Bình đẳng giới được coi là một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển bền vững. Từ năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 được triển khai thực hiện. Chương trình gồm 10 dự án, trong đó có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Phú Yên hiện có hơn 60 nghìn người là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại huyện Sơn Hòa, theo thống kê tại xã Krông Pa từ năm 2017-2022, trên địa bàn xã có 30 trường hợp tảo hôn, chủ yếu ở đồng bào DTTS.
Thực hiện Đề án 498 giai đoạn II (2021-2025) và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Phú Yên cũng đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình Phòng chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình..., từng bước xóa bỏ các tập quán lạc hậu.
Ngoài các chương trình tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã lồng ghép các kiến thức về hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản trong các buổi chiếu phim lưu động để người dân nắm bắt và thực hiện, qua đó góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thời gian tới, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, lồng ghép nội dung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tiến tới xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn tỉnh.
Những hoạt động này đem đến hiệu quả rõ rệt khi nhận thức người dân được tăng lên.
Vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2021 – 2025 có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện 30a.
Trong giai đoạn II của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Tiểu Dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, công tác tuyên truyền, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả. Quá trình triển khai đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Từ năm 2022 đến 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 247 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện của các huyện vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 663 đại biểu là cán bộ thôn bản, người có uy tín và người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn bản đồng bào dân tộc Mông của 4 huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc Thanh Hóa tỉnh còn thực hiện biên soạn, phát hành các sản phẩm truyền thông tuyên truyền thực hiện Đề án và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn bản vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Số lượng cấp phát gồm: 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích, 44.970 tờ gấp. Đặc biệt, khi thực hiện Đề án 498 giai đoạn II (2021 – 2025), từ năm 2021 đến 2023, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 2.883 triệu đồng từ ngân sách tỉnh để triển khai các nội dung hoạt động của Đề án. Trong giai đoạn 2021 – 2023, các ngành, các huyện cũng đã đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền thực hiện Đề án 498 và Tiểu Dự án 9.2, mang lại những hiệu quả tích cực. Nhờ đó, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn các huyện vùng DTTS và miền núi của tỉnh có xu hướng giảm dần. Nhiều huyện không còn tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Thực hiện Tiểu dự án 9.2 “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Năm 2022, toàn tỉnh đã mở 41 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 1.230 học viên.
Năm 2023, tỉnh Lai Châu đã biên soạn, in ấn và cấp phát hành với tổng số 30.001 tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền chung tay phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức 50 hội nghị tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 2.911 học viên là người dân tại các bản có tỷ lệ tảo hôn cao trên địa bàn tỉnh; đưa 2 đoàn đại biểu cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lai Châu đi giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tỉnh Lai Châu cũng đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại các địa phương. Do đó, trong năm 2022, tỉnh cũng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, lồng ghép kiểm tra việc thực hiện tiểu dự án 9.2 tại cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua kiểm tra tại các xã, thị trấn đã kịp thời hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp để việc triển khai tiểu dự án 9.2 trên địa bàn toàn tỉnh đạt hiệu quả.
Những dẫn chứng trên cho thấy, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, cùng với những thành tựu đáng kể trong sự phát triển về phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng đã tạo ra những tác động tích cực cho công tác bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và cũng tạo ra những chuyển biến nhất định từ kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sớm đạt mục tiêu đề ra.