Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Làng tôi ở cuối sông Lam của tác giả Đặng Viết Tường.

Từ ngã ba Phủ, sông Lam chảy qua địa phận núi Hồng Lĩnh quê hương tôi xuôi về bến đò Gia Lách, đò Bến Thuỷ xuôi về cửa biển Hội Thống. Sông là ranh giới huyện Nghi Lộc và Nghi Xuân.

Khúc sông Lam chảy qua quê tôi còn có tên sông Long Vĩ, sông Thanh Long. Giải thích về tên gọi này, sách “Quảng dư ký” chép chuyện xưa có người họ Trần, trời tối qua sông không có đò, bỗng thấy hiện cái cầu, ông đi sang sông. Lên đến bờ Nam, không thấy cầu nữa. Nhân đó đặt tên sông này là Long Khê, nghĩa là khe con rồng. 

Tương truyền vua Lê Thánh Tông đi qua đây đã đổi tên Long Khê thành Thanh Long, viết câu thơ: “Thanh long triều trướng thủy liên thiên”, tạm dịch nghĩa: “Thanh Long triều ngập nước băng trời”. 

Đoạn sông chảy qua làng tôi rộng ước chừng vài cây số, đứng ở bãi Giang Đình nhìn sang bờ Bắc thấy đê tả ngạn mờ ảo. Làng có bến đò cổ, gọi là bến đò Giang Đình. Đò ngang là phương tiện duy nhất sang làng Yên Lưu. 

songlamP1030009.JPG
Bến Miệu - một chi thuộc bến Giang Đình, sông Lam. Ảnh: Đặng Viết Tường

Tôi là người sinh sau đẻ muộn, nhưng may mắn có người bác họ thông tuệ, trí nhớ tuyệt vời. Bác tôi kể, bến Giang Đình có chiều dài hơn cây số, bến chính ghép đá từng bậc, bến phụ dọc bờ sông phải kể hơn chục bến có tên hẳn hoi. Gồm có bến Miệu, bến ông Nhung Bốn, bến Cột Đèn, bến Giếng, bến cháu Ngung, bến chợ Đình tức bến chính ghép đá từng bậc, bến Than, bến tập kết gỗ, nứa mây giang. 

Thời nhà Hậu Lê, có ông Nguyễn Xuân Nhạc, người làng Tiên Điền, đậu tiến sĩ, làm quan to, khi về nghỉ ngơi dựng ngôi đình (tức cái nhà một mái bốn mặt không che chắn) ở bến sông Lam, mở hội chúc mừng, đón rước. Dân làng cho là điều vinh hạnh, đổi tên bến và chợ gọi là Giang Đình. 

Chợ Giang Đình đã có từ thời Hậu Lê. Người làng tôi truyền tai nhau kể, xưa thương nhân ở mọi miền đất nước và người Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ… đi thuyền vượt biển vào sông Lam đến bến Giang Đình buôn bán tấp nập. Bến Giang Đình giống với phố Phù Thạch ở làng Vĩnh Đại, trở thành thương cảng cổ, nơi người Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ lập phố phường buôn bán gấm vóc tơ lụa Hàng Châu, thuốc bắc, đồ gốm sành sứ, kim khí và các loại nông sản, hải sản.  

Bến Giang Đình gồm đò ngang sang bên làng Yên Lưu. Đò dọc xuất phát từ bến đi ngược sông lên miền ngược Tam Soa, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố hoặc theo sông Đào, còn gọi kênh nhà Lê ra miền Bắc hay xuôi dòng xuống Hội Thống ra biển. Bến Giang Đình là một thương cảng, có chiều dài khoảng hơn 1km, từ rừng bần đến miệu trên đất xã Tả Ao. 

Người làng kể rằng, thương nhân người Trung Hoa từ Phúc Kiến, Chiết Giang, đi thuyền theo bờ biển, dọc đường gặp chợ ghé vào bán hàng, mua lương thực, thực phẩm dùng cho cuộc hành trình. Tàu thuyền của người Khách đến cửa Hội ngược sông Lam lên Giang Đình, phố Phù Thạch, chợ Tiên lập phố Khách. 

Người làng tôi dùng chữ “Khách” để chỉ thương nhân người Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Những năm vào thập kỷ 60, ở làng tôi có hiệu ảnh Việt Hoa, con cháu của người Hoa, sống ở bến Giang Đình làm ăn buôn bán. 

Các hộ tiểu thương sống ở bến Giang Đình lập đội thuyền lớn, đò dọc, thuê trai tráng làm phu thuyền đi khắp mọi miền đất nước, ngược miền Hương Sơn, Anh Sơn, Nam Đàn, Đô Lương miền Tây tỉnh Nghệ An. Họ dong buồm, chèo thuyền chở hàng ngược, xuôi sông Lam, theo đường sông, đường biển đi khắp mọi miền đất nước. 

Bến sông Lam suốt ngày đêm trên bộ dưới thuyền, ghe tấp nập. Thuyền bè từ miền ngược chở lâm thổ sản nâu, mây, giang, chè thang, mộc nhĩ, nấm hương, măng rừng. Đi thuyền ra Bắc vào Nam theo những con đường giao thương kênh nhà Lê đến tận kinh kỳ, phố Hiến. 

Những sản phẩm sành sứ từ miền Bát Tràng, Thổ Hà sớm được bày bán ở chợ Giang Đình. Người Khách, người Ấn cũng đến giao thương với thương nhân Giang Đình. Trên bộ, ngựa xe đi lại tấp nập như mắc cửi. Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, bến Giang Đình làng tôi nổi tiếng giàu có. Dân gian vùng này có câu: "Cụ Cai ba tòa nhà ngói giàu nhất làng" để phô trương sự phồn thịnh ở nơi đây. 

Khúc sông Lam chảy qua làng tôi rộng mênh mang. Bên bờ sông nổi lên bãi bồi phù sa bằng phẳng, rộng hơn 10 mẫu, cỏ lác, cỏ non xanh mơn mởn. Từ bao đời nay, bãi cỏ được dân làng dùng làm bãi chăn dắt trâu bò. 

Với tôi, là nơi ghi nhớ biết bao kỷ niệm một thời ngụp lặn, bạn cùng sông nước. Ngày nào cũng vậy, buổi sáng thả trâu bò ra bãi cỏ. Những con cò trắng cần cù tìm mồi trên bãi sông, thỉnh thoảng lại vỗ cánh bay lên không trung, rồi đậu xuống lưng trâu. Quang cảnh bãi sông Lam bình yên thơ mộng. 

Những đứa trẻ chúng tôi chia thành hai đội đá bóng bưởi. Chạy nhảy đến mệt thì chui vào bóng cây đa trên bến Giang Đình. Ngồi dưới bóng cây đa, nghe lão làng kể chuyện chí sĩ Trịnh Khắc Lập bị Tây hành quyết, treo đầu lên cành đa để khủng bố nhân dân yêu nước. 

Nghỉ ngơi thoải mái, đám trẻ chúng tôi rủ nhau ra sông Lam bơi lội, ngụp lặn… Chớm hè, dòng sông Lam phẳng lặng, trong suốt như một chiếc gương, bóng cây cổ thụ, tán sum suê nghiêng soi bóng nước. 

Những đứa trẻ nghịch ngợm, đánh trần, bận quần đùi, trèo lên cành cây mọc ngang, đứng thẳng lấy đà lao xuống nước ngụp lặn, vùng vẫy như rái cá. Vùng vẫy mãi cũng chán, chúng tôi thi nhau bơi ngược dòng nước chảy. 

songlamP1030012.JPG
Cây đa chợ Giang Đình, bên sông Lam. Ảnh: Đặng Viết Tường

Nhờ những cuộc thi bơi tuổi thơ mà khi trưởng thành người dân làng tôi bơi, lặn rất giỏi, nhanh nhẹn như những con rái cá. Nhiều đứa cậy tài, bơi ra tận cột đáy mà bà con thủy ngư đóng đăng bắt cá sông Lam. Có đứa còn bơi qua làng Yên Lưu, bơi sang đảo Cồn Mộc, thắng cảnh giữa sông Lam. 

Ngồi trên bãi cỏ bên bờ Nam sông Lam, phóng tầm mắt về hướng Tây thấy rõ làng Cồn Mộc, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, nơi đây là bãi chiến trường. 

Người già kể, nơi đây có vị tướng Phan Hùng Quý, thạo nghề bơi lội, khi quân hai bên đánh nhau ở Cồn Mộc, ông từ bờ Bắc sông Lam, bơi sang bờ Nam lấy chiêng trống của quân Nguyễn rồi bơi về bờ Bắc, được triều đình trọng thưởng. Lại có vị tướng Đậu Hiển, thời Trịnh Nguyễn đánh nhau, được làm chức quản binh, ông lặn sang bờ Nam sông Lam, vào trại quân Nguyễn đốt cháy kho thuốc súng, lương thực, vũ khí của giặc, được phong quận công, chết dân làng thờ làm nhân thần. 

Rồi chiến tranh lan ra miền Bắc. Máy bay Mỹ ném bom kho xăng dầu mỡ ở Bến Thủy, cách làng tôi ba cây số theo đường chim bay. Các chú bộ đội hải quân trú tàu neo đậu ở bến Miệu, bị phát hiện. Máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Bộ đội nổ súng đánh trả quyết liệt, bắn rơi một máy bay địch trên bầu trời làng tôi. 

Bến đò cổ Giang Đình được dùng làm bến trung chuyển hàng hoá thời chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ngày địch đánh phá. Ban đêm tàu, thuyền cập bến bốc dỡ hàng dưới làn pháo sáng, pháo kích địch bắn từ biển vào. 

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Chợ Giang Đình phải đi sơ tán vào vùng sâu. Địch ném bom từ trường xuống làng tôi, thủy lôi thả xuống từ cửa Hội, dọc sông Lam để phong tỏa hoạt động vận chuyển đường sông của quân ta. Nhưng chúng đã thất bại, không ngăn chặn được con đường huyết mạnh trên sông Lam. 

Ban đêm, đò ngang từ làng Yên Lưu vẫn chở hàng hoá, bộ đội, nhà báo, nhà thơ… lên đường vào miền Nam đánh Mỹ. Từ năm 1965 đến 1975, bến Giang Đình đóng vai trò quan trọng, là cầu nối phường Hưng Hoà, thành phố Vinh với xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. 

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Bắc - Nam liền một dải từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Dân làng tôi đi sơ tán lục đục trở về. Chợ và bến cổ Giang Đình đã thay đổi một trời một vực. Từ nơi sơ tán, chợ Giang Đình không trở về địa điểm cũ nơi cây đa Tây hành quyết chí sĩ yêu nước Trịnh Khắc Lập vào năm 1908 mà chuyển đến vị trí mới thuộc xã Tiên Điền. 

Hệ thống bến cổ Giang Đình, nay chỉ còn bến Miệu, nơi tàu cá của ngư dân Hồng Nhất, xã Xuân Giang neo đậu bên bờ sông Lam. Còn lại đã thành ao tôm cá, rừng phòng hộ, chống sạt lở.  

Sông Lam có nhiều đổi thay. Từ ngã ba Phủ đến Hội Thống, có ba cây cầu bắc qua sông. Nhưng từ Xuân Giang sang phường Hưng Hoà, phải đi đò ngang, hoặc vòng lên cầu Bến Thủy mới đến được. 

Từ bao đời nay, dân làng tôi ao ước có một cây cầu bắc qua sông từ bến Giang Đình sang làng Yên Lưu. Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước của người dân Giang Đình, Tả Ao. Bến đò Giang Đình bên sông Lam là bến đò chung của dân làng Tả Ao và Uy Viễn quê hương cụ Nguyễn Công Trứ. Trên bến có chợ Văn, sau đổi chợ Giang Đình. Là chợ dân sinh nhưng tấp nập, trên bộ dưới thuyền tứ xứ theo dòng sông Lam về buôn bán…

Đặng Viết Tường

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg