Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Ơi Krông Ana! Có nghe tiếng chiêng đêm trước của tác giả Niê Thanh Mai.

Những câu chuyện huyền thoại xưa 

Y Ngơn kể cho tôi nghe về con thác Drai Dăng. Thác nước Drai Dăng có nghĩa là thác dài có dấu tích của những vết chém của chàng trai Ê-đê. Đó là con thác được tạo bởi ba nhánh chính và những cột đá và vách đá sừng sững. Thác Drai Dăng thuộc địa phận xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25km. Con thác bắt nguồn từ cầu 21 (Km 21- Quốc lộ 26) chảy qua thôn Tân Sơn, xã Ea Knuếc qua địa phận các xã Cư Êwi, Ea Hu (huyện Cư Kuin) và đổ vào sông mẹ Krông Ana. 

Dòng sông Krông Ana mềm như dải lụa. Ảnh NSNA Quang Khải.jpg
Dòng sông Krông Ana mềm như dải lụa. Ảnh: Quang Khải

Ấy thế nhưng câu chuyện về sông mẹ Krông Ana lại là một câu chuyện tình tha thiết của đôi trai gái Ê-đê. Rằng đôi trai gái yêu nhau tha thiết mà không thể đến được với nhau. Bởi gia đình cô gái nghèo, không đủ tiền sắm đủ heo, bò để hỏi cưới chàng trai về nhà mình. Trong khi gia đình hai bên có hiềm khích mỗi lúc một xa cách. Tuyệt vọng, đôi trai gái đã cùng gieo mình xuống sông tự vẫn. Cô gái hóa thành sông Krông Ana (còn gọi là sông Vợ) còn chàng trai hóa thành sông Krông Nô (còn gọi sông Chồng). Hai dòng sông chảy quanh, khi hợp lại hòa quyện vào dòng sông Sêrêpốk cuồn cuộn chảy về hướng Tây. 

Sông Krông Ana đúng như tên gọi. Sông Cái. Sông Con Gái. Sông Vợ. 

Chú Đặng Đình Dân, người đàn ông có khuôn mặt sương gió, rắn rỏi sinh năm 1956, công an viên ở huyện Cư Kuin dắt tôi tôi đi xuống mố cầu, nơi những chiếc thuyền gỗ đang bập bềnh. Nước sông Krông Ana chưa bao giờ hết đục, lúc nào cũng trĩu phù sa như thế này. Nhung chảy rất hiền lành. Cứ lặng lẽ như thế này thôi nhé. 

Thật thế. Sông Krông Ana cứ lặng lẽ và hiền lành. Kể cả mỗi mùa tháng 7 Âm lịch, mùa nước dâng hay đến những tháng mưa nhiều như tháng 10 đến 11 , nước dâng lên xâm xấp bờ thì cũng không cuồn cuộn mạnh mẽ như khi hoà vào dòng Sêrêpôk. 

Mà cũng đúng, cứ lên phía đỉnh đồi đức mẹ Giang Sơn, huyện Cư Kuin, nơi có thể chiêm ngưỡng rõ nhất hình ảnh con sông Krông Ana uốn lượn mềm mại và dịu dàng đến nhường nào. 

Tôi không đi dọc theo sông Krông Ana trong một chuyến đi mà đến rất nhiều nơi của con sông trong suốt thời thanh xuân của mình. Chuyến đi đầu tiên là khi tôi lên mười cùng cha trên chiếc xe đạp đòn dông. Ông chở tôi đi một quãng đường rất dài đi đến huyện Krông Ana. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cảm giác sung sướng khi đứng giữa vùng đồng ruộng mênh mông, cò trắng bay chấp chới. Vùng đồng bằng đặc biệt của xứ sở trập trùng đồi núi, rừng hun hút rừng. 

Chăn vịt bên sông Krông Ana. Ảnh NSNA Quang Khải.jpg
Chăn vịt bên sông Krông Ana. Ảnh: Quang Khải

Tôi vẫn nhớ cảm giác cha dắt mình đi dọc bến sông, cỏ lau và cỏ dại chen nhau san sát. Gió từ sông thổi vào bờ mát rượi. Tầm lúc ấy quá trưa một chút, rất nhiều thuyền cập bến, chào mời mua cá, tôm tép người dân đánh bắt được. Cơ man đủ loại. Từ cá rô, cá chép, cá sặc, cá lóc rồi đến cá lăng hiếm gặp… Thức nào cũng tươi rói. 

Sau này, khi lớn hơn, tôi đã trở về nơi bến sông ấy thì mới biết nơi đó là chợ cá thuộc thị trấn Buôn Trấp. Chợ đông đúc và nhộn nhịp nhất vào lúc trời chưa rạng sáng và chớm giờ chiều. Tức ba giờ sáng và khoảng hai giờ chiều. Giờ ấy, người dân sau khi đánh bắt cá, thủy sản đều quay thuyền về bán cho người thu mua. Nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là lúc ba giờ sáng. Giấc ấy mà chợ trên sông náo nức và rộn ràng lắm, tiếng khua chèo, tiếng người cười nói râm ran cả một đoạn sông. 

Người xứ này cũng rất hay, buôn bán trên sông nước mà nhẹ như không. Dưới bến. Trên bờ. Người đứng. Người ngồi chờ thuyền về. Thuyền nhà ai, mối người ấy. Cứ thế đến xem hàng, trả tiền rồi mang lên bờ chứ chứ chẳng bao giờ có lời to tiếng nhỏ. Việc mua bán cũng chóng vánh, thuyền về tấp nập chừng hai tiếng đồng hồ là bến lại trở lại yên ắng. Rồi thuyền lại tiếp tục dong theo con nước còn thương lái tất tả chở tôm cá ra chợ bán lẻ. 

Nhưng thiên nhiên không ưu đãi con người được mãi. Cá tôm, hải sản vốn nhiều. Đó là ngày trước. Càng ngày mỗi thứ một cạn kiệt. Nước không còn lớn như như xưa, tài nguyên thủy sản cũng không còn phong phú như trước.Người dần dần bỏ thuyền lên bờ đi làm nghề khác, làm công nhật hái cà phê còn nhiều tiền hơn lọ mọ trên thuyền thâu đêm mà tiền bán cá không bù được tiền xăng, tiền dầu mỗi lúc một lên như diều phải gió lớn. Cứ vậy mà số thuyền bơi trên sông Krông Ana một ít hơn. Mà thuyền neo ở bến rồi cũng ít hơn ngày xưa. 

Nhịp chiêng nữ Ê-đê Bih bên sông Krông Ana

Sông Krông Ana của những ngày xưa cũ và bây giờ luôn rất đặc biệt. Không phải bởi chuyện huyền thoại hay cánh đồng mênh mông trù phú giữa rừng núi Tây Nguyên mà chính bởi nơi đây vang lên tiếng chiêng của những người phụ nữ Ê đê Bih. Dàn chiêng nữ đặc biệt của vùng Tây Nguyên. 

Dàn chiêng nữ Ê đê Bih. Ảnh NSNA Quang Khải.jpg
Dàn chiêng nữ Ê đê Bih. Ảnh: Quang Khải

Không biết từ bao giờ, người trong buôn Trấp cũng không thể nhớ được ngày thành lập buôn. Bà con người Ê đê ở buôn ban ngày đánh bắt tôm cá, làm lúa nước, chiều đến xúm nhau cùng nhau đánh chiêng. Rồi lâu dần, dàn chiêng nữ phục vụ cho những sự kiện trọng đại của buôn làng, rồi đám cưới, ma chay... họ đều là những người mang tiếng chiêng gọi Yàng đến. 

Đến nay, dàn chiêng nữ do bà H’Riu H’Mok, người phụ nữ có mái tóc bạc phơ, gương mặt hiền lành, phúc hậu làm đội trưởng. Dàn chiêng có sáu chiêng và một chiếc trống. Người đánh trống cũng là người phụ nữ hơn 70 tuổi, lưng đã còng nhưng động tác, nhịp chân vẫn rất tung tẩy. Đó là người có vai trò rất quan trọng, giữ nhịp cho dàn chiêng trong mỗi bài chiêng. 

Người đến Krông Ana, may mắn có dịp hoà vào lễ hội của buôn hay buổi cúng lễ trưởng thành của chàng trai Ê đê thì sẽ ngây ngất trước dàn chiêng nữ. Nếu như tiếng chiêng của nam giới trầm hùng, dồn như tiếng thác đổ, suối reo thì tiếng chiêng của những người phụ nữ Ê đê Bih lại trầm lắng, khi trầm khi bổng như đang kể chuyện của rừng với đêm. 

Những người phụ nữ Ê đê Bih một tay cầm chiêng, một tay gõ chiêng. Chân bà, chân chị nối nhau từng nhịp, rất chậm. Váy thổ cẩm ngắn qua đầu gối. Rực rỡ hoa văn. Dàn chiêng di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái. Mắt người phụ nữ đánh chiêng lúc nào cũng như đang cười. Như đang kể câu chuyện. Chuyện rừng với đêm. 

Qua nhiều năm rồi, những người phụ nữ Ê đê Bih vẫn lưu giữ những bài chiêng cổ như “Drôk katuôi” trong lễ đón khách, bài “Wăk wei” trong lễ mừng lúa mới… Dàn chiêng nữ mỗi ngày tuổi mỗi cao đã tìm bằng được những cô gái trẻ để truyền lại những bài chiêng. Đến cả nhịp chân, ánh mắt lấp lánh khi đánh chiêng cũng được truyền lại. Dù rất ít người kế tục nhưng với lòng say mê và yêu văn hóa truyền thống dân tộc, các cô gái Ê đê Bih buôn Trấp đã theo chân của bà, của mẹ mình được đôi người. 

Tôi đã nhịp theo nhịp chiêng những người phụ nữ Ê đê Bih của buôn Trấp trong những dịp lễ. Đã rất lâu rồi nhưng đến bây giờ, những cảm giác khi nghe tiếng chiêng của các bà, các chị ở lễ hội ở bên sông Krông Ana vẫn là cảm giác đặc biệt nhất. Giữa tiếng gió ràn rạt, tiếng sóng vỗ bên bờ sông từ đằng xa và ánh lửa bập bùng giữa buôn làng, tiếng chiêng vang lên từng nhịp. Rền vang. Rền vang. Như những câu chuyện xưa. Như chuyện nay… 

Vĩ thanh: Dòng sông Krông Ana hiền hoà và tiếng chiêng của những người phụ nữ Ê-đê Bih đã mang theo dấu ấn về một vùng đất huyền thoại Tây Nguyên. Đó là nét đẹp đặc sắc của đời sống văn hoá tinh thần của người Ê-đê Bih giữ gìn được trong cuộc sống sôi động hiện nay. 

Niê Thanh Mai 

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg