“Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Trên tinh thần đó, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển các mô hình kinh tế giúp nông dân tăng thu nhập.
Đến nay, xã Lâm Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng NTM và đang trình thẩm định, công nhận xã NTM.
Chương trình NTM ở xã Lâm Sơn được người dân đồng lòng hưởng ứng tích cực. |
Trong xây dựng NTM, giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện bởi cần nguồn vốn đầu tư lớn. Để hoàn thành tiêu chí này, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ, qua đó, khơi dậy sức dân phát huy sức mạnh của tập thể đóng góp xây dựng các tuyến đường nông thôn như hiến đất, đóng góp kinh phí cùng nhà nước làm đường. Điển hình như tuyến đường thôn Lâm Phú nối liền thôn Lâm Bình, theo thiết kế, tuyến đường dài hơn 2km, rộng 6m, để thi công tuyến đường đúng kỹ thuật, phải lấn vào đất ven đường của các hộ dân từ 2-3m.
Được sự vận động của chính quyền địa phương, các hộ dân sống dọc hai bên đường đã tình nguyện hiến đất để tuyến đường đúng như thiết kế, thuận lợi cho việc đi lại. Hay như tuyến đường thôn Lâm Hòa dài hơn 300m, trước đây là đường đất đi lại khó khăn, người dân đã đóng góp kinh phí hơn 50 triệu đồng bê tông hóa tuyến đường...
Đến nay, 100% đường giao thông liên xã đã được nhựa hóa, trên 70% các tuyến đường trục thôn và đường liên thôn được bê tông và nâng cấp đáp ứng yêu cầu dân sinh và sản xuất, với diện tích đất thu hồi do nhân dân địa phương tự nguyện hiến trên 15.000 m2 và đóng góp kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Theo quan sát, trước đây đường trong thôn đi lại khó khăn, nhưng khi có chủ trương làm đường xây dựng NTM ai cũng vui mừng tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để cùng Nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đường làng ngõ xóm đã sạch đẹp, khang trang, đi lại thuận lợi, ai cũng phấn khởi.
Ngoài việc xây dựng đường giao thông nông thôn, các hộ dân cũng hưởng ứng tích cực trong việc đóng góp hàng trăm ngày công tu sửa, nạo vét các kênh mương như: kênh 19/5, Bình Phú, Đồng Sình...
Nỗ lực nâng cao thu thập người dân
Hưởng khí hậu đặc trưng dưới chân đèo Ngoạn Mục vùng tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, xã Lâm Sơn tập trung phát triển mô hình trồng cây ăn trái, với diện tích hiện nay hơn 800ha.
Từ ưu đãi này, Lâm Sơn đã trở thành một miền quê du lịch trù phú với hơn 400ha diện tích chuyên canh vùng trồng cây ăn trái chủ lực cho giá trị kinh tế cao như bưởi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... Vào mỗi mùa thu hoạch, hơn 5.000 lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mang về nguồn thu nhập cao cho bà con từ mô hình du lịch vườn.
Song song với việc phát triển cây ăn trái, việc tuyên truyền, vận động bà con áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa, giúp tăng thu nhập từ 4 triệu đồng/ha, xã còn tạo điều kiện cho hộ gia đình dồn điền đổi thửa, từ những diện tích nhỏ thành những diện tích lớn, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm các thiết bị nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa vào sản xuất.
Mô hình phát triển kinh tế tập thể của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân đã thành công trong việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả chuyển sang tham gia trồng ớt Hàn Quốc. Giờ đây với diện tích hiện nay gần 20ha, được HTX thu mua với giá 11.000 đồng/kg, có đầu ra giúp bà con yên tâm sản xuất và đem về nguồn thu nhập ổn định.
Để bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn vốn sản xuất, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình 135, dự án giảm nghèo... xã đã triển khai các chương trình hỗ trợ giống, phân bón cho 240 hộ nghèo trồng bắp lai; xây dựng mô hình chăn nuôi bò cho các hộ gia đình trên 50 con ở các thôn Tầm Ngân, Gòn và Lập Lá. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tập trung các ngành chăn nuôi, trồng trọt; phối hợp giới thiệu, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động ở các --thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt hơn 38 triệu đồng/người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,78%.
Được biết việc xã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng NTM và đang chờ thẩm định của hội đồng huyện là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Kết quả này có được là nhờ Lâm Sơn đã xây dựng NTM trên tinh thần không chạy theo thành tích, mà lấy việc nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân là mục tiêu xuyên suốt.
Diệu Bình
Ảnh: Bình Minh