Mọi công ty chế tạo các phụ kiện PC như chuột, keyboard, quạt hay ổ cứng đều có các quy trình thử nghiệm thiết bị, nhưng hiếm khi người tiêu dùng có cơ hội chứng kiến quá trình này. Vì thế, khó mà hình dung được những phát biểu kiểu như: "Loại chuột này có tuổi thọ 2 triệu cú click" chính xác tới mức nào.
Logitech - hãng sản xuất thiết bị chơi game nói chung và chuột nổi tiếng nói riêng không chỉ đơn giản là thực hiện công việc thử nghiệm sản phẩm. Họ tra tấn chúng. Các phím bấm trên chuột được bấm liên tục 13 lần mỗi giây, 24 tiếng một ngày trong 2 tháng liên tục. Khi cần kiểm tra tầm hoạt động và khả năng định hướng của thiết bị thu tín hiệu không dây, họ đặt nó vào buồng tiêu âm để ngăn mọi tín hiệu nhiễu và đo đạc chính xác bức xạ của thiết bị. Với chuột chơi game G402 Hyperion Fury có khả năng nhận định chính xác tốc độ tới 450 inches một giây, các kĩ sư đã thiết kế một cánh tay lò xo để “quăng quật” nó.
Lần đầu tiên, một nhóm phóng viên tạp chí PC Gamer đã được mời tới trụ sở của Logitech tại Lausanne, Thụy Sĩ để tham quan các cơ sở thử nghiệm thiết bị. Dù có văn phòng trên toàn thế giới, nhưng đây mới là nơi diễn ra những quá trình thử nghiệm chặt chẽ nhất cho thiết bị chủ chốt của hãng: cảm biến chuột quang.
Sự hồi sinh của Logitech Gaming
Trong hàng năm trời Logitech thống lĩnh thị trường chuột chơi game, với MX518 được tiêu thụ tới 16.4 triệu đơn vị. Nhưng từ 2009 tới 2013, hãng hầu như không có đột phá gì khi những G500, G500s ra đời chỉ với cải tiến không đáng kể. So với những tên tuổi như Razer với Deathadder hay Steelseries với Sensei, Logitech như một người lính già khi mà sản phẩm chuột của hãng trong năm 2013 không khác biệt nhiều so với 8 năm trước đó.
Mọi việc thay đổi vào tháng 1 năm 2014 khi Logitech giới thiệu G502 Proteus Core với mẫu cảm biến hoàn toàn mới. Theo sau đó là G402 Hyperion Fury với sự kết hợp sáng tạo của cảm biến tốc độ và gia tốc nhằm đáp ứng những pha xử lý tốc độ cao của game thủ FPS. G302 Daedalus Prime được thiết kế thon gọn và những nút bấm nông phù hợp với game thủ MOBA cần click nhanh.
Với những thành tựu trên, Logitech đã dần dần chứng tỏ mình với các công ty khác về công nghệ chuột chơi game. Phòng thí nghiệm của Logitech tại Thụy Sĩ là minh chứng cho thực tế đó, vì mỗi một mẫu chuột mới ra đời sẽ kèm theo một loạt thiết bị thử nghiệm mới nhằm đẩy nó tới giới hạn cao nhất.
“Khi mua chuột chơi game, bạn sẽ thấy một vài thông số ghi trên vỏ hộp. Những thông số đó từ đâu mà ra? Từ nhà sản xuất. Vậy nhà sản xuất lấy chúng từ đâu? Từ chiếc máy này. Họ tới đây để thử nghiệm chúng, vì việc đó không thể làm ở nơi nào khác. Chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn.” Maxime Marini, giám đốc kĩ thuật cấp cao Logitech cho biết.
Thử nghiệm tốc độ di chuột với cánh tay lò xo
“Fusion Engine” của G402, chuột chơi game nhanh nhất thế giới, là sự kết hợp của hai loại cảm biến: Một chính xác ở tốc độ cao và một ở tốc độ thấp. Theo kĩ sư trưởng Francois Mourier, một cánh tay lò xo được thiết kết với mục đích đưa con chuột di chuyển với vận tốc cực lớn để đánh giá sự chuyển tiếp giữa hai loại cảm biến này khi sử dụng trong thực tế. Dù vậy, tốc độ tối đa 250, 280 inch/s mà cánh tay này tạo ra vẫn chưa đủ để đánh bại bộ cảm biến tốc độ cao, dẫn đến việc các kĩ sư Logitech phải chế tạo thêm một cánh tay khác nhanh hơn.
Thử nghiệm tốc độ di chuột với cánh tay khí nén
Nếu cánh tay đầu tiên có thể đạt tốc độ 280 inches/ giây, cánh tay khí nén có thể thử nghiệm G402 tại tốc độ 500 inches giây. Biểu đồ ở màn hình phía bên tay trái cho thấy độ chính xác của cảm biến giảm nhưng lại nhanh chóng phục hồi khi tốc độ thay đổi. Nhìn chung chú chuột chơi game này chắc chắn đủ sức chịu đựng những cú vẩy chuột thần thánh nhất của game thủ.
Thử nghiệm tốc độ, khả năng tăng tốc và độ trễ trên bề mặt với bàn xoay
Bàn xoay được thiết kế để thử nghiệm tốc độ tối đa, khả năng tăng tốc tối đa, độ trễ của chuột trên những bể mặt khác nhau. G502 được tích hợp chức năng tinh chỉnh cảm biến với mouse pad và mặt bàn. Khi được tinh chỉnh phù hợp với một bề mặt nhất định, nó có thể không hoạt động tốt trên những bề mặt khác, nhưng sẽ chính xác hơn ở tốc độ cao và giảm thiểu Lift Distance (khoảng cách nâng chuột mà cảm biến vẫn hoạt động).
Hoạt động trên kính
Mourier và cộng sự đã dành hàng tháng trời để phát triển một cảm biến có thể hoạt động trên bề mặt kính. Thiết bị được tạo ra cho chuột văn phòng, tuy không đạt được yêu cầu về tốc độ hay DPI của game thủ, dù vậy nó là bước tiến lớn cho những văn phòng với mặt bàn chủ yếu bằng kính.
Buồng tiêu âm
Logitech đã xây dựng một buồng tiêu âm để dành riêng cho việc phát triển chuột không dây. Nhằm tìm hiểu mô hình bức xạ của chuột và đảm bảo thiết bị vẫn giữ kết nối ở mọi vị trí, họ phải ngắt mọi tín hiệu nhiễu từ sóng radio và wifi. Những con chuột thử nghiệm sau đó sẽ được đặt trên cọc màu xanh trong hình để tiến hành phân tích.
Theo PCGamer