Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 3 bài Bay cao khát vọng sông Hồng của nhóm tác giả Tuấn Ngọc và Quỳnh Trang.

Bài 1: Sông Hồng - cái nôi của những vùng văn hóa

Bài 2: Dòng sông của những bản hùng ca

Bài 3: Khát vọng nơi đầu nguồn biên giới

anhbiasonghong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

…sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên

nước và đất để nay thành Đất Nước

một con sông dịu dàng như lục bát

một con sông phập phồng muôn bắp thịt

một con sông đỏ rực

nhuộm hồng nâu da người

ôi Sông Hồng, mẹ của ta ơi

người chứa chất trong lòng

bao điều bí mật…

Men theo những lời thơ trong bài thơ Sông Hồng của tác giả Lưu Quang Vũ, chúng tôi tìm về với miền ký ức ngàn năm của Lào Cai – điểm đến đầu tiên của sông Hồng khi chảy vào cương thổ nước Việt. Nơi mà người Việt cổ từng dựng nên những bến, những thuyền tấp nập ở đầu nguồn con nước, nay vẫn còn vang vọng qua câu chuyện của những hiện vật ngàn năm. 

anh1songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Độc đáo văn hóa Sơn Vi

Sinh ra và lớn lên ở dải đất nghèo miền biên, tự trong tâm thức thuở ấu thơ đến khi đã bước qua một chặng dài của đời người, tôi cứ giữ mãi trong tâm trí về nơi chôn nhau cắt rốn có một dòng sông Mẹ chảy qua. Chẳng rõ có phải vì nặng lòng với dòng sông ngầu lên sắc đỏ hay còn mê mải với những hoài niệm, tò mò về vùng đất này ở miền trời xa thẳm, cách đây vài năm, tôi có cơ duyên gặp gỡ ông Nguyễn Văn Ngọc – một ông lão khác người, cặm cụi cả đời nơi triền sông để đi tìm… đá. Ông cũng là người hiến góp không nhỏ vào kho hiện vật của nền văn hóa Sơn Vi. 

Ông Ngọc vốn quê ở Hải Phòng, theo gia đình lên Lào Cai khai hoang làm kinh tế từ đầu những năm 1960. Khi đó, vùng đất ở thôn An Thắng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng – nơi ông chọn làm bến đỗ còn hoang vu lắm, chủ yếu là cây cổ thụ và lau sậy. Khi vỡ đất để bắt tay vào sản xuất trên quê hương thứ hai, ông Ngọc vô tình nhặt được những mảnh đá có hình dáng như những công cụ đá của người Việt cổ ở cửa suối Ngòi Nhù. 

Ông gom những viên đá thành từng đống bên cạnh vườn rau, rồi chọn những mảnh đá đẹp nhất mang về nhà cất giữ. Nhiều hôm rảnh rỗi mấy bố con ông ra cửa suối Nhù chơi, câu cá, bới đất vạch cỏ tìm những chiếc rìu đá, mảnh tước về xếp đầy góc nhà… Đến lúc quanh nhà nhìn đâu cũng toàn những đá, tính theo trọng lượng có khi đến cả tạ đá đủ hình thù các loại.

Niềm đam mê ấy đã đi theo ông suốt mấy chục năm. Ông Ngọc cứ lặng lẽ làm công việc đặc biệt chẳng giống ai đó là đi nhặt nhạnh những mảnh đá cuội về tích trữ trong nhà. Sau này, khi thấy đoàn cán bộ chuyên nghiên cứu, sưu tầm cổ vật của tỉnh về địa phương, ông Ngọc liên hệ với Bảo tàng tỉnh để chia sẻ thông tin và trao tặng cho Bảo tàng mấy bao tải toàn đá. Với người không hiểu thì những mảnh đá đó chẳng có giá trị gì, nhưng với ông Ngọc và những người đam mê khảo cổ thì đó là cả một kho báu. Bởi những mảnh đá ấy chính là những chứng tích còn lại của người Việt cổ cách đây khoảng 20.000 năm.

Lật tìm những tư liệu lịch sử, những tài liệu về khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh, những mảnh đá ông Ngọc sưu tầm được có hình dáng hoàn toàn trùng khớp với mô tả công cụ đá của người Việt cổ thuộc nền văn hóa Sơn Vi cách đây 20.000 -15.000 năm. 

Sơn Vi là tên một xã thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra những di chỉ của nền văn hóa này. Không gian của văn hóa Sơn Vi bao trùm các vùng thuộc Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Những người nguyên thủy - chủ nhân của nền văn hóa Sơn Vi sống thành từng bộ lạc. Họ chủ yếu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du ở trung lưu sông Hồng, thượng lưu sông Lục Nam, thượng lưu sông Hiếu, sử dụng công cụ lao động làm từ đá cuội được ghè đẽo thô sơ. Họ sống bằng săn bắn và hái lượm, chưa có trồng trọt và chăn nuôi. 

anh2songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện lưu giữ hàng trăm hiện vật công cụ đá cổ Sơn Vi, nhiều nhất là bộ sưu tập rìu đá bằng đá mài, đá cuội Quartzite (rìu đá không vai, rìu đá có vai, phác vật rìu đá…), ngoài ra còn có mảnh tước, chày nghiền, cối đá, dao đá, giáo đá, vòng trang sức đá, mảnh khuyên tai đá… Quá trình sưu tầm các hiện vật đá trên địa bàn tỉnh, cán bộ bảo tàng nhận thấy các hiện vật đá được tìm thấy chủ yếu dọc theo ven sông Hồng, nhiều nhất là ở di chỉ Ngòi Nhù thuộc khu vực xã Sơn Hà (Bảo Thắng), Cam Cọn (Bảo Yên). Đây là minh chứng cho một nền văn hóa cổ đại của người nguyên thủy đã tồn tại bên sông Hồng ở Lào Cai cách đây hàng chục ngàn năm. 

Trống đồng Đông Sơn ngàn năm vang vọng

"Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi"

Dù là dòng sông nào, thời kỳ nào thì những câu thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn luôn đúng. Mỗi dòng sông đều đắp bồi, mang theo một nền văn hóa, phản ánh đặc trưng về văn hóa của vùng đất, của tộc người. Và sông Hồng cũng không ngoại lệ.

Cuối tháng 3/2019, thông tin về việc phát hiện trống đồng cổ trong quá trình san gạt mặt bằng để làm nhà ở của một hộ dân thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai gây xôn xao dư luận. Ngay lập tức tôi liên hệ với cơ quan chuyên môn để có được những thông tin, tư liệu quý báu ban đầu về hiện vật.

Qua đánh giá, trống đồng Gia Phú là một cá thể trống đồng đẹp thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm). Đây cũng là trống đồng còn tương đối nguyên vẹn được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh tính đến thời điểm này. Qua tìm hiểu, nghiên cứu đã phát hiện nhiều hiện vật trong trống đồng Gia Phú, gồm: 1 chiếc rìu đồng lưỡi xéo thuộc văn hóa Đông Sơn; di cốt đã bị mủn nát chỉ còn giữ được 1 đoạn xương hàm dưới, 27 chiếc răng của cùng một cá thể trưởng thành; đặc biệt đã tìm thấy 5 khuyên tai bằng đá có kích thước khác nhau, tất cả đều có rãnh để luồn vào tai. Đây là lần đầu tiên ngành khảo cổ cả nước phát hiện được khuyên tai trong trống đồng.

Là người hoài niệm, luôn tha thiết tìm hiểu về mảnh đất quê hương, trong suốt những năm qua, tôi có rất nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với những người “bới đất” viết sử. Cảm thán biết bao khi dọc dải biên viễn Lào Cai, dấu chân của những người làm công tác khảo cổ đã lặng lẽ đi qua những dải đất ven sông trong suốt nhiều tháng năm. Vừa nghe kể, tôi như bị cuốn vào cuộc hành trình đi tìm cổ vật mà ven sông Hồng trở thành “kho báu” mà người xưa đã cất giấu trong lòng đất.

anh3songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Xâu chuỗi những địa điểm mà trống đồng được phát hiện có thể nhận thấy dấu vết và nét đặc trưng của văn minh sông Hồng từng có thời rực rỡ ở miền đất Lào Cai. Men theo dòng sông Hồng từ Bát Xát đổ về, trống đồng được tìm thấy ở Cốc Mỳ, Bản Vược, Bản Qua, Quang Kim; xuôi về thành phố Lào Cai, trống đồng nằm sâu trong lòng đất thuộc địa phận các phường Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Bắc Cường, Nam Cường. Theo dòng chảy của con sông, vào năm 2019, người ta phát hiện trống đồng ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.

Những chiếc trống đồng được “đánh thức” từ lòng đất sâu của Lào Cai đã phác họa, định hình rõ hơn bản đồ khảo cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Những địa điểm này tập trung nhiều ở khu vực hữu ngạn sông Hồng. Giới chuyên môn nhận định, ở một tỉnh đất đai chưa phải là rộng, dân số không phải nhiều so với các tỉnh miền núi phía Bắc mà có tới 33 di tích văn hóa Đông Sơn thì Lào Cai là địa bàn có mật độ di tích văn hóa Đông Sơn cao nhất không chỉ so với các tỉnh miền núi phía Bắc mà so với các tỉnh khác kể cả ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điều đó chứng tỏ Lào Cai xa xưa đã là một nơi “đất lành chim đậu”, thích hợp với cuộc sống của nhiều tộc người thời văn hóa Đông Sơn.

Suốt dọc sông Hồng có hai khu vực tập trung nhiều di tích Đông Sơn hơn cả là khu vực thị xã Lào Cai xưa (nay là thành phố Lào Cai), tiếp đó là khu vực quanh thị trấn Phố Lu, di chỉ Ngòi Nhù của huyện Bảo Thắng. Điều này chứng tỏ vai trò rất quan trọng của sông Hồng đối với dân cư văn hóa Đông Sơn, là con sông truyền tải sự giao lưu văn hóa giữa những vùng đất nó chảy qua. Và Lào Cai với vị trí đầu sông, cửa ngõ được xem như điểm dừng chân cho chặng dài giao lưu văn hóa.

Điều quý nhất trong bộ di vật đồng của Lào Cai là 42 chiếc trống đồng, trong đó có 38 chiếc thuộc loại I Heger. Đáng chú ý, có 2 hiện vật gồm mặt trống đồng Pha Long và trống đồng Gia Phú hiện được xếp vào danh sách bảo vật quốc gia. Trống đồng cùng hệ thống di tích, di vật Đông Sơn khác ở Lào Cai đã phản ánh phần nào một trung tâm Đông Sơn thịnh vượng ở vùng núi phía Bắc, khẳng định cương vực Nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng. 

Những di vật khảo cổ học văn hóa Đông Sơn cũng phần nào mô phỏng, phác hóa về người Việt cổ ở Lào Cai là cư dân làm nông nghiệp thành thạo. Bằng chứng cho nhận định đó là sự phổ biến đa dạng của các loại hình công cụ như rìu, cuốc, thuổng… và đặc biệt là những chiếc lưỡi cày bằng đồng. Bên cạnh nghề nông, người Lào Cai thời văn hóa Đông Sơn là cư dân đúc đồng luyện kim giỏi, kỹ nghệ luyện kim đồng, luyện kim sắt của người đúc thời Đông Sơn đã đạt đến trình độ cao. 

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, mỗi hiện vật đều mang trong mình những giá trị riêng, trống đồng Đông Sơn cũng không ngoại lệ. Việc tìm thấy trống đồng Đông Sơn và một số hiện vật như than đốt, rìu lưỡi xéo, xương cốt... ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh góp phần vào việc khẳng định sự phát triển lâu đời của cư dân Lạc Việt cổ ở vùng biên cương phía Bắc ở Tổ quốc. 

“Thức dậy” sau giấc ngủ hàng nghìn năm trong lòng đất, những chiếc trống đồng Đông Sơn - tinh hoa của người Việt cổ đã hoàn thành sứ mệnh của người xưa gửi gắm. Thanh âm từ ngàn đời mà người xưa lưu lại ở Lào Cai - dải đất biên cương, nơi đón dòng sông Hồng chảy về tạo nên khởi nguồn của một nền văn minh đã và đang tiếp tục âm vang theo năm tháng.

Sông Hồng bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và đổ ra Biển Đông theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, có tổng chiều dài 1.126km. Riêng đoạn chảy trên đất Việt Nam (từ Lào Cai đến cửa Ba Lạt, tỉnh Thái Bình) dài 556km. Trong đó, đoạn sông Hồng chảy qua tỉnh Lào Cai dài 128km. 

Tuấn Ngọc – Quỳnh Trang

 Mời quý độc giả đón đọc Bài 2: Dòng sông của những bản hùng ca

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg