- Chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 17-18/3 là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao VN kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện cách đây 6 năm. Sáng sớm nay, Thủ tướng rời Hà Nội đến Sydney, với sự tháp tùng của 7 bộ trưởng.

Trao đổi với VietNamNet, Đại sứ VN tại Australia Lương Thanh Nghị cho hay, VN đang phát triển năng động, uy tín và vị thế quốc tế ngày càng nâng cao, Australia cũng ngày càng đóng vai trò lớn hơn cho hoà bình, hợp tác và phát triển ở châu Á- TBD. Hai nước không những chia sẻ nhiều lợi ích thiết thực trong quan hệ mà còn chia sẻ lợi ích và quan tâm chung trong các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott bên lề hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei năm 2013. Ảnh: VGP

Chuyến thăm chính thức Australia là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác song phương, từ chính trị, quốc phòng an ninh, thương mại và đầu tư, giáo dục và giao lưu nhân dân, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. 

"Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tăng cường đối tác toàn diện với các nội hàm hợp tác mang tính chiến lược, tạo khuôn khổ và định hướng cho quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, đồng thời đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực" - ông nói.
 
Chín muồi trở thành "đối tác chiến lược"

Trong Sách Trắng “Australia trong thế kỷ châu Á”, Canberra đề ra mục tiêu tăng cường quan hệ ngoại giao với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có VN. Tiếp xúc với các lực lượng chính trị, đảng phái tại Australia, ông nhận thấy sự đồng thuận của phía bạn trong quan hệ với VN ra sao? Hơn một năm trải nghiệm vị trí Đại sứ, ông nhận thấy quan hệ hai nước phát triển ở tầm mức nào?
 
Tiếp xúc với hầu hết các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Liên đảng cũng như Công đảng đối lập, lãnh đạo một số bang cũng như giao lưu với các nghị sĩ, giới học giả, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Australia, tôi cảm nhận rõ rệt quyết tâm của bạn tăng cường quan hệ với VN.

Hiện có khoảng 30.000 lưu học sinh VN, cả học bổng của Chính phủ và du học tự túc, đứng thứ 3 trong số các nước có lưu học sinh tại Australia, sau TQ và Ấn Độ. Australia cũng hỗ trợ VN đào tạo nhiều sĩ quan, quân nhân. Dự kiến 160 sinh viên Australia sẽ đến VN học tập năm 2015 khi triển khai sáng kiến của Australia về Kế hoạch Colombo mới.

Australia coi VN là đối tác then chốt trong khu vực Đông Nam Á, bày tỏ ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ, năng động của VN cả về kinh tế và xã hội thời gian qua, đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng cao của VN tại khu vực và quốc tế. Một số ý kiến thậm chí nhìn nhận quan hệ hai nước đã đến độ chín muồi, có thể trở thành "đối tác chiến lược" của nhau. 

Trong ASEAN, ngoài quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia, Australia mới chỉ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với VN. Đặc biệt, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó và tin cậy, thể hiện việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao cũng như triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương; các vấn đề khác biệt trong quan hệ hai nước dần được tháo gỡ hoặc đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, tạo không khí thuận lợi cho triển khai hợp tác khác.

Lợi ích trực tiếp ở Biển Đông
  
Australia là một trong những nước sớm bãi bỏ lệnh cấm buôn bán với VN (1991), ký kết nhiều hiệp định thúc đẩy kinh tế, thương mại khi VN còn bị bao vây, cấm vận. Tại sao hợp tác thương mại - đầu tư hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thưa Đại sứ?
 
Australia luôn nằm trong nhóm 10 nước đối tác thương mại quan trọng và nhóm 20 nhà đầu tư hàng đầu của VN. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh, từ 32 triệu USD năm 1990 lên hơn 6 tỷ USD năm 2014. Cả hai đều là bên ký kết của hiệp định Tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và đang tham gia đàm phán đàm phán hai hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

{keywords}

Đại sứ Lương Thanh Nghị gặp Toàn quyền Australia Peter Cosgrove, cựu chiến binh trong chiến tranh VN

Đầu tư của Australia vào VN tuy số lượng và quy mô dự án không lớn nhưng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị, giáo dục, công nghiệp chế biến, giao thông vận tải, nông lâm ngư nghiệp... Trở ngại lớn nhất có lẽ là khoảng cách địa lý và các quy định nội luật của mỗi bên; ảnh hưởng của môi trường thương mại - đầu tư khu vực và quốc tế.

UB hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại  là cơ chế hữu hiệu để hai bên rà soát, tháo gỡ khó khăn. Hiện chính giới và các nhà đầu tư Australia bắt đầu nhận định tích cực về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của VN.  

Liệu có khả năng có một cam kết chính trị nào ấn định thời điểm VN và Australia kết thúc đàm phán TPP trong chuyến thăm của Thủ tướng không, thưa Đại sứ?

VN tham gia đàm phán hiệp định này từ cuối năm 2010, sau Australia 2 năm. Cả hai nước đều nhận thấy lợi ích kinh tế của sáng kiến này cũng như tầm quan trọng của nó trong tạo thuận lợi cho việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có cách tiếp cận tương đồng trong đàm phán TPP.
 
Kết thúc đàm phán là mục tiêu lớn mà Australia, VN và các thành viên đàm phán hiệp định mong đợi. Tuy nhiên, đây là một hiệp định toàn diện, đầy tham vọng và đầy thách thức với quá trình đàm phán lâu dài và nội dung đàm phán sâu rộng, nên đòi hỏi nỗ lực không chỉ của VN và Australia mà của các thành viên đàm phán khác.
 
Australia không ít lần lên tiếng về vấn đề duy trì hòa bình, ổn định cũng như đảm bảo an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông. VN và Australia chia sẻ hợp tác như thế nào để đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông?
 
Australia có lợi ích trực tiếp trong việc thụ hưởng hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nên dễ hiểu Australia không thể không quan ngại trước những diễn biến không thuận ở khu vực này.

Chính giới Australia nhiều lần chia sẻ quan điểm của ta là cần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; các bên liên quan phải kiềm chế  và tránh các hoạt động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, và cần sớm hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Xuân Linh