Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng thuận của nhân dân, công tác chuyển đổi số trên địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã đạt được những kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực, UBND xã Khánh Thượng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số trên 3 trụ cột, đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số về chuyển đổi số.
Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đầy đủ và tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chuyển đổi số.
Địa phương cũng triển khai tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số để tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc tạo lập tài khoản thanh toán ngân hàng, ví điện tử; cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách xã hội, sổ sức khỏe điện tử, thanh toán học phí, sổ liên lạc điện tử...
Đến nay, sau 3 năm thực hiện, công tác chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây, việc triển khai hạ tầng số còn những hạn chế như: Đường truyền mạng chưa ổn định, hệ thống mạng chưa được cấu hình và phân chia lớp mạng, khó khăn trong quá trình sửa chữa; hệ thống đường dây mạng chằng chịt, mất mỹ quan công sở; một số máy tính tại trụ sở UBND xã cấu hình thấp, còn thiếu nhiều thiết bị (như máy chiếu, máy in mầu…).
Việc sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành còn rất hạn chế, chưa phát huy hiệu quả; tỷ lệ văn bản chưa xử lý trên môi trường mạng đạt thấp. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống chưa được thực hiện đúng; việc cập nhật giải quyết thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ chưa được đầy đủ và đúng quy trình…
Đến nay, hạ tầng số đã được đầu tư, trong đó mạng LAN nội bộ được cải tạo, nâng cấp, hệ thống mạng Internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn; máy tính, máy in, tivi và các thiết bị cần thiết khác phục vụ cho hoạt động của đơn vị được đầu tư đồng bộ; đưa vào sử dụng đường truyền số liệu dùng chung và triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo; 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý, không còn tình trạng in văn bản ra xin ý kiến lãnh đạo.
Toàn xã đã lắp đặt 100 camera ở các điểm trọng yếu, trụ sở làm việc UBND xã, Công an xã, trường học… Từ khi có hệ thống camera, tình hình an ninh được cải thiện, tình trạng trộm cắp tài sản, mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giảm hẳn.
Bộ phận một cửa được bổ sung đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động phục vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đến nay, 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình; 100% cán bộ, công chức thuộc bộ phận một cửa được cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên.
Trong phát triển kinh tế số, địa phương phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử, bán các sản phẩm trên sàn "PostMart" và "Voso". Từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm.
Trên địa bàn xã đã có sản phẩm Rau mầm Thuận Phượng và lúa nếp Hương Bình được đưa lên sàn thương mại điện tử, được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; sản lượng bán ra tăng lên nhiều lần so với trước đây.
Các trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua áp dụng hệ thống dạy, học và thi trực tuyến, phê duyệt giáo án, bài giảng trên môi trường điện tử, ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên hỗ trợ công tác quản lý dạy và học; dịch vụ sổ liên lạc điện tử; học bạ điện tử, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua ứng dụng Medici; thành lập nhóm cộng đồng "KHÁNH THƯỢNG hỏi - Bác sĩ trả lời" và triển khai hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa…
Những kết quả bước đầu về chuyển đổi số ở Khánh Thượng được người dân đánh giá cao, từ đó dần thay đổi về nhận thức, trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chị Hồ Thị Thu ở xóm 3 cho biết: Hiện nay, các thủ tục hành chính đều được xử lý trên môi trường mạng đã giảm được các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, thông qua các nhóm trên Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử, App "Công dân số" đã giúp người dân nhanh chóng nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách mới từ trung ương đến cơ sở.
Đồng chí Ngô Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Khánh Thượng cũng gặp không ít những khó khăn, trong đó phải kể đến nhận thức của một bộ phận người dân về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, một bộ phận lớn người dân có tâm lý e dè, lo sợ khi được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng.
Bên cạnh đó, thiếu nguồn nhân lực cho quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Vì vậy, thời gian tới xã tiếp tục tìm kiếm các giải pháp, nền tảng hay để triển khai thí điểm trên cả 3 lĩnh vực Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại xã.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, tích cực vận động nhân dân tham gia và sử dụng các dịch vụ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số.
Theo Hồng Giang (Báo Ninh Bình)