó sinh viên có thể vào các doanh nghiệp làm việc khoảng 4 học kỳ trong vòng 5 năm học (bao gồm cả mùa hè) và được trả lương. Như vậy, sinh viên vừa có thể học trên thực tế và lại có thu nhập, có kinh nghiệm.
Và cuối cùng là chương trình thực tập có lương tại các công ty. Cái này có thể làm trong lúc nghỉ hè, tạo cho sinh viên nhiều cọ xát và trải nghiệm thực tế.
Về kỹ năng, những kỹ năng mềm như khả năng tư duy phê phán, giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm , lãnh đạo và ngoại ngữ... là yếu tố cần thiết để giúp một người làm IT gia nhập vào một công ty trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng những điều tối thiểu, cần và đủ này hiện các đại học ở ta làm chưa nổi. Thêm vào đó, nhiều kỹ năng cần học từ phổ thông thì các trường phổ thông cũng chưa làm tốt, dẫn đến vào đại học lại càng nhiều sức ép. Vì thế, sinh viên ra trường vừa thiếu thực hành lại vừa thiếu kỹ năng.
Kinh nghiệm tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy muốn tuyển sinh viên mới ra trường, chỉ có cách là chịu khó đào tạo lại. Ví dụ như cách viết một email có tính chuyên nghiệp, cách tổ chức và tham gia một cuộc họp trong nhóm làm việc, cách giao tiếp với khách hàng… Tất tần tật phải dạy từ đầu, nếu không thì sơ xảy một cái là mất đơn hàng như chơi vì khách hàng bực mình và phạt.
Cuối cùng đào tạo và dạy dỗ không tới nơi, thì tất cả đổ vào vai doanh nghiệp, trong khi các gia đình và xã hội đã tốn kém rất nhiều tài lực cho các cháu học đại học.
Thống kê từ năm 2018 - 2022 cho thấy, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT ở xứ ta vẫn đang tăng vù vù. Năm 2021, Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực trong ngành CNTT trong khi số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.
Năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực khi thị trường cần 530.000 người. Đó là chưa kể tới việc các lập trình viên cần nâng cao trình độ sự hiểu biết về máy học, an ninh mạng, AI và điện toán đám mây...
Trong khi đó, nhiều trường đại học dù mở ngành và tuyển sinh rầm rầm nhưng không chịu đầu tư bài bản, thì làm sao có thể lấp khoảng trống 70% số sinh viên tốt nghiệp mà đi làm không nổi?
Nguyễn Thị Bích Hậu
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
ĐH Bách khoa lý giải việc lấy điểm SAT cao ngang ngửa Harvard
Trước nhiều ý kiến cho rằng Trường ĐH Bách khoa đặt ngưỡng yêu cầu xét tuyển tài năng từ 1520/1600 điểm SAT với một số ngành là quá cao, ngang mức trúng tuyển vào Harvard, MIT, đại diện nhà trường cho rằng, cách nhìn nhận như vậy là chưa đúng.