Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Nước, cội nguồn của sự sống của tác giả Trầm Hương.

Khắc khoải vì nước

(Tôi viết những dòng nhật ký này vào năm 1996, khi con gái chào đời…)

Hơn một tuổi, con đã biết mở vòi nước để nghịch. Nước bắn vào mặt con tung tóe. Con giơ đôi bàn tay mũm mĩm, vụng về ra hứng. Nước làm con cười lên khanh khách, nứt nẻ vì thích thú. Đời sống thị dân, nước máy trở thành một nhu cầu thiết yếu, tiện dụng. Cần có nước ư? Con chỉ mở vòi là có. Vòi nước gắn trên tường, trong phòng tắm, phòng khách, hành lang, nhà bếp… Nước! Nước là một nhu cầu bình thường nhưng cần thiết cho đời sống biết bao!

Con thử tưởng tượng một ngày bị cúp nước, nhiều ngày bị cúp nước. Mọi sản xuất sẽ bị ngừng trệ. Thành phố sẽ hết sức bẩn thỉu, hoang vu, tù túng, bẩn chật... Nhưng con yêu, dù sao thì nước đối với con giờ đây chỉ là sự tiện dụng. Bằng tất cả mọi khả năng có thể, mẹ dành nước ưu tiên cho sinh hoạt của con. Một em bé không thể thiếu nước. Sự ưu tiên ấy của xã hội sẽ làm cho con thấy nước là một thứ tất yếu dành cho đời sống, khi cần là có, không có gì để bận tâm. Nhưng con có biết đâu, triệu triệu con người trên Trái đất này, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu đang thao thức, trăn trở, khắc khoải ngày đêm vì nước....

anh1tramhuong.JPG
Nói với tuổi thơ con về dòng sông quê ngoại. Ảnh: Trầm Hương

Tuổi thơ của mẹ đã từng chứng kiến niềm mong đợi nước. Ngày ấy điện chưa về nông thôn, mạng lưới thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, tất cả đều chỉ mong đợi ở nước trời. Con thử tưởng tượng cả cánh đồng khô hạn, nứt nẻ chờ mưa. Những hạt mầm khô quắt dưới cái nắng như thiêu đốt. Năm ấy mưa muộn. Những vạt mạ khô cằn, vàng úa. Đất nứt ra từng mảng... Một vệt mây đen trên nền trời đủ làm lòng người nông dân mừng khấp khởi. Nhưng những cơn gió đã cuốn mây đi. Bầu trời trở lại trong veo. Niềm hy vọng cũng trở thành màu trắng. Sống vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20 mà người dân quê mẹ vẫn còn tin vào phép màu làm ra mưa là do lòng thành tâm của người dưới trần gian đối với Thượng đế. Buổi sáng hôm đó mẹ đã chứng kiến đoàn người rồng rắn kéo đến đình làng.

Đợi cho những bậc kỳ lão cúng vái xong, đoàn người tự động xếp thành hàng dài đi diễu qua con đường làng. Đoàn người vừa đi, vừa cầm mái chèo tượng trưng bơi trong không khí, vừa kéo dài giọng hát:

Lạy Trời mưa xuống

Cho dân làm ruộng

Lúa đổ đầy kho

Dân ăn cho no

Dân chèo cho mạnh...

Cho đến giờ, bài đồng dao ấy vẫn còn ong ong, nhức nhối trong đầu mẹ. Con yêu, khi con lớn lên, hạt gạo không còn là điều bận tâm lo nghĩ. Và bài đồng dao khao khát gọi mưa của những năm khốn khó đã trở thành chuyện cổ tích. Cái tập tục đi bơi cầu mưa cũng đã trở thành huyền thoại, lùi vào cát bụi thời gian. Nhưng cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, tuổi thơ mẹ đã từng chứng kiến. Cũng như thời niên thiếu của mẹ đã từng chứng kiến cảnh bà ngoại gánh đôi thùng nước, chân trần bước đi như chạy trên cát bỏng. Thùng nước của bà bị lủng, bà phải chạy đi cho thật nhanh cho dù có bỏng chân, cho dù tấm lưng mảnh của bà mỏi nhừ, sắp gãy quặt. Bà phải gánh nhanh để kịp mang nước về nhà. Con sông trước nhà ngoại mùa nắng đã ngập mặn. Để có nước ngọt dùng trong sinh hoạt hàng ngày, bà ngoại con phải đi hơn cây số, vượt qua con đường ngập cát để gánh nước về nhà. Vậy đó, sống trên biển nước mà người dân luôn khát nước. Cái điều xem chừng bình thường kia, nước ngọt, nhu cầu thiết yếu của con người bước sang thập kỷ cuối cùng của kỷ nguyên này càng trở nên bức bách, trầm trọng. 

Mẹ đã từng đi qua dòng kênh san sát nhà sàn xuyên qua cánh đồng mùa nước nổi. Những bà mẹ mang con gái ra bến nước tắm rửa, giặt giũ. Bà mẹ thải chất dơ ra dòng kênh. Con gái bà lại tắm chất dơ đó. Rồi thế hệ sau lại tiếp nối sự tắm rửa và giặt giũ đó. Chưa kể nước lũ tràn về mang theo những chất bẩn, rác rưởi và hôi thối chảy ra dòng kênh. Đồng bào nơi vùng trũng Đồng Tháp Mười sống trên biển nước mênh mông mà luôn đói nước sạch!

Con đang sống trong một thời kỳ mà một thiên tai khủng khiếp có thể xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ 21: Mực nước biển dâng sẽ làm Đồng bằng sông Cửu Long teo tóp dần và biến mất trong 150 năm, xóa đi lịch sử bồi tích kéo dài 6.000 năm trước đó. Chàng Thủy Tinh hung hãn lần này mang đến vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long sức tàn phá ghê gớm. Chưa kể đến tài nguyên sông Mekong bị khai thác bằng những con đập chắn từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan... Khi về đến Việt Nam, lượng nước Mekong giảm dần, cùng với quá trình biển dâng, sẽ nhấn chìm đồng bằng thân yêu trong biển mặn. Nước, tiếng gọi nước ngọt lúc ấy sẽ dội vào đâu giữa tứ bề xôn xao sóng vỗ.

Mẹ nói ra điều này có lẽ còn quá sớm và mẹ quá đa cảm trước những dự cảm lớn lao và viển vông. Nhưng con yêu, từ cuối thế kỷ 20, chuyên ngành dự báo thiên tai đã gióng lên một hồi chuông thống thiết về một thiên tai khủng khiếp ấy. Mẹ quá bé nhỏ, con càng bé nhỏ mong manh. Nhưng tiền đồ của con thuộc về thế kỷ 21. Nói ra những điều xem chừng như lớn lao và viển vông này với con có lẽ là quá sớm. Nhưng mẹ cảm thấy cần thiết để chia sẻ cùng con dự cảm ấy, để lớn lên, dù không làm gì được để góp phần ngăn chặn một thiên tai khủng khiếp thì con cũng có được sự đa cảm, băn khoăn lo lắng để cùng chia sẻ với đồng bào nỗi lo, bài toán khó giải đáp cho thế kỷ mà con sẽ sống. 

Con yêu, khi con nằm trong chăn êm nệm ấm, khi con được ấp ủ, nâng niu trong vòng tay của mẹ, khi con ra đời trong căn phòng sinh của bệnh viện với tất cả phương tiện, khả năng có được nhằm làm giảm cơn đau chuyển dạ, thì còn có những em bé cùng lúc được sinh ra trong những ngôi nhà sàn ngập nước vì mưa lũ. Em bé mới chào đời đã nếm mùi gian khổ của lũ lụt. Người mẹ bọc con trong chiếc khăn đã tã, lấy thân hình che chở, sưởi ấm cho con. “Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo để con”. 

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nỗi khổ của người dân sống trong vùng nước lũ tràn về vẫn le lói niềm hy vọng của một mùa sau tươi sáng. Sự ướt át, giá lạnh, lênh đênh mà họ đã trải được đền bù bằng sức sống của những hạt mầm ngập trong phù sa màu mỡ. 

Con yêu, điều mẹ gửi gắm đến con khi nói về nước là sự khó nhọc, là sự hy sinh. Nào phải đâu nước là hợp chất đơn thuần giữa hydro và oxy. Nước còn có linh hồn, cái nôi của sự sống. Đất và nước không thể tách rời nhau. Không có nước, những hạt mầm sẽ chết khô trong đất. Đất và nước đã trở thành biểu tượng thiêng liêng khi nói về tổ quốc. ĐẤT MẸ - ĐẤT NƯỚC - TỔ QUỐC - Tất cả đã hòa quyện nhau làm một.

anh2tramhuong.JPG
Rừng sác Thiềng Liềng. Sống giữa mênh mông nước mà khát nước. Ảnh: Trầm Hương

Giao hưởng "Nước cho sông Mekong"  

Con đi du học vào những ngày hạn mặn, đồng khô nứt nẻ, rơm rạ khô kiệt, không đủ cho bò gặm. Trên những trang báo quê nhà, những hình ảnh sông Cửu Long khát nước cứa vào trái tim con. Những cuộc trò chuyện giữa mẹ con bao giờ cũng quay về vấn đề môi sinh ở Việt Nam. Ừ, năm nay hạn mặn, hàng trăm cây cây bưởi da xanh của cậu Mười chết héo. Dừa treo, lúa lép; bà con mình năm nay ăn Tết hẻo lắm. Tháng 10 năm nay lũ lụt miền Trung khốc liệt, hàng trăm người chết vì lũ cuốn, đất đai sạt lở. Bao cái chết tang thương, bao tấm lòng hướng về miền Trung, những ưu tư trăn trở, những nghịch lý trĩu nặng như hòn đá tảng đặt trên bàn nghị sự. Chuyện hạn mặn có từ lâu đời. Tuổi thơ mẹ đã từng chứng kiến niềm mong đợi nước.

Và một phần tư thế kỷ sau, phải chăng vì thấm chuyện cổ tích cầu mưa đất Cửu Long, thấu cảm những đồng tiền mẹ chắt chiu gửi cho con qua Mỹ từ “dừa treo lúa lép” quê nhà, thấm thía những ngày giam mình trong nhà vì con Covid biến ảo mà con đã chọn đề tài nước Cửu Long viết giao hưởng tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc. Con đã gởi cho mẹ những dòng đề dẫn từ nước Mỹ:

Tôi viết giao hưởng này để tặng cho dòng sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long quê tôi. 

Bắt nguồn tử cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong chảy qua Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, và đến biển qua Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Ở đồng bằng này, dòng sông chia ra chín nhánh, còn được người Việt tôn kính gọi là Cửu Long. 

Nhiều thế kỷ trước, khi Đồng bằng sông Cửu Long còn là một khu rừng hoang dại, tối tăm, những lưu dân từ phía Bắc và Trung Việt Nam cùng một số từ những vùng đất khác tới đây khai khẩn, chiến đấu với cá sấu cùng cọp dữ, vùng vẫy trên lòng Mekong để sống, và học cách hòa hợp nhiều nền văn hoá khác nhau. Cửu Long cho họ sự thịnh vượng và tự do, những điều mà cuộc đời cũ của họ không có được. Qua thời gian, đồng bằng nổi danh với lúa gạo, trái cây, và những con người khoan dung, hảo hớn.

Nhưng trong những thập kỷ gần đây, dòng Cửu Long hứng chịu những cơn hạn hán và xâm nhập mặn vì biến đổi khí hậu và những đập thuỷ điện thượng nguồn. Lúa và trái cây chết rụi, còn người dân thì bỏ xứ ra đi. Tôi thắt lòng khi thấy quá khứ huy hoàng của đồng bằng dường như phai đi vì nỗi cơ cực hiện tại nặng dần. Thế nên, tôi viết tác phẩm này.  

Tiếng đàn tranh và clarinet du dương mở đầu Cửu Long với một đoạn trích từ Tứ Đại Oán, một trong những bài bản của Đờn Ca Tài Tử. Điệu Oán sau đó trở thành chất liệu diễn tả nỗi ghê rợn của khu rừng ban sơ, nơi thú dữ rình rập mọi phía, giống như câu ca dao: Tới đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê.

Sau nỗi kinh sợ đó là tiết tấu sống động của bài Lý Ngựa Ô của đồng bằng Nam Bộ, diễn tả sự hăng say của một chú rể khi chuẩn bị một con ngựa ô khoẻ mạnh để rước cô dâu của mình về nhà. Tinh thần của bản dân ca hoà quyện với dòng nước êm đềm của dòng Cửu Long. Sau cao trào, những phần nhạc trước quay về theo trình tự đảo ngược, tương đối cân xứng, cuối cùng dẫn về âm thanh cô đơn của đàn tranh và clarinet khi chơi lại trích đoạn của Tứ Đại Oán. Tác phẩm này kết nối lời than vãn ai oán cho thực tại đau lòng của sông Cửu Long, lịch sử hào hùng của ông bà đi khai mở đất với dũng khí cùng sự lạc quan, và dòng chảy của Cửu Long khi những nhánh sông rộng lượng nuôi dưỡng vạn vật nhất”.

anh3tramhuong.JPG
Mẹ và con gái ở Đại học Florida State. Ảnh chụp năm 2022: Trầm Hương

Cửu Long giờ chỉ còn bảy nhánh. Sông Bát Sắc bị nghẽn mạch, còn cửa sông Ba Lai là do con người xây hệ thống cống đập hàn kín. Hai cửa sông chết đã gây ra bao nỗi tang thương, đoạn trường. Con người ngày càng trở nên bất an, yếu đuối, mong manh. Cả mẹ và con đều là những người phụ nữ yếu đuối, thuộc số đông thầm lặng. Chúng ta không đủ sức mạnh để ngăn chặn một thiên tai khủng khiếp từ thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu, do lòng tham con người và chiến tranh hủy diệt từ nhiều nguồn. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng còn có có được sự đa cảm, bởi đôi khi để giải một bài toán khó cũng cần đến sự đa cảm của trái tim. Mẹ mừng vì từ sự thấu cảm chuyện cổ tích chín nhánh sông, con đã đa cảm viết nên giao hưởng nước Mekong, nơi phát tích cội nguồn. 

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Sáng tác âm nhạc ở Đại học Texas Tech, Nguyễn Kỳ Nam theo đuổi đam mê nắm bắt những âm thanh và câu chuyện từ văn hóa Việt Nam vào âm nhạc. Tháng 5/2019, tứ tấu Mi thứ “Ngũ Hành” của cô được các nhạc công dàn nhạc Philadelphia trình diễn trong chương trình Chiếc dù nhạc sĩ (Composer’s Umbrella). Tác phẩm Waltz cho độc tấu trumpet của cô được nhận vào Hội nghị năm 2020 của Hội Nhạc sĩ (Society of Composers) ở Texas. Nguyễn Kỳ Nam hiện là nghiên cứu sinh ngành Sáng tác âm nhạc tại Đại học Florida State. Cảm thức sông luôn là nguồn cảm hứng trong những sáng tác của Kỳ Nam, dù nơi em sống rất xa dòng sông mẹ. 

Khi tôi viết những dòng này, Kỳ Nam con gái tôi đang dốc sức vào một sáng tác âm nhạc chuẩn bị cho tốt nghiệp bậc học tiến sĩ. Con gái tâm sự: "Con muốn đưa những âm thanh, sắc màu lễ hội Nghinh Ông vào sáng tác âm nhạc giới thiệu ra thế giới". Tôi nhìn sững con gái, xúc động tự hỏi: "Ôi, lẽ nào cảm thức sông mẹ truyền dẫn cho con từ những ngày thơ ấu đã theo con trong hành trình sáng tác âm nhạc, dù cách dòng sông mẹ nửa vòng trái đất. Với nỗ lực đưa văn hóa Việt ra thế giới, dòng sông mẹ vẫn chảy trong con, như câu hát mẹ ru thời thơ ấu: Nước mưa ra biển lại quay về nguồn". 

Trầm Hương

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg