Mối lương duyên
Cuốn sách được gắn logo kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ hai nước nói chung và với ông Võ Hồng Phúc nói riêng. Ông Phúc từng được Nhà nước Nhật Bản trao tặng Huân chương “The Order of the Rising Sun, Gold and Silver Star” (Huân chương Mặt Trời mọc) năm 2012.
Dự buổi lễ có nhiều khách là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, các cựu đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, các nghị sỹ, doanh nhân, đại diện các tổ chức của Nhật Bản.
Ông Phúc bắt tay vào viết cuốn sách khi dịch Covid-19 ập đến, nhiều khu vực ở Hà Nội bị phong tỏa, cách ly, trong đó có vài chương về quan hệ giữa hai nước kể từ lúc rất sơ khai giai đoạn sau Thống nhất, các cuộc gặp của lãnh đạo nhà nước, và đặc biệt là những đóng góp của phía Nhật Bản trong nối lại ODA và hỗ trợ cải cách qua chương trình “Sáng kiến chung Việt-Nhật” cho Việt Nam.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được sự chấp thuận thực hiện giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Koizumi cách đây hơn 20 năm. Đến tháng 8/2011, sau khi ông Phúc nghỉ hưu, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản vẫn tiếp tục được thực hiện qua nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và hai nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Sáng kiến đã có những tác động to lớn trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nhiều kiến nghị của các nhà nghiên cứu, của giới kinh doanh Nhật Bản đã được đại diện Việt Nam tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản pháp quy hiện có hoặc ban hành mới; thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính.
Qua đó, giúp Việt Nam có một môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân; nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, góp phần vào tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và gia nhập WTO.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nó đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Nhật Bản.
Với việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật Bản đã coi Việt Nam là một thị trường đầu tư tiềm năng và đến Việt Nam ngày càng nhiều, đưa Nhật Bản trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.
Một chặng đường dài
Ông Phúc nhớ lại, tháng 5/1972, khi cuộc đàm phán về hoà bình cho Việt Nam ở Paris đang đi vào hồi kết, Việt Nam bắt tay vào nghiên cứu kế hoạch phát triển sau chiến tranh. Lúc đó, một đoàn chuyên gia kinh tế Nhật Bản đã sang Việt Nam tìm hiểu khả năng hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ và khoáng sản. Đoàn bao gồm người của Công ty Dầu khi quốc gia Nhật Bản và Công ty Nissho Iwai, dẫn đầu là ông Araki, một lãnh đạo của Nissho Iwai lúc đó.
Buổi làm việc đầu tiên vào cuối tháng 5/1972. Buổi làm việc cuối cùng vào ngày 26/1/1973, trước khi Hiệp định Paris được ký kết một ngày, với việc hai bên ký thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí trên vịnh Bắc Bộ. Công việc hợp tác thăm dò dầu khí không thành, nhưng ông Phúc, lúc đó là một cán bộ trẻ tuổi, đã có một ấn tượng sâu sắc về những người bạn Nhật Bản thời đó.
Trong các buổi làm việc, phía Nhật Bản đã giới thiệu cho chúng tôi những bài học thành công của nước Nhật trong hai thập niên phát triển thần kỳ 1950-1970 và mục tiêu phát triển vượt bậc để đến năm 1985 trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 của thế giới.
Ông nhớ lại: “Là một thanh niên trẻ làm việc trong một cơ quan hoạch định chính sách phát triển của chính phủ, tôi khâm phục và mong muốn được học tập các kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản để đất nước mình cũng sẽ phát triển mạnh sau những cuộc chiến tranh kéo dài. Chính vì vậy mà tôi đã gần gũi với các bạn hơn và có nhiều câu chuyện về các bạn”.
Tháng 9/1973 hai nước chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 5/1975 Việt Nam thống nhất. Một cơ hội mới mở ra cho quan hệ hai nước…
Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi Mới”, mở cửa với thế giới, nhưng Hoa Kỳ vẫn cấm vận. Ông nói tại buổi lễ: “Chúng tôi cần các bạn, các bạn đánh giá cao khả năng hợp tác cùng phát triển giữa hai nước trong tương lai”.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã tìm mọi cách và mọi con đường để hợp tác với Việt Nam trên hai lĩnh vực đầu tư và thương mại. Nissho Iwai đã vào Việt Nam bằng con đường chính thức với chính tên của mình. Các tập đoàn lớn khác thành lập các công ty con để vào Việt Nam, tránh bị Hoa Kỳ trừng phạt. Những cái tên Meiwa, Shinwa, Shinyetsu… trở nên quen thuộc ở Việt Nam thời đó. Nhiều người Nhật đã vào Việt Nam làm việc. Từ những ngày đó, tôi có nhiều người bạn Nhật của “thuở hàn vi”.
Những năm cuối thập niên 1980, xu hướng bình thường hoá quan hệ với Việt Nam ngày càng mạnh. Tháng 9/1989 đoàn ông Phan Văn Khải sang thăm Nhật Bản để bàn với ông Watanabe Michio việc khôi phục và phát triển quan hệ hai bên, ông Phúc được tham gia đoàn. Đây là chuyến đi Nhật Bản đầu tiên của ông Phan Văn Khải và ông Phúc.
Ông Phúc nhớ lại, ông Watanabe Michio đã nói rằng, quan hệ Nhật Việt sẽ nhanh chóng phát triển trên cả ba lĩnh vực: quan hệ Chính phủ, quan hệ doanh nghiệp và giao lưu nhân dân.
Trong các năm 1990-1992, lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã lần lượt vào Việt Nam. Năm 1993, Chính phủ Nhật Bản chính thức nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam, Ủy ban Hợp tác với Việt Nam của Keidanren đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Hà Nội. Từ 1993 bắt đầu các cuộc viếng thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Từ đó đến nay quan hệ hai nước đã phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đúng như ông Watanabe Michio đã nói, quan hệ chính phủ, quan hệ doanh nghiệp và giao lưu nhân dân. Nhật Bản đã trở thành nhà cung cấp Viện trợ Phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản nằm trong số doanh nghiệp của các nước có quan hệ đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam. Sự giao lưu giữa nhân dân hai nước phát triển mạnh mẽ.
Cùng với sự hợp tác trên ba lĩnh vực đó, Hợp tác trong xây dựng chính sách cũng không ngừng phát triển. Năm 1995, Việt Nam – Nhật Bản khởi động dự án nghiên cứu về chính sách phát triển của giáo sư Ishikawa.
Năm 2003, hai bên bắt tay vào thiết kế Sáng kiến chung Nhật Việt, một chương trình nghiên cứu để hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, cho đến nay chương trình đó vẫn đang được tiếp tục. Nhật Bản đã thực sự trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản, cũng là năm kỷ niệm 30 năm Nhật Bản chính thức nối lại Viện trợ Phát triển (ODA) cho Việt Nam, 20 năm Sáng kiến chung Nhật Việt.
Tại buổi lễ, ông Phúc nói: “Trong phạm vi hạn hẹp của cuốn sách, với kiến thức và tầm nhìn hạn chế của mình, tôi muốn kể lại những câu chuyện nhỏ mà mình được chứng kiến, được tham gia để chúng ta cùng nhau nhớ tới sự đóng góp của những lớp người đi trước trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nhật từ buổi khởi đầu đầy gian khổ cho tới ngày nay. Chúng ta, người trẻ tiếp bước người già trong 10 năm, 20 năm, 50 năm tới và mãi sau này, cùng chung sức phát triển mạnh mẽ hơn mối quan hệ tốt đẹp đó vì lợi ích trường tồn của cả hai nước!”.
Phiên bản tiếng Nhật của cuốn sách “Chuyện của chúng tôi” được độc quyền xuất bản và phát hành bởi tập đoàn Sojitz, một tập đoàn kinh doanh đa ngành hàng đầu của Nhật Bản. Bản dịch tiếng Nhật của cuốn sách được gắn logo kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Việt. Trước đó, ngày 10/4/2023, tập đoàn Sojitz đã giới thiệu cuốn sách trên Amazon.
Tư Giang