Hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại điểm cầu Bình Định tham dự hội nghị có lãnh đạo các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39 nghìn tỷ đồng cho 19 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung và vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình trên toàn quốc.
Trong năm 2023, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là hơn 17.820 tỷ đồng. 17/19 địa phương trong vùng đã bố trí ngân sách địa phương hơn 6.246 tỷ đồng. Kết quả giải ngân của 19 địa phương từ đầu năm đến nay là hơn 2.055 tỷ đồng, đạt 21,67% thấp hơn 6,53% so trung bình cả nước. Lũy kế thanh toán vốn kéo dài các năm trước chuyển sang là 1.917,560 tỷ đồng, đạt 41%, ngang bằng với trung bình giải ngân vốn kéo dài của cả nước.
Theo đánh giá, các địa phương trong vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung và vùng Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (đạt so mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung giảm từ 12,02% xuống còn 10,04%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Tây Nguyên giảm từ 17,52% xuống còn 15,39%. Toàn vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung và vùng Tây Nguyên có 1.922/2.751 xã (69,86%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,86% so với đầu giai đoạn).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc; kết quả giải ngân vốn chưa cao; việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế; một số chỉ tiêu giao chưa phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương.
Các chương trình được phê duyệt và quy định tỷ lệ vốn đối ứng sau thời điểm quyết định kế hoạch vốn trung hạn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của địa phương. Do đó, việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định khó bảo đảm.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là việc chậm phân bổ vốn thực hiện làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; một số bộ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình dẫn đến các địa phương lúng túng, khó khăn trong triển khai… Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất nhiều điểm vướng nên cho đến nay tiến độ thực hiện của vùng còn quá thấp. Thời gian tới cần phải chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch.
Các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang lo cho người nghèo, người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số - đây là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Nhấn mạnh trong điều kiện hết sức ngặt nghèo về thời gian, khó về triển khai thực hiện và trong tâm thế nhiều địa phương chưa sẵn sàng lắm với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng biết Trung ương sẽ tiếp tục sửa và hướng dẫn nhanh nhất có thể những nội dung còn vướng mắc, cơ bản là trong Quý III.
Đối với các Bộ ngành liên quan cùng các địa phương, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu phải áp dụng phương châm trách nhiệm, tích cực, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong triển khai hiệu quả các nội dung của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành chủ trì các chương trình này cần có sự kết nối tốt hơn với các địa phương để lắng nghe những ý kiến còn vướng mắc. Và ngược lại, các địa phương cái gì vướng thì phải hỏi ngay, kể cả hỏi Phó Thủ tướng.