- PGS.TS Trần Thị Kim Đăng, Phó trưởng Bộ môn Đường bộ (Trường ĐH Giao thông vận tải) đã nhận định như vậy tại hội nghị tổng kết Đề án Đào tạo chương trình tiên tiến (CTTT) 2008 -2015 sáng 11/5.

Hiện đã có 12 trường ĐH và khoa thành viên tổ chức hội nghị tổng kết đào tạo CTTT gồm: Khoa CNTT (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế Huế, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Thủy lợi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH Giao thông vận tải. Rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai được các giảng viên đúc rút.

Là một trong những người đồng hành với CTTT từ ngày đầu - đến nay đã và đang đào tạo 8 khóa (từ khóa 49 đến khóa 56), bà Đăng nói đã từng "toát mồ hôi" trong phòng học trang bị điều hòa mát rượi chỉ vì nỗ lực nói liền 3 tiết dạy bằng tiếng Anh.

{keywords}
PGS.TS Trần Thị Kim Đăng

Tuy nhiên, thành quả mà những giảng viên nhận được ngoài thù lao cao hơn - là được nhìn thấy lứa "chuột bạch 49" đến lứa "hamster - chuột lang 50" và "chuột thuần chủng 51"- 3 lứa sinh viên CTTT ra trường. Trong số đó nhiều em đã làm việc cho công ty nước ngoài với mức lương cao - mà nhiều giảng viên không thể sánh nổi. Rất nhiều em năng động và mạnh dạn trong việc tìm kiếm học bổng....

Nhưng, qua 8 năm đồng hành với CTTT, bà Đăng cho rằng, CTTT chưa phải thực sự là chương trình "tiên tiến". Bởi theo bà, "tiên tiến" theo định nghĩa trong từ điển Tiếng Việt là "Ở vị trí hàng đầu, vượt hẳn trình độ chung".

"Xét nghĩa này, về tổng thể lớp CTTT đúng là chưa phải là "ở vị trí hàng đầu, vượt hẳn trình độ chung" - trừ về trình độ tiếng Anh" - bà Đăng quả quyết.

Để CTTT phát triển đúng nghĩa, bà Đăng đề xuất, cần có chính sách thu hút được sinh viên có đầu vào tốt. Trong tuyển sinh, cần có chiến lược dài hơi và yêu cầu về trình độ sinh viên phải tăng theo lộ trình. Chương trình đào tạo cần được duy trì định kỳ với sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan tuyển dụng trong và ngoài nước để thu thập và xử lý thông tin cho cải tiến chương trình...

Về đội ngũ giảng viên, theo bà Đăng, Khoa Đào tạo quốc tế cần tập trung xây dựng lực lượng từ các giảng viên trẻ và lựa chọn từ chính các sinh viên các lớp CTTT. Trình độ giỏi chỉ là một tiêu chí, tiêu chí quan trọng hơn đấy là người biết làm việc tập thể, cầu thị và đoàn kết. Đồng thời, hợp tác với các trường nước ngoài, các giáo sư nước ngoài của các trường nước ngoài để có đội ngũ "giáo sư thỉnh giảng" là điều cần làm. Cần có một hành lang pháp lý chính thức cho việc này.

Sinh viên theo học CTTT đã có hỗ trợ tốt về điều kiện phòng học, nhưng cần tốt hơn - đặc biệt là phòng tự học và thư viện. Song song với việc hỗ trợ tài liệu đào tạo, cần có hỗ trợ trong các hoạt động xã hội, không để các em tự bươn chải, tự mày mò tham gia theo cá nhân, theo nhóm tránh được các rủi ro không đáng có. ..

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Thủy lợi) kiến nghị, đối tượng sinh viên vào trường đa phần điều kiện kinh tế gia đình có hạn nên việc nâng cao học phó quá cao sẽ không phù hợp. Vì vậy, cần có sự tiếp tục đầu tư một phần từ nhà nước trong việc duy trì và phát triển các CTTT.

Với các trường khối kỹ thuật cần được hỗ trợ thêm từ nhà nước trong việc nâng cấp các trang thiết bị phòng thí nghiệm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo của các trường tiên tiến trên thế giới.

Nhiều hạn chế khó gỡ?

Ông Nguyễn Quang Tự, Phó trưởng Ban quản lý Đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, nhà trường được Bộ giáo đào tạo CTTT từ năm học 2006-2007. Tính đến nay, trong 2 CTTT có 867 sinh viên đã theo học (gồm 495 trong chương trình khoa học cây trồng và 372 trong chương trình Quản trị kinh doanh nông nghiệp) và đã có gần 500 sinh viên tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chiếm 20,37%.

{keywords}
Ảnh LAD

Khảo sát kết quả sinh viên tốt nghiệp thuộc các CTTT có 32% cho biết họ xin được việc làm chỉ 1 tháng sau khi ra trường, 28% xin được việc trong thời gian từ 1-3 tháng. Số còn lại xin được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp từ 3-6 tháng. Nhiều sinh viên ra trường tiếp tục chương trình thạc sĩ tại nước ngoài...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Tự cho biết, công tác tuyển sinh gặp khó khăn vì nhiều sinh viên và gia đình sinh viên chưa thực sự hiểu và biết nhiều về các CTTT. "Số sinh viên quốc tế theo học CTTT ở học viện chưa nhiều" - ông Tự nhìn nhận.

Tương tự, số sinh viên nước ngoài theo học CTTT ở Trường ĐH Giao thông vận tải từ học kỳ 2 năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016 có 12 sinh viên đến từ Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Pháp.

Một khó khăn mà các trường đều đối mặt là ý thức học tập của sinh viên còn hạn chế, vẫn còn nặng về thi cử. Ông Tự cho hay, ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam số lượng sinh viên các CTTT ít nên khó triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ. Trình độ tiếng Anh của một số giảng viên Việt Nam còn chưa tốt, phát âm không chuẩn, kỹ năng diễn đạt bằng tiếng Anh còn hạn chế. Giáo trình nước ngoài khá đầy đủ, song chưa có các giáo trình của riêng chương trình.

Mặt khác, tiền học phí của sinh viên theo học hiện đang áp dụng cao gấp 1,5 lần đến 2 lần so với mức học phí bình thường. Với mức học phí hiện tại không đáp ứng được các chi phí giảng dạy và đào tạo. Bởi thù lao cho giảng dạy của các thầy cô trong chương trình chỉ gấp đôi so với chương trình thường trong khi để chuẩn bị bài giảng và giảng bài bằng tiếng Anh cần có sự đầu tư lớn.

Một khó khăn nữa được ông Tự đúc kết trong quá trình điều hành là, việc mời giảng viên nước ngoài sang giảng dạy rất khó, mà thù lao phải trả cao. Việc bố trí thời gian mời giảng viên nước ngoài  nhiều khi không đúng kế hoạch, khó mời trong toàn bộ cả kỳ. Các giảng viên nước ngoài chỉ sang giảng dạy theo đợt từ 2-3 tuần....

TS Nguyễn Văn Hựu, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, tới đây Bộ sẽ tổ chức hội nghị tổng kết về đào tạo CTTT để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất. Đồng thời, xem xét xây dựng một đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển tiếp các CTTT , chương trình kỹ sư Chất lượng cao và Chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (Pohe).

Sau 10 năm thực hiện đào tạo CTTT có 37 chương trình ở 24 trường ĐH Việt Nam liên kết với 24 trường ĐH quốc tế. Trong đó có 18 trường ĐH của Mỹ, 1 ĐH Anh, 1 ĐH Bỉ, 2 ĐH Úc và 2 ĐH Nga. 37 chương trình được chia 3 pha: Năm 2006 thí điểm đào tạo 10 chương trình. 2007 Bộ phê duyệt thêm 13 chương trình, 2008 thêm 12 chương trình. Và đến năm 2012 bổ sung thêm 2 chương trình cho Học viện Kỹ thuật quân sự liên kết với 2 trường ĐH của Nga.

  • Nguyễn Hiền

XEM THÊM: