Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 3 bài Bay cao khát vọng sông Hồng của nhóm tác giả Tuấn Ngọc và Quỳnh Trang.

Bài 1: Sông Hồng, cái nôi của những nền văn hóa

Bài 2: Dòng sông của những bản hùng ca

Bài 3: Khát vọng nơi đầu nguồn biên giới

anhbia2songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Sông Hồng trong dòng chảy của lịch sử gắn với bao lớp trầm tích văn hóa, cũng gắn với bao câu chuyện về quá trình bảo vệ biên giới của quân và dân một vùng biên ải Lào Cai qua các thời kỳ. Những truyền thống đáng tự hào của hàng ngàn năm lịch sử ấy trở thành động lực to lớn để các thế hệ quân và dân Lào Cai nối tiếp nhau đoàn kết bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Sông Hồng qua Lào Cai là dòng sông của những bản hùng ca.

Hùng thiêng một vùng biên ải

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, vào thời nhà Trần, địa bàn Lào Cai thuộc châu Văn Bàn và Thủy Vĩ thuộc trại Quy Hóa. Năm 1256, toàn bộ vùng Vân Nam (Trung Quốc) dưới sự thống trị của quân Mông Cổ. Năm 1257, quân Mông Cổ tiến đánh Nam Tống, trong đó có một cánh quân đánh xuống Đại Việt rồi vòng lên Lạng Sơn đánh sau lưng quân Tống. 

anh4songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Tương truyền tướng Trần Quốc Tuấn khi hành quân lên biên giới Lào Cai xây dựng tuyến phòng thủ đã ngọn đồi cao ven sông Ngân (sông Nậm Thi bây giờ) để xây dựng đồi hỏa hiệu nhằm đốt lửa báo hiệu cho cả vùng, đồng thời lập trại đóng quân, trạm gác, các trạm chuyển thông tin cũng như lương thảo phục vụ quân đội. Sau khi cuộc chiến chống quân Nguyên Mông tại Lào Cai kết thúc, quân đội nhà Trần trở về kinh đô. 

Sau này, tưởng nhớ công đức của quân đội nhà Trần, người dân địa phương (thành phố Lào Cai hiện nay) đã lập 3 ngôi đền thờ  quan binh nhà Trần đã hy sinh là đền Thượng, đền Quan, đền Cấm (tại thành phố Lào Cai hiện nay). Trong đó, đền Thượng có lịch sử hơn 300 năm, tọa lạc bên ngã ba sông nơi sông Nậm Thi trong xanh hòa vào dòng sông Hồng cuộn đỏ, sừng sững uy linh bốn cõi, trở thành cột mốc tâm linh vững vàng nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Ngoài ra, xuôi sông Hồng về xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên có đền Bảo Hà nổi tiếng linh thiêng, nằm ngay sát bờ sông Hồng, thờ Thần Vệ quốc Hoàng Bảy là một danh tướng có công đánh giặc phương Bắc bảo vệ bờ cõi. 

Từ đầu thế kỷ XIX, khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống đồn, bốt kiên cố dọc suốt sông Hồng để kiểm soát tuyến đường sông huyết mạch, nhưng luôn vấp phải những cuộc tấn công phục kích của quân binh ta. Từ năm 1885 -1892, tuần phủ Nguyễn Quang Bích đã cùng các lãnh binh chỉ huy dân binh khởi nghĩa, phục kích địch trên sông Hồng đoạn Bảo Hà - Trái Hút, tiêu diệt gọn 13 thuyền địch. Ngày 19/8/1886, tại thác nước trên sông Hồng khu vực xã Trịnh Tường, nghĩa quân họ Thào (dân tộc Giáy) phục kích, đánh đắm 6 thuyền địch, tiêu diệt 2 trung úy chỉ huy và 11 lính. Đây là trận đánh khiến thực dân Pháp thiệt hại nặng nhất ở bờ hữu ngạn sông Hồng, về sau người địa phương gọi là trận Thác Tây. Ngày 8/8/1916, nghĩa quân lại tập kích Đồn Trịnh Tường gây cho quân Pháp nhiều tổn thất.

Sau này khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, dòng sông Hồng âm vang hào khí non sông đã ghi dấu bao chiến công oanh liệt của bộ đội ta như chiến dịch sông Thao năm 1949, chiến dịch Lê Hồng Phong năm 1950, góp phần giải phóng tỉnh Lào Cai vào tháng 11/1950. Dòng sông Mẹ đã chở che cho bộ đội ta vận chuyển vũ khí, đạn, pháo do Trung Quốc hỗ trợ xuôi dòng nước đến tận bến đò Âu Lâu (Yên Bái) rồi ngược đường rừng lên phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

anh5songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Vững tay súng bảo vệ biên thùy

Từ thành phố Lào Cai, ngược theo con nước sông Hồng khoảng 70km chúng tôi đến với mảnh đất A Mú Sung, huyện Bát Xát, nơi dòng sông Hồng từ Trung Quốc bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Đồn biên phòng A Mú Sung là đồn biên phòng đầu tiên trên tuyến biên giới dọc sông Hồng của tỉnh Lào Cai. Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung chia sẻ: “Tính đến nay Đồn Biên phòng A Mú Sung đã có lịch sử 46 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, gắn với những thành tích đáng tự hào. Đồn quản lý trên 26,7km đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc trên suối Lũng Pô và sông Hồng. Trải qua năm tháng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung đã không quản hi sinh xương máu, luôn vững tay súng chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ vững chắc dải đất biên cương nơi thượng nguồn sông Hồng”. 

Thật xúc động khi nghe câu chuyện về 23 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979. Ngày đó, Đồn Biên phòng A Mú Sung vừa được thành lập, lực lượng còn mỏng, vũ khí thô sơ, khi giặc bên kia biên giới vượt sông Hồng tràn sang, 23 cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, máu các anh đã thấm xuống đất này, hòa vào dòng sông Mẹ. 

Nỗi đau ngày 17/2 như một nỗi ám ảnh, khi biên cương chưa bình yên. Trên bia đá khắc ghi vào ngày 17/2/1984 có 4 chiến sĩ cũng đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ biên giới. Ngày 16/2/2011 một chiến sĩ cũng hi sinh vì Tổ quốc. Trong số các anh, người ở Lào Cai, người quê Yên Bái, Hải Phòng, người quê Vĩnh Phú, Nam Định, người tận Thanh Hóa. Ngày 17/2 hằng năm trở thành ngày giỗ chung của những người con từ bao miền quê hi sinh vì Tổ quốc nơi mảnh đất này. 

Khi đất nước đã hòa bình, ở nơi biên viễn xa xôi, heo hút, khí hậu khắc nghiệt, vẫn có những người lính biên phòng mãi mãi nằm xuống vì mắc bệnh hiểm nghèo. Các anh đã ra đi, máu xương hòa vào dáng núi, hình sông trên một vùng biên ải, nhưng anh linh những người chiến sĩ dũng cảm vẫn ngày đêm canh giữ cho mảnh đất biên cương.

Trên hành trình đi dọc biên giới sông Hồng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi còn thăm Đồn Biên phòng Trịnh Tường, Đồn Biên phòng Bát Xát (huyện Bát Xát), Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (thành phố Lào Cai). Suốt chiều dài biên giới sông Hồng qua địa bàn tỉnh, dù ở đâu, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng vững vàng tay súng, sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần, coi nhiệm vụ bảo vệ biên giới như chính tính mạng của mình.

anh6songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Những “cột mốc sống” nơi biên giới

Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Hồng từ Trung Quốc chảy về chạm vào đất Việt Nam ở ngã ba suối Lũng Pô, rồi mang sứ mệnh thiêng liêng của dòng sông biên giới giữa 2 quốc gia Việt Nam và Trung Quốc đến ngã ba sông Nậm Thi, sau đó hoàn toàn chảy trong lòng lãnh thổ Việt Nam. Đến những vùng đất dọc theo biên giới sông Hồng hôm nay, chúng tôi thấy các bản làng trù phú, cuộc sống bình yên, đô thị sôi động và một nhịp sống mới đang trỗi dậy. Trải theo chiều dài năm tháng, cùng với lực lượng bộ đội, công an, chính đồng bào các dân tộc địa phương cũng trở thành lực lượng quan trọng giữ đất, giữ nước, giữ rừng, giữ biên cương.

Trung tá Trần Mạnh Tài, Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Lũng Pô, Đồn Biên phòng A Mú Sung đưa chúng tôi đi thăm thôn biên giới Lũng Pô. Ở nơi biên giới xa xôi này, chính đồng bào dân tộc địa phương là những “cột mốc sống” cùng bộ đội biên phòng bảo vệ biên thùy. Tiêu biểu như ông Ma Seo Páo là người có uy tín, có công lập bản cách đây gần 20 năm, nên được bà con tin tưởng, nói dân nghe, làm dân theo, giúp bộ đội biên phòng nắm tình hình trong thôn, tham gia hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, thôn bản bình yên. 

Lau những giọt mồ hôi thấm ướt gương mặt sạm đen vì nắng gió, ông Ma Seo Páo nhớ lại: “Có lần đi dọc sông Hồng, tôi phát hiện một số kẻ lạ mặt dẫn theo phụ nữ đi xuống sát bờ sông. Linh tính có chuyện không tốt, tôi liền thông tin cho các cán bộ Đồn biên phòng A Mú Sung. Sau đó, những kẻ xấu có hành vi buôn bán phụ nữ qua biên giới đã bị lực lượng biên phòng bắt giữ”.

Đến nhiều thôn, bản giáp sông Hồng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các thôn biên giới, chúng tôi có dịp trò chuyện với những người dân bản địa nhiều năm bám bản, giúp nhân dân xây dựng thôn biên giới ấm no, yên bình. Tiêu biểu như tại thôn Hải Khê, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, có anh Vàng A Cương, dân tộc Giáy là người có uy tín tích cực vận động nhân dân ra biên giới khai phá đất hoang, nâng cao năng suất cây lúa, cây ngô lên tới 50 -65 tạ/ha; trồng 5,4 ha táo; 1,5 ha cây dưa lưới, dưa lê trong nhà màng, biến dải đất ven sông thành vùng cây ăn quả xanh tốt. Nhiều năm qua, bà con thôn Hải Khê tích cực tham gia tổ bảo vệ đường biên, mốc giới, không ai vượt biên trái phép. Vừa qua, anh Cương là 1 trong 7 người có uy tín của tỉnh Lào Cai được tuyên dương trong chương trình “Điểm tựa của bản làng” toàn quốc năm 2024.

Tại thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, chúng tôi gặp bà Đặng Thị Dẩn, dân tộc Dao, 65 tuổi. Người phụ nữ này là Trưởng thôn Nậm Sò, đã 24 năm tuổi Đảng, suốt hơn 2 thập kỷ kiên trì vận động bà con ra biên giới khai hoang, phát triển kinh tế, bảo vệ biên cương. Nhờ sự bền bỉ ấy, bà Dẩn cùng bà con trong thôn đã biến vùng đất hoang sơ, giao thông cách trở, đầy rẫy bom mìn sau chiến tranh biên giới năm 1979 với 100% hộ nghèo trở thành “điểm sáng” kinh tế, với gần 80% hộ khá, giàu nhờ mô hình trồng chuối, trồng dứa. Đến nay, thôn Nậm Sò đã thực sự “thay da, đổi thịt”, bà con yên tâm gắn bó với đất biên cương.

Hàng triệu năm rồi hàng nghìn năm đã trôi qua, dòng sông Hồng vẫn lặng lẽ chảy. Bên dòng sông ấy, ngày hôm nay không chỉ có ông Páo, anh Cương, bà Dẩn, mà mỗi một người dân đều trở thành một “cột mốc sống” trong công cuộc giữ đất, giữ nước, giữ làng, giữ biên giới quốc gia. Sông Hồng nơi biên giới Lào Cai soi bóng âm vang bản hùng ca của lịch sử xa xưa và bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, làm nên bản hùng ca mới của hôm nay và mai sau.

Tuấn Ngọc – Quỳnh Trang

Mời quý độc giả đón đọc Bài 3: Khát vọng nơi đầu nguồn biên giới

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. 

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg