"Chỉ vì sự chủ quan của người mẹ trong quá trình mang thai, đứa trẻ đã không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời. Đôi mắt nhằm nghiền của cháu đã ám ảnh tôi nhiều ngày liền", BS Trang chia sẻ.
Thời tiết những ngày này nóng nực, trước cửa khu vực phòng đẻ của bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn chật kín người.
Đôi mắt họ đầy lo âu dõi vào phía trong, nơi có người thân của mình đang chuyển dạ. Chỉ đến khi kíp đỡ đẻ thông báo sản phụ đã sinh con an toàn, khuôn mặt họ mới giãn ra đôi chút.
Bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1958 - Vĩnh Phúc) chia sẻ, cả gia đình bà đưa con dâu xuống Hà Nội nhập viện từ hôm trước.
Trong thời gian mang thai, con dâu bà đi theo dõi, khám định kỳ ở bệnh viện này nên khi đến ngày dự sinh, chị cũng đăng ký tại đây.
Do là con đầu, thai to nên bác sĩ chỉ định mổ để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Bà cho biết trong thời gian chờ con dâu sinh bà luôn túc trực bên ngoài. Tâm trạng vô cùng lo lắng.
Đến bữa, con trai bà đi mua cơm về cho người thân hai bên nội ngoại, họ trải chiếu ăn ngay hành lang bệnh viện.
Gia đình bà Phúc ngồi ăn cơm trưa trong thời gian con dâu đang trong phòng chờ chuyển dạ. |
“Con đầu cháu sớm nên nội ngoại đều tập trung đông đủ, đưa mẹ cháu đi sinh. Khi y tá bế em bé ra, cả gia đình tôi rất xúc động” - vừa nói bà Phúc vừa đưa tay lau khóe mắt.
Tâm sự với chúng tôi bác sĩ Đồng Thu Trang (SN 1986 - khoa đẻ A2, bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết: “Niềm hạnh phúc giản dị của những y bác sĩ trực sản khoa là được thấy sản phụ vượt cạn thành công, "mẹ tròn con vuông”.
Thế nhưng gần 7 năm gắn bó với công việc này, không ít lần tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ vì sự bất cẩn của cha mẹ mà không có cơ hội chào đời”.
BS Đồng Thu Trang (SN 1986 - khoa đẻ A2, BV Phụ sản Hà Nội). |
Theo lời nữ BS, khoa đẻ A2 từng tiếp nhận một trường hợp sản phụ mang thai 30 tuần (37 tuổi - quê Hải Dương) bị triệu chứng tiền sản giật.
Sản phụ này nhập viện trong tình trạng đau đầu, tức ngực khó thở, huyết áp cao đột biến, chân bị phù... Khi đưa đi siêu âm, kiểm tra tình trạng thai nhi, các bác sĩ vô cùng đau lòng khi phải thông báo cho người nhà đứa trẻ đã mất tim thai.
Lúc này, người chồng vừa chịu nỗi đau mất con và đứng trước nguy cơ mất đi người vợ khi tình trạng sản phụ bắt đầu nguy kịch. Các bác sĩ quyết định mổ đẻ khẩn cấp, hi vọng cứu được mẹ.
"Đôi mắt nhằm nghiền của cháu bé đã ám ảnh tôi nhiều ngày liền" - BS Trang nói.
Sau ca mổ, sản phụ phải mang trên mình nhiều thiết bị hồi sức tích cực. Gần 5 ngày, các y bác sĩ trong bệnh viện quyết liệt chạy đua với tử thần để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.
Chỉ đến khi sản phụ có dấu hiệu hồi tỉnh, qua được cơn nguy kịch, tâm trạng đội ngũ y bác sĩ trực cấp cứu mới nhẹ nhõm phần nào.
“Sản phụ đó ở tỉnh về Hà Nội buôn bán nhỏ. Chồng sản phụ cho biết, quá trình mang thai vợ mình chỉ đến các phòng khám siêu âm khoảng 3 lần mà không đăng ký thăm khám, quản lý thai nghén ở các bệnh viện.
Nếu chị kiểm tra định kỳ tại bệnh viện, được làm các xét nghiệm, sàng lọc trước sinh như tiền sản giật, huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị kịp thời thì có lẽ đã không xảy ra chuyện đau lòng như vậy” - BS Trang nhớ lại.
Nữ BS này cũng đưa ra khuyến cáo, việc mang thai, sinh con tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ và em bé trong bụng.
Trong đó, triệu chứng tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tránh được những rủi ro đáng tiếc.
Những triệu chứng như chân phù, đau đầu, tức ngực rất dễ bị các sản phụ chủ quan, bỏ qua. Vì vậy bất kỳ sản phụ nào bị các triệu chứng như vậy cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa kiểm tra.
Nữ BS khuyến cáo, các sản phụ nên đến khám và lập hồ sơ theo dõi, quản lý thai nghén tại bệnh viện mình định sinh con để quá trình mang thai, sinh con diễn ra an toàn. |
BS Trang chia sẻ thêm làm bác sĩ trực cấp cứu, đặc biệt là chuyên ngành sản khoa, đỡ đẻ, cường độ công việc càng lớn.
Tinh thần bác sĩ phải luôn trong chế độ sẵn sàng chiến đấu. Dù là ngày hay đêm, họ phải giữ cho mình đầu óc tỉnh táo, thần kinh thép để đối mặt với các ca bệnh đặc biệt bởi chỉ cần lơ đễnh vài giây, bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Chị Trang chia sẻ: "Niềm hạnh phúc giản dị của những y bác sĩ trực sản khoa là được thấy sản phụ vượt cạn thành công. |
Kể về kỷ niệm khiến mình ấn tượng trong nghề, BS Trang mỉm cười nói: “Quãng thời gian tôi làm nghề mới được 7 năm nhưng cũng đủ để tôi nếm trải, va vấp và chứng kiến nhiều điều.
Chỉ ở phía sau cánh cửa phòng đẻ, mới hiểu và thấm thía, sự sống đáng quý đến nhường nào. Lúc đó, bác sĩ gần như là người bạn đồng hành cùng sản phụ, nỗ lực hết sức để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Trong một ca đỡ đẻ, tôi từng bật khóc nức nở khi nghe tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ suýt bị ngạt thở”.
BS Trang cùng đồng nghiệp chuẩn bị đến khu vực sát khuẩn của phòng mổ. |
Giọng trầm ngâm, chị cho hay đó là trường hợp sản phụ (24 tuổi - quê Hà Tĩnh).
Người phụ nữ này chuẩn bị cùng chồng lên tàu hỏa về quê chờ ngày sinh con nhưng thấy vợ ra máu ướt quần, người chồng vội đưa vào bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Sau khi làm các thao tác kiểm tra, bác sĩ trực chỉ định phải mổ ngay nếu không cháu bé có thể tử vong. Ngoài kíp mổ đẻ, còn có mặt của bác sĩ nhi để sơ cứu khi thai nhi được đưa ra khỏi bụng mẹ. Cháu bé ra đời với cân nặng 1,5 kg nhưng có hiện tượng ngạt.
Thời gian tưởng chừng như ngừng lại, mọi người nín thở, lo âu cho sinh linh bé nhỏ đó. Sau khi hô hấp, sơ cứu, cháu bé cất tiếng khóc đầu đời.
Khi mẹ con sản phụ được đưa sang phòng hậu phẫu, BS Trang đã bật khóc vì quá xúc động.
Dù là ngày hay đêm, các bác sĩ trực cấp cứu phải giữ cho mình đầu óc tỉnh táo. Bởi chỉ cần lơ đễnh vài giây, bệnh nhân sẽ khó có cơ hội sống. |
“Đây cũng là một trường hợp khá chủ quan, không thăm khám định kỳ, làm các xét nghiệm tổng quát trong thời kỳ mang thai.
Đặc biệt, sản phụ còn chủ quan, để quá ngày dự sinh mới đến bệnh viện. Lúc này, trọng lượng em bé đã giảm, còn đi cả phân su trong bụng mẹ. Cháu bé hít phải phân su đó có thể bị ngạt dẫn đến đến tử vong.
May mắn, cháu bé đã được cứu sống và xuất viện với thể trạng khỏe mạnh”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Câu chuyện người xe ôm ở buồng lấy mẫu tinh trùng
Câu nói của người lái xe ôm tình nguyện đến hiến tinh trùng khiến nữ điều dưỡng nghẹn lòng. Ông mong việc làm thầm lặng của mình có thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho gia đình nào đó.
Chuyện xót xa phía sau buồng lấy mẫu tinh trùng
Để xin được tinh trùng trong ngân hàng dự trữ, người phụ nữ phải đưa em trai đến thực hiện đổi mẫu. Ít ai hiểu, đằng sau đó là câu chuyện hôn nhân đầy buồn tủi của chị.
Diệu Bình - Vũ Lụa