- Gần 20 năm qua, "Mùa xuân ơi" trở thành ca khúc xuân quen thuộc với người dân Việt Nam. Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, 'cha đẻ' của bài hát, đã chia sẻ cùng VietNamNet về tác phẩm đặc biệt này.
Video: Chia sẻ của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện
"Nhạc sỹ của mùa xuân"
Gặp nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện khi ông và gia đình đang đón năm mới.
Cứ theo thông lệ hằng năm, từ 23 tháng Chap, nhạc sỹ 67 tuổi đã tạm gác lại hết mọi công việc thường ngày để tập trung tận hưởng không khí, phố xá Sài Gòn những ngày giáp Tết.
Theo ông, Tết Việt là mùa của sự đoàn tụ, yêu thương và Tết có ý nghĩa rất đặc biệt, là thời khắc để ông có thể được thỏa sức đắm chìm trong những khúc hát mừng xuân.
Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện. |
Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, con người trong cuộc sống luôn có những trăn trở, nỗi niềm riêng nhưng đến ngày Tết thì dẫu thế nào cũng nên tạm gác bỏ mọi thứ để tận hưởng niềm vui.
Đây cũng là lý do để khi sáng tác các ca khúc về Xuân, ông luôn cố gắng đưa vào tác phẩm hình ảnh sắc mai, mâm cỗ, tiếng pháo, cánh én… như một hàm ý tốt lành.
Với gần 30 tác phẩm mang hơi thở xuân, Nguyễn Ngọc Thiện được bạn bè trong giới sáng tác gọi vui là "Nhạc sỹ của mùa xuân".
Trong số đó, "Mùa xuân ơi" ra đời vào năm 1995 là nổi tiếng hơn cả. Tác phẩm với giai điệu vui tươi, rộn ràng, mang niềm tin yêu về con người, cuộc sống như hòa quyện, đan xen vào nhau tạo nên một bức tranh xuân ngập tràn cảm xúc.
'Mùa xuân ơi' và những kỉ niệm khó quên
Dù là ca khúc quen thuộc của nhiều thế hệ, song Nguyễn Ngọc Thiện cho biết 'Mùa xuân ơi' được sáng tác trong hoàn cảnh khá ngẫu hứng và tình cờ.
"Một lần vào dịp 28 Tết năm 1994, tôi được một người bạn rất thân là nhạc sĩ Từ Huy rủ đi dạo đường phố. Dọc các con đường ngày Tết, đâu đâu người ta cũng phát bài hát "Ngày Tết quê em" của Từ Huy.
Những giai điệu "Tết Tết Tết Tết đến rồi…" khiến con người cảm thấy nô nức trong lòng, mong muốn được nhanh chóng về nhà ngay để sum họp cùng gia đình hơn bao giờ hết.
Khi đó, trong lòng tôi chợt nảy lên suy nghĩ mình nhất định cũng phải viết một bài hát thành công như vậy. Thế là năm 1995, ca khúc 'Mùa xuân ơi' ra đời.
Những hình ảnh, kỷ niệm về ngày Tết từ lúc thơ ấu bên ông bà, cha mẹ đến lúc trưởng thành đều được tôi cố gắng cô đọng để đưa vào bài hát chỉ vỏn vẹn vài dòng", nhạc sỹ bùi ngùi nhớ lại.
Ngay khi vừa ra đời, 'Mùa xuân ơi' lập tức nhận được sự đón nhận nồng nhiệt hơn bất cứ ca khúc nào viết về xuân thời điểm bấy giờ.
Từ Bắc chí Nam, từ thôn quê đến thành phố, đi đến đâu, người ta cũng có thể bắt gặp giai điệu và những ca từ quen thuộc đều đặn vang lên khắp mọi nẻo đường.
Dựa trên khát vọng về một dân tộc ấm no, thái hòa, Nguyễn Ngọc Thiện đã khéo léo viết lên và gieo vào lòng người nghe những ca từ vui tươi, rộn ràng nhưng cũng đủ tinh tế, lắng đọng để đưa họ đến những thổn thức nhớ thương về một mùa xuân bình yên, tươi đẹp của đất trời.
Cả ý tứ và nội dung trong cả bài hát chỉ gần 20 dòng nhưng đã gói gọn trong đó những tâm tư của ông gửi đến những người con phương xa về cảm xúc mong chờ ngày Tết, về khoảnh khắc sum họp và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm.
Ca khúc 'Mùa xuân ơi'
Bên cạnh đó, một chi tiết khá đặc biệt trong ca khúc cũng được Nguyễn Ngọc Thiện tiết lộ.
Theo đó, trong bài hát có đoạn "Tiếng pháo giao thừa chào đón mùa xuân…" nhưng thời điểm khi ra mắt ca khúc, Nhà nước đang có chủ trương cấm đốt pháo nên ông đã phải sửa lại thành "tiếng chúc" cho phù hợp.
Ngay từ lúc lên ý tưởng và sáng tác, ca khúc đã được chỉ định dành riêng cho nhóm Tam ca áo trắng thể hiện. Tuy nhiên theo tác giả, ông sáng tác ca khúc không nhằm đánh đố hay gây trở ngại cho người hát.
Từ melody, quãng ca khúc đến các yếu tố nhạc lí khác, tất cả đều được ông giữ ở mức đơn giản để dù là trẻ nhỏ, người già, hay các hội nhóm khi tụ họp vẫn có thể ngân nga và thoải mái hát theo.
Bước sang tuổi 67, Nguyễn Ngọc Thiện vẫn tiếp tục cố gắng duy trì ngọn lửa sáng tác. Không chỉ là tình yêu đôi lứa, ông còn cố gắng chạm đến những đề tài về xã hội, dân tộc thông qua âm nhạc. Khao khát của ông là sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa tác phẩm xuân ra đời và được thế hệ trẻ đón nhận.
"Các ca khúc xuân vừa sáng tác được trong những năm gần đây vừa được tôi gửi đến các đơn vị phát thanh, truyền hình cũng như mời ca sỹ thu thanh. Tất cả sẽ được phát trong những ngày Tết", nhạc sỹ chia sẻ.
Vợ chồng trẻ than trời vì 'cháy túi' khi chi Tết hàng trăm triệu đồng
Sau Tết các mẹ ngồi nhẩm tính, đa phần các gia đình đều có mức chi tiêu khoảng từ 25 tới 20 triệu đồng.Cá biệt có những gia đình có mức chi tiêu cả trăm triệu đồng.
‘Ông trùm hoa hậu’ và kỷ niệm khó quên ngày Tết
Nhìn cây đào, ký ức năm xưa trong tôi chợt ùa về. Tôi thuê người mang lên nhà vườn ở Sóc Sơn trồng", nhà thơ - nhà báo Dương Kỳ Anh chia sẻ.
Gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa đón Tết thế nào?
“Càng về già, những người như chúng tôi lại càng sống bằng hoài niệm”- ông Phạm Ngọc Giao bắt đầu câu chuyện về cái Tết của gia đình mình trong những năm 40, 50……
Món ăn đặc biệt ngày Tết của gia đình 'vua tàu thủy' Bạch Thái Bưởi
"Mặc dù giàu có, cao lương mĩ vị trên đời đều được nếm qua nhưng doanh nhân Bạch Thái Bưởi vẫn thích ăn những món như xôi dừa và mứt dừa" - bà Quế Hương chia sẻ.
Tuấn Chiêu Video: Lê Long