Cuối tháng 4 vừa qua, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lai Châu (Ban chỉ đạo) tổ chức họp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tại cuộc họp đã thông qua báo cáo kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2496/KH-UBND ngày 15/7/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó mục tiêu cụ thể: Công nhận thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên), công nhận thêm 16 xã đạt chuẩn NTM; công nhận 25% (114 thôn, bản) của 54 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn thôn, bản NTM theo bộ tiêu chí của tỉnh; không còn xã dưới 15 tiêu chí NTM, đạt bình quân 17,3 tiêu chí/xã; công nhận 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 7,4%, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020…

Nhớ lại hơn 10 năm trước (năm 2011), thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, điều kiện của tỉnh Lai Châu hết sức khó khăn: Tỷ lệ cứng hóa đường thôn bản là 5,64%, toàn tỉnh không có xã đạt chuẩn về giao thông; 3,85% trường học các cấp đạt chuẩn về cơ sở vật chất, chỉ có 02/93 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư; Sản phẩm chính trong sản xuất nông nghiệp: Có gần 3.000 ha chè, trong đó có khoảng 2.000 ha chè cỗi được trồng từ những năm 1968 - 1970; tổng sản lượng lương thực 196 nghìn tấn; thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 8,2 triệu đồng/hộ/năm; tiêu chí nông thôn mới đạt bình quân 2,88 tiêu chí/xã; số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 75 xã; tỷ lệ hộ nghèo là 48,74%.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh như: đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu đặc trưng và nguồn lao động tại địa phương; thời gian qua tỉnh Lai Châu đã chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung. Cụ thể: vùng sản xuất lúa hàng hóa 3.859 ha với các giống lúa chất lượng cao và đặc sản (Séng cù, PC6, Tẻ râu, J01, nếp tan Co Giàng,... ); 9.811 ha chè, 12.940 ha cao su; 3.594 ha mắc ca; 1.666 ha cây ăn quả các loại (xoài, chanh leo...); 4.433 ha quế,... tổng sản lượng lương thực đạt 225 nghìn tấn; đến nay toàn tỉnh có 204 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao của 89 chủ thể; trong đó có 13 sản phẩm 4 sao, 191 sản phẩm 3 sao.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 20,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 23,88%.

W-thuhoach.png
Nông dân huyện Tam Đường thu hoạch đào chín sớm

Một số tiêu chí về nông thôn mới đạt kết quả cao, như: Về giao thông toàn tỉnh có 5.978,31km đường giao thông, trong đó đường huyện 934,3km (cứng hoá 857,4km, đạt 91,77%), đường xã 2.144,11km (cứng hoá 1.367,11 km, đạt 63,76%), đường thôn bản và đường liên thôn bản 1.487,55 km (cứng hoá 1.134,38 km, đạt 76,26%) có 72/94 xã đạt tiêu chí; 91/94 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 87/94 xã đạt tiêu chí về điện; 61/94 xã đạt tiêu chí về trường học; 90/94 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 88/94 xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông...;

Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 13,6 tiêu chí/xã, có 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

So với thời điểm xuất phát thì các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Để đạt được kết quả như trên, tỉnh Lai Châu đã phải huy động, lồng ghép nguồn lực rất lớn từ các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình nông thôn mới, vốn bổ sung có mục tiêu của Trung ương, vốn thực hiện các đề án, nghị quyết của tỉnh và đặc biệt là từ nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư các dự án thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, đây là cơ hội để Tỉnh tổ chức sắp xếp dân cư, tổ chức sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn.

Như vậy, có thể khẳng định Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi căn bản diện mạo nông thôn của tỉnh, tạo sinh kế cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và giữ vững an ninh, trật tự xã hội khu vực nông thôn,...

 Với những kết quả đạt được trong thời gian qua chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu thực hiện ngày càng tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.