Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các nhà máy nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Toàn bộ số tiền đầu tư vào dự án là 5.400 tỉ đồng đến nay chưa có hiệu quả. Do đó, hồ sơ sẽ được chuyển sang Bộ Công an xử lý.

Với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định đầu tư 3 dự án nhiên liệu sinh học với công suất mỗi nhà máy 100.000 m3 Ethanol/năm. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã để xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể:

Trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng đã không giải phóng được mặt bằng do không khảo sát công tác đền bù dẫn đến số tiền chi cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư không được thực hiện cho dự án mới, dẫn đến lãng phí hơn 1.000 tỉ đồng. Dự án này cũng vi phạm Luật Đấu thầu trong việc chỉ định nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ và dự án Dung Quất, do đó dự án bị chậm tiến độ, gây hậu quả lớn cho các nhà đầu tư.

{keywords}

Dự án Ethanol Phú Thọ bị đội vốn, thua lỗ

Bên cạnh đó, việc đàm phán, ký kết và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư PVN và các nhà đầu tư đã để xảy ra nhiều khuyết điểm. Trong việc điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC dự án Dung Quất, chủ đầu tư và chủ thầu đã ký Phụ lục hợp đồng EPC với giá trị điều chỉnh từ 59,177 triệu USD lên 67 triệu USD không có căn cứ; Chủ đầu tư PVB đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Phú Thọ từ 1,3 nghìn tỉ lên 2,48 nghìn tỉ trái quy định của Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC và một số gói thầu khác của dự án, việc sử dụng vốn đầu tư, việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng cũng có nhiều sai phạm. Việc này dẫn đến các dự án đội vốn, hoạt động thua lỗ. Cụ thể là:

Đối với dự án Phú Thọ, tháng 11.2011, nhà thầu PVC đơn phương dừng thi công dự án trái hợp đồng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng: Toàn bộ máy móc, thiết bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1,5 nghìn tỉ không được phát huy, tăng chi phí vốn vay…; nhà thầu PVC cũng chuyển dự án sang nhà thầu phụ trái quy định; chủ đầu tư PVB phê duyệt một số thành phần dự án nhưng không thẩm định dự án; sử dụng vốn đầu tư vượt mức tổng đầu tư trái quy định…

Đối với dự án Dung Quất, nhà thầu thi công chậm tiến độ 24 tháng, thi công hạng mục nước thải chỉ đáp ứng 60% công suất nhà máy.

Do đó, tại dự án Dung Quất, tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỉ đồng nhưng đã bị đội vốn lên hơn 2.100 tỉ đồng. Năm 2014, dự án này lỗ khoảng 164 tỉ đồng; Dự án ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, sau đó đã bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng, mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỉ đồng; Dự án ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng sau đó bị đội lên thành gần 2.500 tỉ đồng.

TTCP kết luận, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Toàn bộ số tiền đầu tư vào dự án là 5.400 tỉ đồng đến nay chưa có hiệu quả.

Về phương hướng xử lý, TTCP cho rằng, đối với các dự án đã hoàn chỉnh, các bộ, ngành cần trình Chính phủ xem xét cho tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; cơ quan truyền thông tăng cường thông tin để người dân tin dùng xăng E5; nhanh chóng quyết toán đầu tư ở các dự án. Đối với các dự án chưa hoàn thành cần xây dựng phương án cụ thể trình Chính phủ.

TTCP cũng chỉ rõ trách nhiệm các vi phạm trên thuộc về PVN và các đơn vị liên quan. Do đó, các bên phải chịu trách nhiệm xử lý thu hồi các khoản chi phí liên quan, chịu trách nhiệm về những thiệt hại kinh tế gây ra đối với các chủ đầu tư vi phạm hợp đồng EPC.

Với những sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, do các dự án này có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong chỉ định thầu và thực hiện các hợp đồng, gây hậu quả nghiêm trọng nên TTCP chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra sai phạm.

(Theo Motthegioi)