Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được Ban Giám hiệu, toàn thể giáo viên, nhân viên Trường THCS xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) rất quan tâm, nhờ đó tạo sự chuyển biến, kết quả to lớn cả trong nhận thức, lề lối và kết quả làm việc.

Thầy Nguyễn Anh Chung, Hiệu trưởng Trường THCS xã Hàng Vịnh, khẳng định: “Trường xác định, ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức quan trọng. CNTT có tác dụng mạnh mẽ, thay đổi nội dung, hình thức, phương pháp dạy và học; là phương tiện để tiến tới một “xã hội học tập”; là một trong những công cụ lao động hết sức hiệu quả.

CNTT giúp công tác quản lý của Ban Giám hiệu khoa học, nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả và giúp thầy cô soạn bài thuận tiện, nâng cao tính sáng tạo, linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy. Nhờ đó, học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng về CNTT, tiếp cận với công nghệ đang phát triển như vũ bão, tiếp cận với phương pháp dạy học mới, hấp dẫn hơn hẳn phương pháp đọc - chép truyền thống”.

Nhà trường hiện có tổng số 28 quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó nhiều giáo viên, nhân viên có kỹ năng kết hợp nhiều phần mềm tiện ích khác nhau trong một bài giảng.

Ðể nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy, trường tích cực tuyên truyền cho giáo viên, nhân viên thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, nghiên cứu bài học, hội thảo chuyên đề; thông qua dự giờ thăm lớp và qua việc tham gia các cuộc thi có ứng dụng CNTT do ngành tổ chức.

Ứng dụng CNTT trong giảng dạy giúp học sinh thích thú, hăng hái vì dễ hiểu và khắc sâu kiến thức hơn so với lối dạy truyền thống.

Ứng dụng CNTT trong giảng dạy giúp học sinh thích thú, hăng hái vì dễ hiểu và khắc sâu kiến thức hơn so với lối dạy truyền thống.

Thầy Nguyễn Anh Chung cho biết: “Trường đưa chỉ tiêu ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học vào quy chế chuyên môn, xem đó là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại khi kiểm tra hoạt động sư phạm, xét thi đua. Khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên học tập nâng cao trình độ tin học. Trường bố trí, sắp xếp để đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng CNTT do ngành tổ chức, nhất là những giáo viên, nhân viên có năng lực nổi trội.

Bên cạnh đó, vận động người quản lý, giáo viên, nhân viên tích cực tìm hiểu, khám phá, trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng ứng dụng CNTT; định hướng cho đội ngũ luôn có ý thức sưu tầm tài liệu hướng dẫn ứng dụng CNTT hiệu quả, nghiên cứu chọn lọc, chia sẻ các tài liệu hay, dễ thực hành, dễ sử dụng. Tin học hoá, tích cực ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động của đơn vị như: quản lý, giảng dạy, chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá, thông tin, liên lạc, quảng bá, truyền thông”.

Hiện nay, 10/10 phòng học đều được trang bị tivi từ 50 Inch trở lên, kết nối sẵn HDMI với 10/10 máy tính trên bàn giáo viên, lưu trữ sẵn kế hoạch bài dạy, bài trình chiếu của giáo viên. Toàn trường có 22 camera an ninh, phục vụ cho các phòng học và khu hành chính, toàn cảnh sân trường.

Có 1 phòng tiếng Anh với 1 màn hình 100 Inch cảm ứng, cài song song hai hệ điều hành (Android và Window10); kèm theo hệ thống âm thanh và 40 máy tính; có 1 phòng Tin học với 21 máy tính phục vụ; có 8 máy tính phục vụ công tác hành chính, 6 máy in; 2 line Internet cáp quang tốc độ cao.

Nhà trường xây dựng trang Web riêng tại địa chỉ: http://thcsxahangvinh.edu.vnptweb.vn/; trang Facebook với tên "Trường THCS xã Hàng Vịnh"; tạo nhóm Zalo cho các tổ chức, đoàn thể trong trường, tất cả các lớp... để kịp thời thông tin, chia sẻ, lưu trữ, truyền thông, quảng bá hình ảnh, các hoạt động của trường.

Nhà trường ứng dụng CNTT trong quản lý, dễ dàng quan sát khi lắp camera an ninh các phòng học và khu hành chính, toàn cảnh sân trường.

Nhà trường ứng dụng CNTT trong quản lý, dễ dàng quan sát khi lắp camera an ninh các phòng học và khu hành chính, toàn cảnh sân trường.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền, giáo viên dạy môn Tiếng Anh, chia sẻ: “Việc ứng dụng CNTT trong dạy học đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ ở các trường học. Qua những năm tháng đứng lớp, tôi luôn ý thức việc sử dụng đồ dùng dạy học trực quan như: tranh, ảnh, sơ đồ... vào các tiết dạy, học sinh cảm thấy hứng thú và tiếp thu bài nhanh hơn.

Việc ứng dụng CNTT trong dạy học giúp tôi nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy, làm cho bài học trở nên thú vị hơn, khuyến khích học sinh tham gia tích cực và tăng cường khả năng ghi nhớ kiến thức”.

Tiết học Tiếng Anh được ứng dụng công nghệ công tin của cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền cùng học trò của mình.

Tiết học Tiếng Anh được ứng dụng công nghệ công tin của cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền cùng học trò của mình.

Em Trần Phước An, học sinh Lớp 8A, cho biết: “Ðược thầy cô dạy học qua tivi với kiến thức được minh hoạ bằng hình ảnh trực quan sinh động, hấp dẫn, giúp em hăng hái hơn trong mỗi tiết học, tiếp thu kiến thức mới dễ dàng hơn. Bài dạy của thầy cô dễ hiểu hơn, sâu sắc hơn và kiến thức được mở rộng hơn. Em rất thích khi được học tập như thế này”.

“Từ việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng CNTT không chỉ thay đổi cách giáo viên truyền đạt kiến thức mà còn mở ra những phương pháp học tập mới mẻ, tương tác và hiệu quả hơn cho học sinh. Hiện 100% người quản lý, giáo viên, nhân viên soạn bài, làm hồ sơ bằng máy vi tính; 100% giáo viên biết sử dụng kỹ thuật trình chiếu hỗ trợ giảng dạy, sử dụng các phần mềm dạy học bộ môn, các tư liệu điện tử; đăng ký thực hiện thao giảng ít nhất là 2 tiết/năm có ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, CNTT tăng thêm sự tương tác, liên lạc, thông tin giữa giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh... góp phần truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của trường”, thầy Chung phấn khởi cho biết.

Song song với việc khai thác sử dụng các phần mềm như: VnEdu, I-Office, VietSchool, PMIS, EMIS, MISA, MOET, Thư viện pháp luật, Bộ Office, iSpring Presenter, Lecture Maker, E Mind Maps, Hệ sinh thái của Google (Drive, Meet, Form, Doc, Sheet...); MicroSoft Teams, Zoom... nhà trường luôn chú trọng khâu quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, giao trách nhiệm cụ thể cho giáo viên, nhân viên phụ trách; thường xuyên bảo trì, quan tâm bồi dưỡng kiến thức cho người quản lý, người sử dụng với phương châm “giữ tốt - dùng bền”, khai thác tối đa, hiệu quả trang thiết bị được cung cấp.

Theo Quỳnh Anh (Báo Cà Mau)