Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Tử tế với sông Trà Bồng của tác giả Nguyễn Thanh Nam.

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng Sen, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Chị bộc bạch, sông Trà Bồng thân thương từng được nhà thơ Tế Hanh tâm tình trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, đã và đang bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa. 

Quê hương tôi có con sông xanh biếc…

Với chiều dài hơn 70km, phát nguyên từ hợp lưu các suối ở huyện Trà Bồng, mải miết chảy qua nhiều thác ghềnh cồn bãi rồi xuôi về huyện Bình Sơn, trước khi ra cửa Sa Cần hòa nước vào Biển Đông, “con sông xanh biếc” ấy đã phải gánh một lượng lớn rác thải.

5 năm qua, cứ đến những tháng 3, 6, 12, Huyện đoàn Bình Sơn lại tổ chức chuỗi chương trình cộng đồng “Tử tế với sông Trà Bồng” nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ con sông này vì mục tiêu phát triển bền vững.

anh1nguyenthanhnam.jpg
Chương trình “Tử tế với sông Trà Bồng” nhận được sự hưởng ứng của người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh: Nguyễn Thanh Nam

Rất nhiều hành động thiết thực, cụ thể được đề ra, như tuyên truyền cho người dân về Luật Bảo vệ Môi trường, về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa; khuyến khích, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó là vận động người dân phân loại rác trước khi xử lý, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác, xác động vật ra sông, suối, các tuyến kênh mương. 

Thêm vào đó, Đoàn các xã, thị trấn thành lập nhiều công trình thanh niên như: “Đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”, “Đội thanh niên tình nguyện vì con sông quê hương”… Qua đó, tổ chức hàng loạt hoạt động ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt, tận diệt thủy sản nhằm bảo tồn nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học; cũng như lên án các việc làm thiếu văn hóa đối với môi trường.

Ngoài ra, việc dọn vệ sinh làm sạch đẹp con sông Trà Bồng, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, đặt thùng rác dọc bờ sông… cũng được thực hiện thường xuyên. 

Phó Bí thư Huyện đoàn Bình Sơn cho biết, có những tín hiệu đáng mừng là từ khi triển khai thực hiện vào năm 2019 đến nay, “Tử tế với sông Trà Bồng” luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong huyện. Theo từng năm, lượng người tham gia để chung tay bảo vệ sông Trà Bồng ngày càng nhiều hơn.

Chương trình lan tỏa, được xã hội quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao. “Tử tế với sông Trà Bồng” cũng là một trong những hoạt động chính của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè huyện Bình Sơn năm 2024, ra quân ngày 1/6 vừa qua.

Giờ đây, những đoạn sông Trà Bồng chảy ngang qua các xã, thị trấn ở huyện Bình Sơn trong hơn, sạch hơn sau mỗi ngày, cũng như người dân ngày càng có ý thức và trách nhiệm về việc chung tay bảo vệ con sông này. Chị Sen bày tỏ tin tưởng, sông Trà Bồng sẽ lại đẹp đẽ, sẽ lại trữ tình, nên thơ như vốn từng hiện hữu trong tác phẩm “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh.

Phải ngưng ngược đãi dòng sông

Ông Lê Thanh Kha (68 tuổi, xã Bình Dương), cho biết từ thuở khai sinh lập địa, sông Trà Bồng đã góp phần quan trọng trong việc khắc họa nên diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của người dân hai huyện Trà Bồng và Bình Sơn, vốn phụ thuộc vào nguồn sinh kế nông nghiệp và thủy sản. 

Chính sông Trà Bồng đã cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu, góp phần trong phát triển ngư nghiệp, sản xuất thủy sản…

anh2nguyenthanhnam.jpg
Người dân không còn phải “qua sông thì phải lụy đò”, thay vào đó được đi trên những cây cầu kiên cố. Ảnh: Nguyễn Thanh Nam

Tuy nhiên, ông Kha thừa nhận, dẫu sông Trà Bồng vẫn miệt mài và bền bỉ chảy theo năm tháng, nhưng con sông này ngày càng hứng chịu nhiều tác động của phát triển kinh tế xã hội, cũng như bị “tổn thương” bởi con người với những hành động thiếu ý thức.

Chị Nguyễn Thị Hoài Vân (42 tuổi, xã Bình Minh), cảm thấy buồn khi sông Trà Bồng bao đời chở che, nuôi sống người dân địa phương đã nhận phải những ứng xử thiếu văn hóa của chính con người. 

Nhiều đoạn sông ngập ngụa rác thải, bốc mùi ô nhiễm, cá chết bất thường trên sông. Nước sông ô nhiễm khiến các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị cản trở, ảnh hưởng. Những cánh đồng không còn màu mỡ. Năng suất những vụ lúa, bắp (ngô), dưa hấu, hoa màu… bị sụt giảm rõ rệt. Cuộc sống mưu sinh của người dân sống dọc hai bên bờ sông rơi vào tình cảnh chật vật, khó khăn.

Đáng chú ý, nhiều hoạt động ngược đãi con sông này cũng xuất hiện. Như hành vi lấn chiếm lòng sông Trà Bồng để làm quán nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống trái phép gây cản trở dòng chảy, vi phạm hành lang thoát lũ, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Hay một số người bất chấp pháp luật, vô tư khai thác cát trái phép ồ ạt, dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Trà Bồng. Để rồi vào mỗi mùa mưa lũ, người dân sống dọc hai bên bờ sông, đoạn chảy qua một số xã như: Bình Minh, Bình Chương, Bình Mỹ (huyện Bình Sơn)… phải thấp thỏm lo sợ dòng nước xâm thực, “nuốt” nhà bất cứ lúc nào.  

Theo anh Vương Minh Hiếu (37 tuổi, xã Bình Chương), sự “bất mãn” và “nổi giận” của sông Trà Bồng cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân là tại những tác động tiêu cực từ con người. Chính sự “nổi giận” ấy đã khiến người dân tỉnh ngộ, vỡ lẽ. Họ nhận ra và ý thức được việc trân trọng sông Trà Bồng là trách nhiệm chẳng của riêng ai.

Vậy nên, khi chương trình “Tử tế với sông Trà Bồng” được huyện đoàn Bình Sơn phát động, ông Kha, chị Vân, anh Hiếu, đông đảo người dân từ già đến trẻ, từ đoàn viên thanh niên cho đến lực lượng dân quân, bộ đội, công an… đều hưởng ứng nhiệt tình. 

Dòng sông du lịch gây thương nhớ

Anh Nguyễn Minh Hải (35 tuổi, xã Bình Đông), kể suốt hành trình bôn ba mưu sinh khắp chốn, khi ai đó hỏi quê ở đâu, anh chỉ cần giới thiệu một cách kiêu hãnh, tự hào và ngắn gọn bằng những câu thơ: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre…”. 

anh3nguyenthanhnam.jpg
Theo bà Nguyễn Vương Hoài Thảo (ảnh nhỏ), ý tưởng “khoác áo mới” cho sông Trà Bồng trở thành “con sông du lịch” là hoàn toàn khả thi. Ảnh: Nguyễn Thanh Nam

Anh Hải cho rằng, sông Trà Bồng xuất hiện ở cả hai kiệt tác của nhà thơ Tế Hanh là “Nhớ con sông quê hương” và “Quê hương” vậy nên chăng, tận dụng cơ hội “phủ sóng” ấy để nâng tầm sông Trà Bồng trở thành điểm du lịch trong thời gian tới? 

Để rồi khi du khách đến tham quan sông Trà Bồng, có thể ghé đến thưởng lãm những địa điểm liên quan con sông này như: Nơi vọng thờ nhà thơ Tế Hanh (xã Bình Dương), làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ), làng chẻ tre, đan thúng Đông Yên (xã Bình Dương), xứ chè trăm tuổi Lộc Thanh (xã Bình Minh)…

Bà Nguyễn Vương Hoài Thảo, Phó Trưởng khoa Quản trị du lịch - Khách sạn (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM), người từng có không ít nghiên cứu về phát triển du lịch ở một số địa phương trên cả nước, cho biết đã được diện kiến sông Trà Bồng qua những chuyến công tác. 

Như bao người, bà Thảo cũng bị lay động bởi những tâm tình của nhà thơ Tế Hanh với sông, với quê qua hai bài thơ nổi tiếng của ông. Để rồi khi tận mắt “mục sở thị”, bà Thảo ấn tượng bởi hình ảnh sông Trà Bồng trữ tình, đẹp đẽ. Rồi khi rời đi, bà luyến lưu, nhung nhớ. Vì lẽ đó, bà Thảo cho rằng ý tưởng “khoác áo mới” cho sông Trà Bồng trở thành “con sông du lịch” là hoàn toàn khả thi. 

Theo bà Thảo, chính quyền địa phương cần đề ra những định hướng phát triển để quy hoạch, đầu tư, khai thác phù hợp về tiềm năng của sông Trà Bồng. Hiển nhiên, cần lưu ý việc khai thác và phát triển phải giữ được những giá trị sinh thái. Song song đó là bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa, không gian, cảnh quan đặc trưng của con sông. Và hơn hết, cần tạo ra được những giá trị phát triển bền vững, chú trọng việc bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nước của sông Trà Bồng…

Bà Thảo nhận định, nếu làm được những điều đó, rất có thể, trong tương lai không xa, sông Trà Bồng sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng, khiến du khách trong và ngoài nước “ghé một lần nhớ mãi, đến nhiều lần khó quên”. 

Đó cũng là điều mà nhiều người dân ở huyện Bình Sơn và huyện Trà Bồng đã và đang mường tượng đến. Họ hy vọng sông Trà Bồng sẽ sớm có chỗ đứng trong bản đồ du lịch của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, Việt Nam nói chung, để góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hồng Sen, Phó Bí thư Huyện đoàn Bình Sơn, cũng chia sẻ, từ sự lan tỏa của chương trình “Tử tế với sông Trà Bồng”, có thể sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, giúp “con sông quê hương” luôn xanh, sạch, đẹp, tạo đà giúp thu hút khách du lịch…

Nguyễn Thanh Nam

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg