Thầy Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, được sinh viên ưu ái gọi tên là “thầy hiệu trưởng bất thường”.

{keywords}
Thầy Hồ Thanh Phong

"Được gọi “bất thường” là do các em thương"

Theo thầy Phong, “được gọi “bất thường” là do các em thương. Bản thân thầy chưa thấy được như vậy.

Nguồn gốc của tên gọi thầy hiệu trưởng “bất thường” là do một lần sinh viên Trường ĐH Quốc tế phản ánh lên trường phải đứng chờ xe buýt giữa mưa, nắng, Ngay hôm sau, thầy Phong đã cho làm nhà chờ xe buýt cho sinh viên.

Ngoài những việc đã được giải quyết trong trường, thầy luôn tạo cơ chế mọi người có quyền gõ cửa hiệu trưởng bất cứ lúc nào. Những sinh viên không gõ cửa hoặc ngại có thể gửi email.

“Trừ những lúc bận họp, sinh viên có thể gặp tôi mọi lúc, mọi nơi. Được gặp các em, tôi cũng thấy vui. Không phải các em có chuyện gì oan ức, nhưng thấy các em có nhiều chuyện khó nói mà tìm đến mình thì rất đáng quý”- thầy Phong cho biết.

Theo thầy Phong, sinh viên chủ yếu tìm thầy để chia sẻ các chuyện như đăng kí môn học, chuyện giáo viên, hoặc không đạt được điều mong đợi, hay chưa có tiền nhưng đã tới ngày phải nộp học phí...

“Nói chung là các em chia sẻ nhiều lắm. Tất cả những gì liên quan đến cuộc sống sinh viên các em đều chia sẻ. Một số ít sinh viên chia sẻ chuyện gia đình, cuộc sống” – thầy Phong bật mí.

Thầy Phong kể lại câu chuyện cách đây 2 năm. Đó là lần có một sinh viên tìm đến thầy chia sẻ về hoàn cảnh gia đình khi ba làm ăn thua lỗ, phá sản, mẹ bệnh, em bỏ học. Bản thân em học sa sút do nhiều chuyện khó khăn dồn dập, lại không có tiền đóng học phí.

“Em đó hỏi tôi, hoàn cảnh như vậy, bây giờ phải làm sao. Trong trường hợp đó, chúng tôi có cơ chế hoãn học phí cho em, tạo điều kiện cho em làm thêm việc ở các phòng, ban trong trường".

Từ trường hợp này mà sau đó Trường ĐH Quốc tế có cơ chế tạo chỗ làm cho sinh viên kiếm thêm thu nhập. Sinh viên có thể làm tại các siêu thị, căn tin của trường để có thêm kinh phí để trang trải cái này, cái khác.

“Ngay cả việc tiếp tân cũng là sinh viên của trường làm bán thời gian. Chúng tôi tạo công việc cho các em, có thể thu nhập không nhiều nhưng các em trang trải được cái này cái khác”.

Một câu chuyện khác cũng được thầy Phong kể lại, là chuyện một sinh viên chia sẻ với thầy về khó khăn trong giao tiếp. Em bị cô lập nên không vào nhóm nào được.

“Tôi đã trao đổi với em rằng bị cô lập có thể là do bản thân em không “open”- không mở lòng với các bạn khác. Nếu bản thân mình không mở lòng với người khác thì làm sao người khác mở lòng với mình?

Tôi cũng hỏi em, có khi nào em hơi tự cao không. Nhưng em bảo không tự cao. Tôi lại hỏi thế em có tự ti không thì em không nói.

Tôi liền giải thích không hòa đồng chỉ có thể em cho rằng mình cao hơn người khác hoặc thấp hơn người khác. Em hỏi lại rằng, vậy em nên làm gì?

Tôi trả lời, đừng tự cao, tự ti mà hãy tự trọng, tự tin, và phải tìm hiểu cuộc sống vì xã hội là một quy tắc để tuân thủ, nhưng cũng không mất tự do. Sau đó sinh viên này ra về và một thời gian sau tôi đã thấy niềm vui trong em".

{keywords}
Chân dung người thầy dưới con mắt sinh viên

Lắng nghe sinh viên để có chính sách hợp lý

Theo thầy Phong, vừa làm quản lý và dạy học là một thuận lợi nhưng thầy vẫn thích dạy học hơn, bởi có nhiều điều không thể quên.

“Trong các lớp tôi dạy, có một em sinh viên học môn thống kê của tôi rất vất vả, khổ sở. Dường như môn học hơi quá sức với em.

Một lần em chia sẻ với tôi rằng kiến thức rất trừu tượng, nếu tôi cho bài thì em làm được, nhưng nhiều lúc đọc đề xong thì không biết làm như thế nào. Sau đó tôi hướng dẫn em phải chịu khó nghe giảng. Tự học cũng rất quan trọng nhưng phải nghe giảng mới nắm được bài”.

Theo thầy Phong, từ đó sinh viên này rất chịu khó nghe giảng, tìm tòi nhiều hơn. Trước đó trong bài kiểm tra giữa kì em là người có điểm kém nhất thì đến cuối kì em có điểm xuất sắc. Sau đó em đã xin làm trợ giảng môn này.

“Về nguyên tắc, trợ giảng là những sinh viên lớp trên, đã học môn này và được điểm cao, giáo viên sẽ chọn làm trợ giảng cho lớp dưới. Nhưng tôi đã chọn em và em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trợ giảng. Nhiều sinh viên các lớp sau nói với tôi, thầy chọn trợ giảng hay quá, chỉ ra được yếu kếm của tụi con, giúp tụi con cái này cái khác”.

Thầy Phong chia sẻ điều băn khoăn khi làm quản lý là mất nhiều thời gian. Vì vậy thời gian dành cho sinh viên cũng ít lại. “Giá như tôi có thêm 24 giờ nữa trong một ngày, tôi sẽ dành thời gian cho sinh viên được nhiều hơn. Tiếp xúc với các em cũng là mang lợi ích cho mình, thoải mái, bớt căng thẳng, biết các em làm gì, muốn gì. Đặc biệt, sẽ có chính sách hợp lý hơn”.

“Tiếp xúc với sinh viên không hẳn tôi trẻ lại như thời sinh viên, nhưng trẻ lòng hơn, hiểu các em hơn. Nhiều lúc cả tuần họp hành không gặp được sinh viên thấy rất nhớ”.

Nhưng thầy Phong cũng cho biết, ở góc độ học tập thầy đòi hỏi  cao và rất khó, học phải nghiêm túc, không lơ là, thờ ơ, lười biếng.

“Có thể nói bây giờ tôi thương sinh viên hơn ngày xưa. Tình thương đó giúp tôi giải hết các bài toán vướng víu với sinh viên, ngay cả khi sinh viên có lỗi thì cách giải quyết của mình cũng như một người cha, có thể la rầy nhưng thương và  mong muốn điều tốt đẹp”.

“Tôi cũng không thuộc típ sinh viên có khuyết điểm thì tìm cách nói khéo mà ngược lại nói thẳng. Nhưng trong thâm tâm, tôi xem sinh viên như con, như cháu nên kiên trì để các em tốt lên”.

Chính vì vậy thầy kêu gọi các thầy cô trong trường lắng nghe sinh viên hơn.

“Về lý, một hiệu trưởng không cần thiết phải kêu gọi mọi người nhưng bên cạnh cái lý là cái tình. Tôi nói với giảng viên rằng nếu các bạn còn trẻ, con các bạn chưa đến độ tuổi như sinh viên thì xem chúng nó như em. Nếu các bạn cũng có con vào đại học thì xem như con. Như vậy, tự nhiên sẽ cảm nhận được khó khăn, một không khí tôn trọng và yêu thương xuất hiện”.

Thầy Phong cũng khoe, trong suốt nhiều năm làm hiệu trưởng, thầy đã nhận được nhiều món quà của sinh viên mà thầy còn quý hơn vàng. Đó là tấm thiệp, bức tranh các em vẽ thấy hay cây bút... Những món quà đó được thầy trân trọng và để ngay ngắn trên bàn.

“Đó chính là những tình cảm đọng lại sâu sắc nhất. Những lúc mệt mỏi trong công việc, những món quà nhỏ là nguồn cảm hứng cho tôi. Tôi cứ ngồi xem và thấy rất yêu đời”.

{keywords}
Các món quà sinh viên tặng

Băn khoăn của thầy hiệu trưởng

Theo thầy Phong, thầy hài lòng với giáo dục Việt Nam chứ không bi quan. “Vì nước mình còn nghèo, bao nhiều khó khăn chồng chất,  tất nhiên mình mong muốn tốt hơn”.

Nhưng thầy vẫn băn khoăn là cách đánh giá và nhìn nhận của xã hội.

“Xã hội hiện nay còn tồn tại cách nhìn nhận đánh giá công việc, con người chưa được hiện đại. Chắc phải cần thời gian nữa mới chuyển được đánh giá theo thành phần, cấu tạo sang năng lực và kết quả”.

Thầy Phong đưa ra ví dụ "bảo một người có năng lực ngoại ngữ hay tin học chỉ cần đánh giá qua hai cái tin chỉ là tin học và ngoại ngữ. Còn vấn đề người đó có thực sự có năng lực không thì không rõ".

"Đáng lẽ nên làm hai cuộc kiểm tra. Nhưng nhiều người lại nói vì họ đã qua hai cuộc kiểm tra nên mới được cấp hai tờ giấy đó”.

Điều thầy băn khoăn thứ hai là môi trường xã hội để cho giáo dục phát triển phải thật sự là môi trường tốt và cần được tốt hơn nữa.

“Nếu xem hệ thống giáo dục như một cái cây, cái cây phải đặt trong vườn có nắng, gió, nước, phân bón mới tốt và ít sâu bệnh. Hiện nay các trường học phải che chắn bảo vệ học trò vì quá nhiều tệ nạn không tốt, hành xử xã hội không có chuẩn mực.

Ở những nước tiên tiến trên thế giới, môi trường giáo dục như tinh hoa. Muốn biết xã hội như thế nào thì vào trường đại học. Nước mình còn phải phấn đấu nhiều".

Lê Huyền