Có lẽ đêm ấy, chúng tôi mới tỏ tường thêm về ông, người từng đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của chính phủ Việt Nam DCCH.
Nhà hàng xóm đối diện với Tòa soạn Tiền Phong là tư gia Thượng tướng Chu Văn Tấn.
Chả phải tò mò nhưng cuối những năm bảy mươi ngày nào cũng vậy, sáng thì cái xe con màu xám đỗ xịch trước cửa đón, và thường chiều muộn đưa về một người vóc dáng cao đậm bộ quần áo bốn túi cài kín cổ, tóc cắt bốc thành thẳng đứng, sải những bước oai vệ. Đó là Thượng tướng Chu Văn Tấn.
Tiếng là hàng xóm nhưng chưa bao giờ đám phóng viên chúng tôi được gặp Thượng tướng cả. Những năm cuối tám mươi, khi Thượng tướng đã mất nhiều năm, ông con trai Chu Thành công tác ở Ủy Ban Dân tộc Trung ương mở thêm cái cổng phụ cải tạo thành cái quán giải khát kiêm bán bia Vạn Lực có cái tên Bông Giấy rất đông khách thì ngày nào chúng tôi cũng ghé. Chu Thành là người xởi lởi mặn chuyện, vui tính.
Có vài lần được ngồi hầu chuyện phu nhân Thượng tướng, một lão bà tóc trắng cước, búi tó củ hành, vẫn thường lặng lẽ xách cái làn ra chợ Hôm. Cụ bà ít nói, thi thoảng cũng phụ giúp đám con cháu bán hàng và có vẻ chịu nghe đám chúng tôi tán hươu vượn. Nhưng thuở ấy những là tâm lý sống xổi cùng trẻ người non dạ, đám chúng tôi đâu biết cụ bà lặng lẽ ấy như một cuốn sách đóng dễ gì để ai lật giở?
Rồi cụ bà mất đột ngột. Quán Bông giấy đóng cửa, Chu Thành dọn đi nơi khác. Và dễ có hàng chục năm không gặp lại…
Bác Hồ và bộ trưởng Chu Văn Tấn. Ảnh TL |
Trở lại Bắc Sơn
Tình cờ bỗng cữ thu năm ngoái gặp Chu Thành. Thoáng đã xọm như một ông lão. Nhưng vẫn một Chu Thành xởi lởi dạo nào. Chuyện cũ nối chuyện mới ríu ran. Chu Thành rủ chúng tôi về lại quê nhà Võ Nhai và Châu Bắc Sơn dịp 74 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn.
Chúng tôi không đi một mình. Chu Thành rẽ qua Hoàng Diệu đón Võ Hoài Nam, con trai Tướng Giáp…
Đến xã Phú Thượng huyện Võ Nhai, cả bọn ghé nhà Thượng tướng. Ngôi nhà sàn cũ kỹ năm xưa dột nát, Chu Thành đã chu đáo cải tạo lại khá khang trang. Lưu lại nhiều hiện vật cùng tranh ảnh sinh thời Thượng tướng ngó hao hao như một thứ bảo tàng? Rồi Chu Thành hướng dẫn cả bọn ra mé đồi gần nhà thắp hương mộ Thượng tướng. Sau bao năm xa cách nay mộ cụ ông và cụ bà nằm song song ở sườn núi quê nhà. Trong nắng quái chiều thu ngó hai người con trai của một đại tướng, một thượng tướng đứng bên nhau lặng phắc bên nấm mộ của tiền nhân, thấy bỗng như lịch sử chả im lìm mà dường như đang phập phồng lên tiếng?
Ngược tiếp đường Bắc Sơn. Lại may mắn được ngồi cạnh với mấy nhà sử học kiêm nghiên cứu sử. Những câu chuyện không đầu không cuối cứ nối nhau vô tình để chúng tôi chắp nối dã sử cùng chính sử để rõ rệt thêm về những điều trước đây mình từng láng máng hoặc chưa có điều kiện tìm hiểu cặn kẽ.
Có lẽ đêm ấy, chúng tôi mới tường thêm khúc nhôi Chu Văn Tấn từng đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của chính phủ Việt Nam DCCH như thế nào?
Cuộc đời “Hùm xám Bắc Sơn”
Như một cuốn phim tư liệu thoáng nhanh Thượng tướng họ Chu là người Nùng sinh năm 1910 xuất thân trong một thổ hào địa phương. Sau khi tốt nghiệp tiểu học năm 1927, ông từng có thời gian dạy học ở Bắc Hà. Từng có 2 năm cai quản lính dõng (châu đoàn) cho chính quyền thực dân Pháp tại quê nhà.
Là người có học vấn và có tinh thần tự trị, ông thường xuyên đấu tranh với những quan chức thực dân để giảm áp bức và sưu thuế, vì vậy rất có uy tín với dân chúng trong vùng. Chính vì vậy, những người Cộng sản đã tìm cách bắt liên lạc và vận động ông tham gia cách mạng nhằm tranh thủ một thủ lĩnh địa phương để lôi kéo đồng bào các dân tộc trong vùng. Năm 1936, Chu Văn Tấn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 22/9/1940, quân Nhật bất ngờ tấn công Lạng Sơn. Quân Pháp đồn trú tại đây hoảng loạn đã tháo chạy qua châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội này, ông lãnh đạo các đội tự vệ tấn công và cướp súng của tàn quân Pháp tại đèo Tam Canh để tự vũ trang cho mình.
Ngày 27/9/1940, ông chỉ huy các đội tự vệ vũ trang tấn công đồn Mỏ Nhài (Bắc Sơn), hỗ trợ những người Cộng sản vận động dân chúng nổi dậy cướp chính quyền tại Bắc Sơn.
Quân khởi nghĩa làm chủ huyện lỵ Bắc Sơn được gần một tháng. Sau đó, Nhật thoả
hiệp với Pháp, quân Pháp tái chiếm Bắc Sơn và đàn áp quân khởi nghĩa. Khởi nghĩa
Bắc Sơn bị dập tắt.
Tuy nhiên, ông cùng một số đội viên tự vệ cùng vũ khí rút được vào rừng sâu Võ
Nhai - Bắc Sơn lập căn cứ.
Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 tại Đình Bảng, Bắc Ninh, ra quyết định về việc duy trì và bồi dưỡng lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, làm vốn quân sự đầu tiên cho cách mạng. Đầu tháng 2/1941, Chu Văn Tấn được bầu làm Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách đội du kích Bắc Sơn.
Cũng tháng 2/1941, Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá cờ đỏ sao vàng cho Đội du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sĩ.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Pắc Bó vào tháng 5/1941. Hội nghị này xác định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh), và đồng thời chủ trương thành lập lực lượng Cứu quốc quân làm nòng cốt quân sự cho Việt Minh.
Theo quyết định của Hội nghị, Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất.
Pháp tăng cường đàn áp Bắc Sơn rất dã man. Tiểu đội do Chu Văn Tấn chỉ huy thoát khỏi vòng vây về được Pắc Bó. Sau đó ông được giao nhiệm vụ về lại Võ Nhai để xây dựng và làm Chỉ huy trưởng của Trung đội Cứu quốc quân thứ hai, với 47 chiến sĩ (có 3 nữ).
Trong những năm sau đó, ông chỉ huy Cứu quốc quân phát triển lực lượng, đánh du kích ở Tràng Xá, phát triển về Đại Từ cướp được nhiều vũ khí của quân Pháp. Biệt danh Hùm xám Bắc Sơn là do quân Pháp đặt cho Chu Văn Tấn.
Cuối năm 1944, ông chỉ huy lực lượng Cứu quốc quân 2 xây dựng Chiến khu Hoàng Hoa Thám, trở thành căn cứ địa vững chắc để đón lãnh tụ Hồ Chí Minh và các lãnh đạo khác về đây hoạt động.
Rồi thời điểm Quốc dân đại hội Tân Trào đã bầu Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam, gồm 15 thành viên, do Hồ Chí Minh đứng đầu và Chu Văn Tấn được bầu là Ủy viên.
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên ra mắt quốc dân đồng bào. Chu Văn Tấn được bầu làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 2/3/1946.
Sau đó ông được cử là phái viên của Chính phủ đi kiểm tra Khu 4. Năm 1948, Chu Văn Tấn làm Khu trưởng Khu 4 rồi Chiến khu 1, Bí thư Khu ủy. Cùng năm này, ông được phong hàm Thiếu tướng cùng với 10 tướng lĩnh khác trong đợt phong hàm đầu tiên.
Từ năm 1949 đến năm 1954, ông làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu Việt Bắc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2 năm 1951 và Đại hội lần thứ III tháng 9/1960 Chu Văn Tấn được bầu làm Ủy viên chính thức BCH TƯ.
Từ năm 1954 đến cuối năm 1956, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy
Liên khu Việt Bắc. Từ năm 1957 đến cuối năm 1975, ông làm Chính ủy, Bí thư khu
ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc.
Ngày 31/8/1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng
tướng, và là một trong hai Thượng tướng lúc bấy giờ.
Thời gian mà chúng tôi vẫn thường thấy cái xe màu xám đưa đón Thượng tướng Chu
Văn Tấn là ông với cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.
Đêm Bắc Sơn hơi se lạnh. Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phòng Sưu tầm, Bảo tàng HCM) dường như mang lại sinh khí ấm áp. Bà dẫn lại lịch sử rằng, trong buổi tiếp các đại biểu tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua chống Mỹ cứu nước tại Phủ Chủ tịch ngày 1/1/1967, Cụ Hồ đã gọi Chu Văn Tấn là “Người anh cả của lực lượng du kích quân Việt Nam”. Còn trong bài “Mừng ngày sinh nhật QĐND” đăng trên báo Nhân dân ngày 22/12/1964, với bút danh CB, Hồ Chí Minh viết: “….Đảng giao cho Bác trực tiếp lãnh đạo, các Đ/C Trường Chinh, Phạm Văn Đồng,Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, v.v, thì phụ trách việc tổ chức, huấn luyện và chỉ huy.
Với cương vị thủ lĩnh khu tự trị Việt Bắc, Chu Văn Tấn đã có những đóng góp to lớn. Ý thức được giao thông là huyết mạch của của khu tự trị, ông phát động phong trào thanh niên tình nguyện 6 tỉnh trong khu đi lao động và hình thành con đường Hà Giang- Đồng Văn- Meo Vạc, một huyết mạch quan trọng của cả vùng. Ông cũng là người chỉ đạo và chủ trì xây dựng Đài phát thanh Việt Bắc (bằng các thứ tiếng Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông), xây dựng hệ thông các trường trung học, cao đẳng, đại học; các trường, lớp dân tộc nội trú, thiếu nhi vùng cao. Đồng thời cũng là người chủ trì xây dựng bộ chữ Tày, Nùng ở khu tự trị Việt Bắc.
Có thể nói trong chính sách dân tộc ở Việt Bắc, Chu Văn Tấn có những đóng góp đặc biệt.
…Vợi một phần đêm Bắc Sơn, chúng tôi đã chi dùng thời gian cho việc khi ngồi chung và riêng với các thành viên trong tấm ảnh chụp được hồi chiều tại Trung tâm huyện Bắc Sơn nơi tổ chức Lễ kỷ niệm in kèm trong bài báo này.
Cũng phải làm cái việc chú thích một chút. Từ phải sang trái của tấm ảnh. Người đầu tiên là Thương nhân Võ Hoài Nam (sinh 1956) con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Tuấn Quảng (sinh 1954) nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Cục Tác chiến Điện tử Bộ Quốc Phòng, con trai đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Xứ Ủy Bắc Kỳ được Trung ương cử về Bắc Sơn lãnh đạo phong trào cách mạng. Chu Thành sinh năm 1947, thương gia, con trai Thượng tướng Chu Văn Tấn chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27-9-1940. Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt, một trong những yếu nhân của cuộc khởi nghĩa và phong trào cách mạng Bắc Sơn.
Các ông Võ Hoài Nam, Trần Tuấn Quảng, Chu Thành và bà Hạ Chí Nhân. Ảnh: Xuân Ba |
…Ngó bốn hậu duệ của các tiền nhân đang quần tụ với nhau trên đất Bắc Sơn chợt thấy câu của một thi sĩ lịch sử chẳng ngẫu nhiên đâu mà cũng rất tình cờ chừng như cũng phải nhẽ?
Xuân Ba- Lê Thọ Bình