Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tính đến năm 2023, toàn tỉnh có trên 19.000 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký hơn 350.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 18.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn điều lệ gần 340.000 tỷ đồng. Trong số này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98%. Đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ và xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối và đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân mới thành lập trên địa bàn.
Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng bắt tay ngay vào các phần việc rất cụ thể nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, tập trung vào nhóm doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa mới thành lập.
Trong đó, duy trì Chuyên mục "Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp" trên Cổng Thông tin điện tử thành phần của Sở Tư Pháp tại nhằm cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp, phản ánh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trao đổi, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp, đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”.
Theo đó, tập trung phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững theo hướng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ; phối hợp triển khai xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển nền tảng thông tin kết nối khách hàng để hình thành cơ sở thông tin dữ liệu về doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Đồng thời, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quản trị; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp như: hỗ trợ đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh rất khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ; kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Kết quả bước đầu cho thấy, chỉ trong năm 2022 và đầu 2023 đã có hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân được ngành thuế giảm, giãn, hoãn số tiền thuế hàng trăm tỷ đồng. Tỉnh phê duyệt cho 1.683 lượt doanh nghiệp với 159.070 lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với số kinh phí trên 197,8 tỷ đồng. Hàng trăm doanh nghiệp hình thành mới được tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật và được tư vấn, hỗ trợ pháp lý.