Bù Đăng- huyện miền núi phía bắc của tỉnh Bình Phước đang khoác lên mình diện mạo mới tràn đầy sức sống. Làm nên sự thay đổi của Bù Đăng hôm nay là những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Phước tiếp và làm việc với đoàn công tác Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận về chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng NTM tại huyện Bù Đăng.

Đoàn Ninh Thuận đã đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới tại 02 xã Đức Liễu và Minh Hưng là 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, đoàn đã thăm quan mô hình sản xuất chuỗi giá trị và thử chất lượng Sầu riêng của Công ty TNHH TM-ĐT Trường Thịnh Phát và tham quan dây chuyền sản xuất hạt điều của Công ty cổ phần Hoàng Sơn I, thôn 2, xã Đức Liễu; Tham quan Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc Nhà văn hoá thôn của xã Minh Hưng và thăm quan Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo.

hochoi
Đoàn thăm quan mô hình sản xuất chuỗi giá trị và thử chất lượng Sầu riêng của Công ty TNHH TM-ĐT Trường Thịnh Phát

Qua tham quan thực tế tại hai địa phương và trao đổi trực tiếp, các thành viên đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận ấn tượng với phương pháp, cách làm, cách vận động,… nhất là việc hướng dẫn, định hướng cho người dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, mã vùng trồng, OCOP, nhãn của các sản phẩm hiện có của địa phương để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài tạo thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh Ninh Thuận tham khảo và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương.

Kinh nghiệm "dễ làm trước, khó làm sau

Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng xóm làng, quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng xác định việc thực hiện Chương trình là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, nhờ sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các xã về đích NTM, NTM nâng cao đã tập trung được nhiều nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. 

Trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở huyện Bù Đăng, một điểm sáng dễ nhận thấy chính là sự chuyển biến tích cực của kết cấu hạ tầng nông thôn. Đây được coi là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội của huyện, được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện hết sức chú trọng, triển khai với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Giao thông trong huyện khi xưa vốn chủ yếu là đường đất, dần được thay thế bằng đường nhựa, đường bê-tông sạch sẽ.

Trong 10 năm qua, huyện đã xây dựng được 447km đường giao thông nông thôn, trong đó, nhựa hóa 90km, sỏi phún 150km và bê-tông hóa 207km, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hằng năm, các xã trong huyện đều bố trí sửa chữa và nâng cấp các đập thủy lợi hiện có và tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng. Các phòng học, phòng chức năng, hội trường xã, nhà văn hóa thôn và nhiều điểm vui chơi, giải trí được đầu tư xây dựng. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn trên địa bàn 15 xã trung bình đạt 96,7%...

Theo báo cáo về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay Bù Đăng có 10/15 xã đạt chuẩn NTM, 2/15 xã về đích NTM nâng cao. Mục tiêu của huyện là phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ có 15/15 xã về đích NTM, 3/15 xã về đích NTM nâng cao.