Hàng gia dụng Trung Quốc tràn ngập các chợ, len lỏi vào hầu hết các siêu thị. Tại các hộ gia đình, từ những vật dụng nhỏ nhất như tẩy bồn cầu, giẻ rửa bát cho đến các vật dụng khác như bình nước nóng, đồ chơi trẻ em,… phần lớn đều là hàng Tàu.
Theo anh Nguyễn Văn Hải, chủ một tổng kho hàng gia dụng Trung Quốc có địa chỉ tại Cầu Giấy (Hà Nội), từ đầu năm 2021 đến trước tháng 5/2022, thị trường Việt Nam tiêu thụ hàng gia dụng Trung Quốc với số lượng rất lớn, bất chấp dịch Covid-19 hoành hành.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, hầu hết mặt hàng gia dụng nhập về từ Trung Quốc không bán được. Điều này trái ngược hoàn toàn với thời điểm tháng 4, khi toàn thị trường tiêu thụ rất sôi động. Hàng về đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí hàng nhập chưa về kịp các đại lý đã đặt cọc tiền trước để dành quyền ưu tiên.
Anh Hải cho hay, tại cửa hàng anh, hàng được nhập về từ 5/5, tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng nhưng mới chỉ bán được 2 tỷ đồng tiền công nợ. Sắp tới còn đợt hàng trị giá 7 tỷ đồng sắp về, không biết bán thế nào.
Chị Minh, một nhân viên kinh doanh tại đây, chia sẻ, từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2022, đại lý còn tranh giành hàng của nhau, nhiều đại lý không ngại trả giá cao hơn cả giá tổng kho mà không có hàng để bán. Nay tình hình thị trường chậm như vậy, chị Minh nhiều lần phải đề nghị chủ kho hạ giá thấp hơn giá nhập vào.
“Trước kia, mỗi nhân viên kinh doanh đều có định mức riêng, tùy thâm niên và năng lực của mỗi người. Nhân viên nào bán hết hàng trong định mức thì ngồi chơi, không được bán thêm hàng của người khác. Định mức của tôi là 4 tỷ tiền hàng/tháng, chỉ trong vòng 15 ngày là bán hết, sau đó ngồi chơi. Nhưng kể từ đầu tháng 5, cả kho mới bán được 2 tỷ tiền hàng”, chị Minh cho biết.
Trên mạng xã hội, nhiều chủ kho cũng kêu cứu khi hàng ứ đọng đến cả chục tỷ đồng. “Em đang tồn kho 13 tỷ đồng tiền hàng, mỗi ngày chỉ bán được 1 triệu. Ai nhập hàng cứu em với”, một chủ kho than thở.
Chủ một tổng kho ở Hà Đông, anh Trần Hữu Đô, lý giải nguyên nhân khiến việc tiêu dùng hàng gia dụng Trung Quốc đột ngột chững lại, lượng tồn đọng lớn, là bởi trước tháng 4, do phía Trung Quốc bùng phát dịch Covid nên lượng hàng nhập về rất hạn chế, dẫn đến cung nhỏ hơn cầu. Các đại lý không thể mua được hàng từ tổng kho, nếu mua được cũng phải chịu với giá rất cao.
Để tránh phụ thuộc nguồn hàng từ các tổng kho trong nước, các đại lý đã tự liên hệ với thương lái bên Trung Quốc để đặt hàng, không thông qua tổng kho. Đến đầu tháng 5, khi hải quan Trung Quốc có đợt thông quan, lượng hàng gia dụng đã ồ ạt đổ về, tràn ngập thị trường Việt Nam. Các cấp đại lý và tổng kho đều nhập rất nhiều. Nhiều tổng kho bị tồn hàng vì không biết bán cho đại lý nào.
Để giải thoát hàng tồn, cuộc chiến đấu giá ngược đang diễn ra rất khốc liệt giữa các tổng kho. Họ liên tục chào hàng cho đại lý với giá thấp hơn giá nhập, không ít kho chấp nhận bán lỗ 20%. Đặc biệt, có chủ kho vay nóng để nhập hàng, phải hạ giá tới 40% so với giá nhập vào để nhanh thu hồi vốn.
Anh Lương Mạnh Thắng, một chủ của một tổng kho ở Yên Nghĩa, Hà Nội, kể rằng, rất may vừa qua anh chỉ nhập lượng hàng giá trị 500 triệu đồng, nên thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, anh Thắng cho hay cuộc chiến giá này là cơ hội để các đại lý nhỏ chiếm lĩnh thị phần từ các tổng kho lớn.
Trong khi đó, nhiều tổng kho nhận thấy nhân cơ hội này cần tạo tầm ảnh hưởng để mở rộng địa bàn hoạt động, chờ khi thị trường qua giai đoạn trầm lắng. Chính vì vậy, các tổng kho chấp nhận thua lỗ, bán hạ giá nhất có thể.
Cũng theo anh Thắng, có tới hàng chục tổng kho ở Hà Nội đang nhập hàng gia dụng từ Trung Quốc. Trong đó, số ít kho quy mô lớn luôn dự trữ hàng lên đến 200 tỷ đồng, còn kho nhỏ hơn dự trữ từ 10 tỷ đến vài chục tỷ thì rất nhiều. Các tổng kho quy mô lớn bao phủ thị trường khắp cả nước, nhiều đại lý cấp 1 mặc định nhập hàng từ các tổng kho này. Với tổng kho quy mô nhỏ hơn, họ vẫn đang trong trạng thái mở rộng thị trường.
“Chính vì thế, các kho nhỏ đang lên kế hoạch đấu giá mạnh, bất chấp thua lỗ nặng để giành giật đại lý mà họ chưa thể tiếp cận”, anh Thắng phân tích.
Thậm chí, các chủ kho nhỏ còn liều lĩnh chi hàng chục tỷ đồng thu gom hàng tồn từ các kho không đủ năng lực tài chính, giá thấp hơn nhiều so với giá nhập về từ Trung Quốc rồi găm hàng, chờ thị trường nóng trở lại sẽ tung ra bán kiếm lời. Họ còn chiếm những thị trường trước kia không thể với tới.
Ngọc Cương
Khu chợ đồ cổ này ít người biết còn bán rất nhiều món đồ gia dụng Nhật bãi chất lượng. Tuy nhiên, bạn cần mất công tìm kiếm và nếu có kinh nghiệm chọn đồ sẽ mua được nhiều thứ bất ngờ đấy.