Theo ông vũ Thành Long, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan. Chương trình dựa trên việc phát huy sự sáng tạo của người dân từ nền tảng gốc là những sản phẩm mang thế mạnh ở địa phương, từ đó tạo ra những sản phẩm mới.

OCOP tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, thông qua đó, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và hướng tới mục tiêu phát triển một cách bền vững.

Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai chương trình này từ cuối năm 2013. Tới năm 2016, tỉnh này đã có 35 sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường.

{keywords}
Gà Tiên Yên - Một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của Quảng Ninh 

Sau 6 năm triển khai, tính tới nay, tổng số sản phẩm trong chu trình OCOP của Quảng Ninh là 421 sản phẩm tới từ 167 tổ chức OCOP (bao gồm doạnh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể). Trong đó, có 196 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, có đủ mặt ở 6/6 lĩnh vực ngành hàng.

Quảng Ninh hiện cũng đã xây dựng ra bộ sản phẩm OCOP chủ lực với 31 sản phẩm chủ lực cấp huyện, 12 sản phẩm được xác định xây dựng thành sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP chủ lực cấp quốc gia.

Các sản phẩm OCOP chủ lực của Quảng Ninh bao gồm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ba kích và các sản phẩm từ ba kích; chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; hàu và các sản phẩm từ hàu.

Cùng với đó, có thể kể tên một số sản phẩm chủ lực khác như miến dong Bình Liêu; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái; trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng; gà Tiên Yên và các sản phẩm từ gà Tiên Yên.

“Điểm đáng mừng sau 6 năm triển khai chương trình OCOP tại Quảng Ninh là nhận thức của cộng đồng, bao gồm người tham gia sản xuất sản phẩm và người tiêu thụ sản phẩm đều có sự thay đổi tích cực”, ông Long nhấn mạnh.

Cụ thể, người dân Quảng Ninh, nhất là người dân vùng nông thôn đều hăng hái tham gia vào chương trình OCOP. Người tiêu dùng cũng rất mong ngóng có sản phẩm để mua khi các hội chợ OCOP được tổ chức đều thu hút rất đông người dân và khách du lịch tham dự.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” từ khi được đưa vào triển khai đã góp phần gia tăng đáng kể thu nhập cho người dân vùng nông thôn Quảng Ninh. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn Quảng Ninh là 10.98 triệu đồng/người/năm thì tới 2018, con số này đã lên tới 38.5 triệu đồng/người/năm. Dự kiến trong năm 2019, con số này sẽ lên tới khoảng 41.2 triệu đồng/người/năm.

“Chỉ sau 9 năm, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn Quảng Ninh tăng thêm hơn 30 triệu đồng/người/năm. Có thể khẳng định rằng, sự gia tăng vượt bậc này một phần lớn là nhờ thành công của chương trình OCOP”, ông Vũ Thành Long, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh khằng định.

{keywords}
Một cửa hàng OCOP tại thành phố Uông Bí - Quảng Ninh

Cũng theo ông Long, một thành công lớn khác của chương trình là giúp chuyển biến căn bản về tư duy, nhận thức sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Thay vì hoang hóa ruộng rất để làm các nghề khác, ngày nay, người nông dân đã có thể đảm bảo cuộc sống, tích lũy, thậm chí làm giàu trên chính mảnh vườn, miếng ruộng của mình.

Chương trình cũng giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Từ thành công của mô hình OCOP ở Quảng Ninh, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước.

Bài: Đỗ Thị Thúy Nga - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV