Giọng Huế, vị Huế, nét thơ mộng đài các khoan thai cẩn trọng, cả mảng màu khói sương lẫn vẻ dịu dàng lộng lẫy trong bức tranh Huế luôn in đậm tâm tính của sông Hương.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Hương - dòng thơm xứ kinh kỳ của tác giả Bạch Diệp.
Ký ức màu thiên thanh
Buổi chiều xa xôi ấy, cô bé xóm núi chen chúc trên chuyến tàu chợ vào Huế giữa mùa nắng rát. Qua ô cửa cũ kĩ, sông Hương hiện ra trước mắt sóng sánh như ly rượu trong yến tiệc hoàng hôn - thứ ánh sáng mộng mị và mùi hương mềm mại khiến người ta nghĩ tới chiếc khăn lụa thiếu nữ vừa vẩy vào không gian hương của những cánh hoa cam, hoa thanh trà và mùi cỏ dại. Thấp thoáng đền đài xưa cũ, những ngôi biệt thự sau tàng cây dịu dàng soi bóng.
Cô bé khát khô uống vội ngụm nước nơi chiếc vòi bên hông nhà ga cũ. Nước sông Hương! Dòng sông trên những trang sách của nhà văn Hoàng Phủ, trong lời kể của ngoại nơi lều cỏ phía ngọn đồi... Rằng, xưa rất xưa, có nàng công chúa Huyền Trân đặt gót xuống thuyền hoa trong cuộc hôn nhân đầy nước mắt với vua Jaya Simhavarman III để có xứ Thuận Hóa này.
Dòng sông hoang sơ miền Ô, Lý đã chứng kiến biết bao cuộc đổi thay với những tên gọi như Linh Giang, Lô Dung, Yên Lục, sông Huế… Rằng, xưa rất xưa, có ngôi làng ở bên dòng sông nước xanh màu ngọc, người dân yêu mến và biết ơn dòng nước xinh đẹp nên tìm nấu trăm hoa trên nguồn đổ xuống cho dòng sông mãi thơm tho. Phải chăng từ đó dòng sông có tên gọi sông Hương? Và như thiên ý, các bậc quân vương nhà Nguyễn đã chọn sông là vị trí "minh đường" để định đô lâu dài.
Những ngọn thác từ Trường Sơn hùng vĩ đổ về hai nhánh tả hữu bỗng êm ả hợp dòng tại ngã ba "Bằng Lãng" - vùng đất long mạch được các vua chúa triều Nguyễn chọn làm nơi yên nghỉ. Sông ngang qua những lầu son phủ đệ, những cánh đồng cỏ hoa Châu Hóa, những ngôi làng duyên dáng bình yên. Một dòng trôi như "mảnh trăng lắng đọng nỗi buồn kim cổ” mà khí phách “thanh kiếm dựng trời xanh" đã được ghi dấu tráng lệ qua bao thế kỷ, góp phần làm nên những chiến tích của Đại Việt oai hùng.
Người ta ví sông Hương có tâm tính như người Huế - hiền hòa, bình thản, cả nét u trầm cũng quyến luyến, thiết tha. Biết bao tao nhân, mặc khách vương vấn một giọng hò đêm trăng, bóng con thuyền như nét vẽ gầy nhòe trên màn lụa mỏng. Tôi giữ từng mảnh nhỏ kí ức màu thiên thanh ấy nơi mặt nước tĩnh tại nghiêng nghiêng qua lòng phố - màu xanh dịu dàng “không nơi nào có được”, như một làn sương mỏng đợi buổi sớm mai là chực tan ra.
Người uống nước sông Hương
Cuộc hẹn hò đầu tiên với anh là một đêm mùa xuân tôi vừa qua sinh nhật 19 tuổi. Trăng tràn ánh bạc đổ xuống vài và nhịp Trường Tiền. Anh kể chuyện trốn học cùng lũ bạn tắm sông. Có đứa đi xa mấy chục năm về chạy ngay ra bến bơi, bơi cho đã thèm đã nhớ. Những ngày loạn lạc, phố phường khói cay lửa đỏ, người lên núi kẻ xuống biển vẫn hẹn về với sông.
Dưới trăng, mặt nước tỏa hương dìu dịu. Lần đầu trong đời tôi biết mùi hương ấm nồng, ngan ngát ấy là của giống cỏ thạch xương bồ. Anh nói, giống cây này chọn mọc vùng nước trong đầu nguồn, người ta vẫn tin thân và rễ là vị thuốc trường sanh.
Một ngày mưa, tôi phải xa anh, xa Huế. Nhìn vọng qua bờ bên tê, bến nhà anh ngó ra màn mưa xiên thắt ruột. Con đò nơi mép nước ngày chở đầy nắng, hôm ấy đứng lặng trong mưa. Anh hứa khi tôi về, sẽ đưa tôi ngược dòng tìm hái cỏ thạch xương bồ. Tôi rời Huế mang theo mùi hương cỏ, lời hẹn và cả những đêm mất ngủ. Hơn ngàn ngày nơi xứ Thüringen tuyết trắng, ngóng về hướng Đông, tôi nhớ sông.
Và rồi đứa con gái phía những ngọn đồi ngút ngàn đã về làm dâu mạ Huế.
Gia đình nhỏ của tôi ở bên sông, trong ngôi nhà trăm năm tuổi của ba mạ. Tôi quen gương mặt sông những buổi mai tinh tươm, những đêm trăng luễnh loãng màu trắng sữa. Mùa xuân, đôi bờ tím khói hoa xoan; hè về lộng lẫy phượng đỏ, điệp vàng, vạt ngô đồng phớt hồng trìu mến.
Các con tôi lớn lên trong bầu không khí của ngọn gió mát lành. Những sáng mùa hè, sông hiện ra trong sương mù theo nhịp gõ mạn thuyền. Người làm chài thường đổ lưới trước bình minh cho kịp chợ sớm. Chỉ tính riêng một quãng, đã có cả chục cái chợ bên bờ sông Hương: Chợ Tuần, chợ Đông Ba, chợ Đò Cồn, chợ Vĩ Dạ, chợ Mai...
Trên bến dưới đò, người sang kẻ khó đều được hưởng phước lộc của sông. Cây phượng già bên chân cầu Trường Tiền nở tràn như mâm xôi gấc. Triêng gióng mang theo tiếng cười chợ sớm qua cầu. Không gian trong vắt mùi hơi nước. Những con đò nhỏ gác chèo đứng lặng như mảnh trăng cuối tháng ngủ quên trong mây.
Người Huế ngưỡng vọng sông Hương như Thần Mẫu. Nhưng dòng sông hiền hòa ấy cũng có khi nổi giận. Chúng tôi từng sống những ngày cả thành phố mênh mông nước trắng. Ruốc sả, cá khô, mè đậu rang… là thức quen để đối phó với lụt. Chỉ đợi nước sông hạ xuống, chợ cá đã bày trên bến. Cá lụt là thứ các bà nội trợ mong đợi sau mấy ngày không họp chợ. Nửa bán, nửa cho để bếp nhà ai cũng thơm tho lộc sông đền bù mùa khó.
Mỗi mùa lụt, con tôi xa Huế nhắc mãi món dưa hường muối chua um cá sông mẹ nấu. Ngày nay, chợ không thiếu thức gì nhưng gặp mớ tép, cá bống thệ, con cá đối còn vướng rong rêu, nghe o bán hàng lên giọng: "Cá sông Hương mới lên đó" thì đắt mấy bỏ đi cũng không đành.
Sinh thời, mạ chồng tôi là người con gái đẹp của làng Nam Phổ - một ngôi làng trù phú bên bờ sông Hương. Khu vườn nhà ngoại phù sa bồi đắp sum suê cây trái. Nồi canh mạ nấu chỉ là mớ rau vườn với mấy con tôm sông, mạ nói vị thanh ngọt là nhờ nước sông Hương. Từ lá rau thơm, rau ngò, con diếc, con rô cho đến trái vả, trái khế, trái chuối tiêu, chùm dâu da… cũng nhờ sông nuôi lớn.
Huế là xứ sở của những huyền thoại lễ nghi với dấu ấn kinh kỳ quy tụ. Giọng Huế, vị Huế, nét thơ mộng đài các khoan thai cẩn trọng, cả mảng màu khói sương lẫn vẻ dịu dàng lộng lẫy trong bức tranh Huế luôn in đậm tâm tính của sông Hương. Ngày Rằm, mùng Một, người ta không quên cắm một cây nhang trước bến với lời tạ ơn và cầu nguyện gửi về mẹ sông.
Nhớ hôm tiễn ba chồng tôi rời cõi tạm, mạ nói hãy đi thêm một chặng cho Người ngắm sông lần cuối. Anh tôi đã ngoài thất thập, mấy chục năm nơi xứ người vẫn ngủ mơ trốn học đi tắm sông Hương bị ăn đòn. Có người họa sĩ già miệt Hương Hồ, hơn 50 năm cầm cọ nhưng "vẽ chi cũng ra đò”. Anh nói: “Năm nay, tui 80 tuổi, đã vẽ hàng trăm bức tranh vẫn chưa tả nổi sắc màu nước sông Hương”.
Không chỉ người Huế yêu sông, nhiều người ngoại quốc cũng lắng lòng khi ngắm con sông trôi êm giữa lòng phố thị. Được nghe, có những họa sĩ người Pháp đến Huế từ những năm 1886, như họa sĩ Gaston Roullet, ông đã vẽ hơn 200 bức tranh về sông Hương và xứ An Nam. Họa sĩ Bauchaud vẽ sông Hương từ năm 1902. Ngài Victor Tardieu thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và để lại tuyệt tác "Chợ bên bến sông".
Nét hiền hòa, hoang sơ của dòng sông, trong tranh hay cảnh thực cũng một dòng lặng lờ êm trôi dù trăm năm đôi bờ đã ít nhiều thay đổi. Cũng như sông, người uống nước sông Hương vẫn giữ dáng điệu khiêm cung, hưởng ân phước từ dòng chảy nuôi dưỡng đất kinh kỳ.
Sông Hương mở ra đôi cánh lụa
Huế xinh và nhỏ nhắn như một thị trấn cổ chỉ dăm ba giờ chạy xe là thượng nguồn đã về đến hạ nguồn. UNESCO công nhận Huế là di sản thế giới với 8 hạng mục đều có hình ảnh sông Hương ở đó. Sông Hương được xem là "trục chính" trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Huế.
Chính quyền và người dân Huế luôn ý thức “ứng xử văn hóa, cẩn trọng, bảo vệ bằng được sự nguyên vẹn, thơ mộng và sang trọng của sông Hương". Người Huế làm du lịch sinh thái bên sông với những khu vườn thanh trà trĩu quả, những bãi bồi trồng rau trái xanh tươi.
Những nhà máy công nghiệp, khu khai thác mỏ đá đều dời xa nguồn nước. Hàng ngàn “cư dân mặt nước" được khuyến khích lên bờ định cư. Con kè đá trắng kéo dài mấy cây số mở ra những lối đi bộ xinh xắn. Những khu nhà cao tầng lùi lại một quãng xa. Đôi bờ sông là những công viên thảm cỏ và vườn hoa bốn mùa.
Hàng năm vào các kỳ Festival, lễ hội tri ân, tôn vinh vẻ đẹp của sông, tục dâng hoa tươi, dâng trà thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham dự. Sông Hương như tấm lụa thêu sao lộng lẫy dưới bầu trời nhung huyền ảo.
Ngài GS. Satoh Shigeru (Nhật Bản), một người dành hơn 30 năm tìm hiểu về Huế đã đưa ra ý tưởng xây dựng "Bảo tàng sinh thái lịch sử ở lưu vực sông Hương". Sinh thời, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từng mong ước một ngày nào đó bức tượng "Nữ thần sông Hương" sẽ xuất hiện. "Bức tượng bằng đá cẩm thạch sẽ ở đó vĩnh cửu cùng với sương mù và ánh nắng mai". Phố bên sông hối hả những dòng xe. Bờ ni kinh thành phủ đệ soi bóng, bờ tê kiến trúc châu Âu quý phái mà mềm mại, dịu dàng.
Người Huế đang đặt những nét cọ cho bức tranh thành phố bên sông với từng mảng màu cẩn trọng, tinh tế, đầy cảm xúc. Mỗi khắc giờ, mỗi mùa trôi qua, dòng Hương đổi sắc dưới ánh mặt trời - màu ngọc lục bảo in bóng những tàng cây, màu lam bạc của mây thấp mùa thu, màu thiên thanh khi trời cao mùa hạ, màu phỉ thúy của trăm hoa xuôi về.
Ký ức sông vẫn giữ màu áo the hai vạt của dì, của mạ trĩu gánh qua cầu, cả màu tím đượm buồn trong mắt Huế những hoàng hôn dằng dặc nhớ.
Bạch Diệp
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.
Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html