- Quy định mới về hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng với cá tra xuất khẩu đang là tâm điểm tranh cãi khi Bộ NN-PTNT quyết giữ, còn các doanh nghiệp thì phản đối đến cùng.

Cho rằng quy định tỷ lệ mạ băng tối đa không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi lê đông lạnh không quá 83% (tương ứng với mức tăng trọng là 15%) là có đủ độ tin cậy, có cơ sở và cần thiết, công văn mới nhất do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám ký ngày 13/1 đã thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ quan điểm và giữ nguyên những quy định này tại Nghị định 36 ngày 29/4/2014.

Phiền nhiễu, tốn kém

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, quy định về hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng với sản phẩm filê cá tra 10% là không có cơ sở pháp lý, gây phiền hà, làm mất thời gian, mất tiền bạc của DN.

Hiện trên thế giới, nhu cầu sản phẩm cá tra đã không còn cao như giai đoạn trước (2002-2007), khi giá trị xuất khẩu cá tra tăng từ 80 triệu lên 1,45 tỷ USD trong vòng có 5 năm. Từ 2008 tới nay, tốc độ xuất khẩu tăng chậm, giá trị cá xuất khẩu chỉ tăng lên 1,8 tỷ USD. Giá cá đã sụt giảm từ 4 xuống còn 2 USD. 

Trong khi đó, Bộ NN-PTNT vẫn ngộ nhận rằng, cá tra đã có một thị trường riêng biệt và Việt Nam đang độc chiếm thị trường cá tra toàn cầu. Đây là một quan điểm không chính xác, khiến cho việc thiết kế Nghị định 36 bị lệch lạc - theo ông Dũng. 

{keywords}
Năm qua, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD

Thực ra cá tra (một loài cá nuôi, nước ngọt) chỉ là một sản phẩm trong số rất nhiều sản phẩm cá khác trên thị trường cá thịt trắng thế giới. Nhu cầu với cá tra từng tăng cao nhờ giá rẻ và nguồn cung lớn. Nay cá tra mất dần lợi thế cạnh tranh, chỉ còn ưu thế là giá rẻ. Nghị định 36 lại không tạo điều kiện cho cá tra Việt Nam phát huy lợi thế này.

Hơn nữa, quy định mang tính áp đặt của Bộ NN-PTNT về mức chất lượng cao của phile đông lạnh cá tra như là điều kiện bắt buộc tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sang tất cả các thị trường phải thực hiện là không thực tế và không khả thi. Quy định này sẽ đẩy giá filê cá tra tăng thêm khoảng 1 USD/kg, làm giảm khả năng cạnh tranh của mặt hàng này trong mắt các nhà nhập khẩu.

"Không bán được hàng buộc doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy, ảnh hưởng đến người nuôi, người sản xuất thức ăn và toàn bộ ngành cá tra. Hậu quả có thể sẽ rất lớn", ông Dũng lo ngại.

Chưa kể, còn vi phạm pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Theo Luật này, các yếu tố về chất lượng hàng hóa là do thị trường quyết định, do thỏa thuận giữa người mua và người bán, khác với các yếu tố ATVSTP là bắt buôc, do Nhà nước quy định.

Thậm chí, Bộ này còn bỏ qua một kết quả đánh giá chất lượng cảm quan các sản phẩm cá tra filê đông lạnh, do chính Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thuộc Bộ NN-PTNT, yêu cầu, với sự tham gia của đại diện DN và các nhà khoa học. Kết quả cho thấy, miếng cá tra có hàm lượng tăng trọng 25% có giá trị cảm quan tốt nhất.

Chưa hết, sau khi ký hợp đồng với nhà nhập khẩu, DN còn phải đăng ký với Hiệp hội cá tra Việt Nam để hiệp hội này thẩm định cá ở vùng nuôi có được cấp phép không, có nằm trong quy hoạch không, từ nhà máy có được chứng nhận không... mới được Hải quan thông quan. Điều này, theo ông Dũng, là rất vô lý, gây phiền hà, tốn kém cho DN khi phải mất thời gian đi xin phép (tại Cần Thơ). Tệ hơn cả, khi làm thủ tục thông quan, cá tra từ luồng xanh đã chuyển sang luồng vàng.

Hiện sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam là 650.000 tấn. Ông Dũng tính toán, nếu xuất mỗi container cá tra khoảng (20 tấn/container), các doanh nghiệp sẽ phải nộp phí 100.0000 đồng/mẫu. Nếu mỗi container là 3 mẫu, rồi mẫu chưa đạt phải xét nghiệm lại, thì DN sẽ tốn kém một khoản phí lớn, chưa kể còn mất thời gian, cơ hội khác.

Để ngăn ngừa gian lận?

Tại công văn 293 gửi các tỉnh ĐBSCL có nuôi cá tra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, quy định 10% về tỷ lệ mạ băng không phải áp dụng cho mọi thị trường, nếu các nước không có yêu cầu thì thôi. Hơn nữa, theo hướng dẫn của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX), tỉ lệ mạ băng để đạt mục tiêu công nghệ thông thường là không quá 5%. Do đó, quy định tỉ lệ mạ băng không được vượt quá 10% tại Nghị định 36 là cần thiết, phù hợp và đủ linh hoạt cho các doanh nghiệp trong chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh chất lượng tốt để xuất khẩu và ngăn ngừa gian lận thương mại.

Về quy định hàm lượng nước tối đa cho phép ở mức 83% gây nhiều tranh cãi, kết quả nghiên cứu của Nafiqad cho thấy, việc sử dụng phụ gia vừa đủ (tương ứng với hàm lượng nước là 83% và tỷ lệ tăng trọng là 15%) đạt mục đích cải thiện chất lượng cảm quan, chống mất nước sau rã đông.

“Nếu lạm dụng phụ gia (ngâm quay kéo dài) dẫn đến hàm lượng nước là 85%-86% thì tỷ lệ tăng trọng sẽ tương ứng từ 35% đến hơn 40%, có thể bị coi là gian lận thương mại, làm suy giảm chất lượng sản phẩm cá tra phi lê, bán giá thành thấp và dẫn đến nguy cơ cá tra Việt Nam bị cáo buộc, áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường” - công văn viết.

Do vậy, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: quy định 10% tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước 83% (tương ứng với mức tăng trọng là 15%) là có đủ độ tin cậy, cơ sở khoa học, và thực tiễn”.

Trước những phản ứng của DN, Bộ NN-PTNT đã lùi lại một năm thời gian áp dụng Nghị định trên, tức từ 1/1/2016 thay vì từ 2015 như trước, song đại diện VASEP cho hay các DN vẫn không đồng tình, bởi việc cần làm là điều chỉnh những nội dung không hợp lý và bất hợp pháp của nghị định này.

Ông Dũng đề xuất, liên quan đến việc nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, nên có lộ trình để thực hiện. Cơ quan quản lý có thể gắn nhãn quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm đạt chuẩn, buộc các DN phải dần thích ứng.

Đại diện các doanh nghiệp, VASEP đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đồng thời đề nghị được tổ chức đối thoại nhưng không có kết quả. Công văn trả lời mới nhất của Bộ NN-PTNT với các DN cũng chưa thỏa đáng. Vì thế, sắp tới, Bộ KH-ĐT sẽ là bên thứ ba làm trung gian nhằm hóa giải vụ việc gây tranh cãi kéo dài suốt gần 1 năm qua.

Ngọc Hà