Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát tại địa bàn
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, các địa phương đã chỉ đạo triển khai xây dựng và bố trí nguồn lực triển khai Kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Qua công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình chấp hành các quy định về quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; phát huy những kết quả tích cực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tồn tại, hạn chế phát sinh để đảm bảo thực hiện Chương trình có hiệu quả, đúng mục tiêu, tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Đến nay, Uỷ ban MTTQVN của 49 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình 1719 cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát Chương trình. Về nội dung, chủ yếu tập trung vào giám sát công tác triển khai thực hiện; giám sát việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng; giám sát phân bổ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình.
Tiêu biểu cho nội dung hoạt động này là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hoá, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Cao Bằng.
Sáng 30/11, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội do bà Nguyễn Thị Kim Dung- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn huyện Quốc Oai.
Trước khi vào buổi giám sát, đoàn đã đi giám sát thực tế một số dự án, công trình xây dựng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đông Xuân và Phú Mãn.
Hiện nay trên địa bàn Huyện Quốc Oai có 2 xã dân tộc miền núi là Đông Xuân và Phú Mãn, trong đó dân số người Mường chiếm 83%. Những năm qua, được sự quan tâm của Thành phố, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc có nhiều khởi sắc, các phong trào hành động, thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội,... mang lại hiệu quả thiết thực, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ngày càng được phát huy; dân chủ ngày càng mở rộng.
Năm 2017, 2 xã miền núi Đông Xuân, Phú Mãn đã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã Đông Xuân và Phú Mãn đạt 69 triệu đồng/người/năm, đến nay 2 xã không còn hộ nghèo. Tỷ lệ thôn làng được công nhận danh hiệu văn hóa của 2 xã đạt 95%; làm tốt công tác bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, cồng chiêng dân gian Mường, đến nay, 100% thôn có nhà văn hóa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện Quốc Oai quan tâm thực hiện.
Giai đoạn 2021- 2030, 2 xã đồng bào dân tộc đã được đầu tư 241,5 tỷ đồng để xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa xã hội. Tính đến 31/10 đã có 17/21 dự án đã hoàn thành thi công xây dựng, có 03/21 đang thi công xây dựng; 01 dự án đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh dự án (trường Mầm non Đông Xuân). Ước thực hiện đến hết ngày 31/12 sẽ giải ngân nguồn vốn đạt hơn 214, 3 tỷ đồng, đạt trên 89% kế hoạch.
Công tác giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã được UBND huyện phối hợp với Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc các cấp được thực hiện thường xuyên. Giai đoạn 2021-2030, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn huyện đã tham gia giám sát 20 công trình, dự án.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Kim Dung- phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội- ghi nhận và đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai thực hiện các Đề án, nội dung của chương trình MTQG ở đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quốc Oai.
Nhờ thực hiện tốt chương trình bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa giúp cho đồng bào các DTTS còn khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố đề nghị huyện Quốc Oai tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, mục đích, mục tiêu của chương trình; chú trọng tập huấn, chuyên môn, nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ đảm nhận thực hiện chương trình; bán sát các nguyên tắc, quy định, quy trình lập kế hoạch, điều chỉnh, điều tiết, triển khai các nội dung chương trình phải đảm bảo công khai, minh bạch; quan tâm chú trọng phân bổ đúng đối tượng, quản lý nguồn lực đúng thẩm quyền quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Quốc Oai đạt hiệu quả cao nhất.
Kinh nghiệm từ kết quả giám sát tối cao
Tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, Cần nghiêm túc quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, rõ ràng các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, bám sát thực tiễn để bảo đảm nội dung của Nghị quyết được thể chế hóa đầy đủ ngay từ khi xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, công tác điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện.
Thứ hai, Phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự chủ động, trách nhiệm của cơ quan điều hành, thực thi là yếu tố then chốt để đạt kết quả Chương trình. Khắc phục cho được tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Thứ ba, Phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của Nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng Chương trình. Đây là yêu tố then chốt để quyết định sự thành công, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ tư, Để có chính sách phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn, quyết định các danh mục dự án, tiểu dự án cụ thể. Các cơ quan trung ương ban hành chính sách khung, giao chỉ tiêu cụ thể cho địa phương và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá phù hợp, hiệu quả.