- GS Nguyễn Minh Thuyết, người vừa được bổ nhiệm làm Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) trao đổi với VietNamNet về diện mạo của GDPT thời gian tới.
8 phẩm chất chính, 8 năng lực cốt lõi
Thưa GS, so với Dự thảo CT GDPT tổng thể mà Bộ GDĐT giới thiệu hồi tháng 8/2015, chương trình sắp tới sẽ có thay đổi gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Dự thảo mới của CT GDPT vẫn kế thừa những ưu điểm của Dự thảo năm 2015 như: mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; kế hoạch dạy học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở (THCS); một hoạt động giáo dục vốn là điểm nhấn của Dự thảo năm 2015 – hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Một học sinh Việt Nam sau khi hoàn thành CT GDPT sắp tới đây sẽ có “hình hài” ra sao?
Đây là câu hỏi rất hay vì nó hỏi trúng vào vấn đề cốt tử của CT.
Chúng ta có xác định được “chân dung” mong đợi của người công dân mà nhà trường phổ thông sẽ đào tạo ra thì mới xác định được nhà trường cần dạy họ những gì, bằng cách nào và cần tổ chức công tác quản lý, công tác đánh giá kết quả học tập ra sao.
Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT đã quy định: “Mục tiêu GDPT là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.” Để thực hiện mục tiêu này, GDPT cần “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”.
Đó là những căn cứ để xác định “chân dung” người công dân mới, hay nói một cách giản dị hơn như lời văn của Nghị quyết 88 là xác định những yêu cầu cần đạt được về phẩm chất, năng lực của học sinh.
Theo dự thảo mới của CT tổng thể, GDPT cần hình thành, phát triển ở học sinh 8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi.
Tám phẩm chất chính là: Nhân ái - Khoan dung, Chuyên cần - Tiết kiệm, Trách nhiệm - Kỷ luật, Trung thực - Dũng cảm.
Những từ ngữ này đều quen thuộc, dễ nhớ với người Việt, nhưng có nội hàm mới.
Ví dụ, khoan dung không phải chỉ là biết tha thứ mà còn là biết tôn trọng sự khác biệt; tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm tài sản, tiền bạc cá nhân, mà còn là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên,... để bảo đảm phát triển bền vững. Dũng cảm không chỉ là gan góc trong chiến đấu mà còn là dũng cảm trong nhận thức, tức là có tư duy phản biện, và dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải.
Tám năng lực cốt lõi nêu trong dự thảo CT tổng thể là những năng lực mà bất kỳ người nào cũng cần có để sống và làm việc.
Trước hết là ba năng lực chung mà môn học và hoạt động giáo dục nào cũng cần và có thể hình thành, phát triển cho học sinh, gồm: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác và năng lực sáng tạo. Năng lực tự chủ được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với bản thân. Năng lực hợp tác được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với người khác. Năng lực sáng tạo được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với công việc.
Nhóm thứ hai là những năng lực đặc thù do một hoặc một vài môn học kiến tạo thành, bao gồm: năng lực sử dụng ngôn ngữ (gắn với các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ), năng lực thẩm mỹ (gắn với các môn Nghệ thuật), năng lực tính toán (gắn với Toán và các môn khoa học tự nhiên), năng lực tin học và năng lực thể chất.
Bên cạnh các năng lực cốt lõi, dự thảo CT tổng thể cũng khẳng định nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng lực chuyên biệt nhất định (năng khiếu).
Thưa ông, vậy kế hoạch dạy học sẽ thay đổi ra sao?
So với Dự thảo 2015, dự thảo lần này đã chọn được giải pháp phù hợp với mỗi giai đoạn giáo dục - giai đoạn giáo dục cơ bản (các cấp tiểu học, THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông - THPT).
Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định: “Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho HS tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.”
Ở Dự thảo 2015, kế hoạch dạy học của giai đoạn định hướng nghề nghiệp vẫn như chương trình hiện hành, tức là học sinh vẫn phải học rất nhiều môn. Như vậy vừa quá tải, vừa không học được sâu.
Theo dự thảo mới, cấp tiểu học và THCS thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp; còn THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn.
Trừ lớp 10 là lớp dự hướng, phải học đầy đủ các môn, từ lớp 11, học sinh được chọn học những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích, sở trường của mình.
CT quy định mỗi học sinh chọn tối thiểu 5 môn học với điều kiện tổng số giờ học 5 môn đó không thấp hơn 20 tiết/tuần.
Ví dụ, một học sinh dự định theo đuổi ngành Luật có thể chọn các môn phục vụ cho nghề nghiệp tương lai như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Ngữ văn, Ngoại ngữ; ngoài ra, có thể chọn thêm hai môn khác, chẳng hạn: Toán, Thời trang.
Môn Toán kết hợp với Ngữ văn và Ngoại ngữ có thể tạo điều kiện cho học sinh đó chuyển đổi định hướng nghề nghiệp ban đầu, nếu muốn. Còn Thời trang kết hợp với Ngoại ngữ, Giáo dục kinh tế và pháp luật có thể giúp học sinh khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu không trúng tuyển hoặc không có nguyện vọng vào đại học.
Ý tưởng này có lãng mạn không, thưa giáo sư? Các trường học sẽ tổ chức dạy học ra sao?
Việc tự chọn môn học cần có sự tư vấn của nhà trường và gia đình.
Đồng thời, CT vẫn đảm bảo cho các trường quyền sắp xếp tổ hợp các môn học phù hợp với điều kiện của mình.
CT cũng dành quyền cho học sinh được học ở trường khác những môn học mà trường mình không bố trí dạy được. Kết quả học ở trường khác được công nhận, ghi vào học bạ.
Chúng tôi cũng đã thử khảo sát qua mạng nguyện vọng của 2.749 học sinh 5 trường trung học phổ thông ở Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên xem học sinh chọn tổ hợp môn học như thế nào thì thấy kết quả tổ hợp môn khá “chụm”.
Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu đây mới chỉ là một thử nghiệm. Để có kết quả chắc chắn hơn, sắp tới sẽ phải thực hiện khảo sát trong cả nước và không chỉ khảo sát nguyện vọng của học sinh mà còn phải khảo sát ý kiến của các thầy, cô hiệu trưởng về khả năng sắp xếp thời khóa biểu.
Sẽ thiếu giáo viên nghệ thuật
Cho phép học sinh tự chọn môn học, liệu có xảy ra hiện tượng dư thừa giáo viên một số môn; và nếu có hiện tượng đó thì sẽ giải quyết như thế nào?
Số liệu khảo sát ban đầu cho thấy việc chọn môn học của học sinh không đến mức quá chênh lệch.
Vả lại, CT đã bố trí một năm lớp 10 làm năm dự hướng, học sinh học đều tất cả các môn nên chuyện dư thừa giáo viên khó xảy ra.
Ngược lại, tôi đang lo thiếu giáo viên, nếu đưa các môn nghệ thuật vào dạy ở THPT. Bởi vì hiện nay các trường THPT không có giáo viên dạy những môn này. Chỉ cần bổ sung mỗi trường một giáo viên Mỹ thuật và một giáo viên Âm nhạc thì số giáo viên cần bổ sung cũng đã lên tới khoảng 6.000 người.
Nhưng nếu đổi mới CT GDPT mà chỉ giới hạn trong phạm vi sắp xếp 8 môn học Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ thì điều đó chưa đáp ứng được định hướng nghề nghiệp của học sinh và khó có thể nói đó là đổi mới căn bản và toàn diện
Dĩ nhiên, trước mắt có thể áp dụng biện pháp mời giảng viên các trường mỹ thuật, âm nhạc đến dạy theo hình thức hợp đồng. Nhưng về lâu về dài thì Nhà nước có trách nhiệm giải quyết vấn đề này.
Chương trình lần này đã giải quyết như thế nào sau các tranh luận về tích hợp và sự độc lập của các môn học truyền thống?
Việc tích hợp chỉ thực hiện ở tiểu học và THCS. Ví dụ, ở các lớp 1, 2, 3, học sinh được trang bị kiến thức ban đầu về tự nhiên và xã hội thông qua môn Cuộc sống quanh ta. Ở các lớp 4, 5, Cuộc sống quanh ta được tách thành hai môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội. Ở THCS, CT giáo dục duy trì hai môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Còn lên THPT thì tất cả các môn học đều là môn độc lập, ví dụ: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục kinh tế và xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật,...
Điều này phù hợp với quy định của Nghị quyết 88: “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”.
Giáo viên được tự chủ đến đâu?
Chương trình tổng thể này có mối quan hệ như thế nào với CT nhà trường, SGK và sự tự chủ về nội dung, phương pháp của giáo viên khi giảng dạy?
CT GDPT gồm thời gian dành cho các nội dung học tập chung của cả nước (CT quốc gia) và thời gian dành cho nội dung giáo dục của địa phương (CT địa phương).
Ở tiểu học, thời lượng dành cho CT quốc gia là 4.515 tiết, thời lượng tối thiểu dành cho CT địa phương là 1.015 tiết. Ở THCS, tỷ lệ này 3.640 tiết/420 tiết. Ở THPT, tỷ lệ là 910/105 tiết.
CT tổng thể chỉ quy định các môn học, nội dung các môn và tổng số giờ trong năm của môn học. Nhà trường được quyền chủ động sắp xếp thời khóa biểu từng tuần.
Một điểm mới nữa của CT GDPT lần này là giao hẳn các môn học tự chọn ở tiểu học, THCS và các hoạt động giáo dục về CT địa phương, ví dụ: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động Tự học có hướng dẫn.
Ngoài ra, CT địa phương còn 2 tuần để triển khai một số nội dung giáo dục khác theo CT được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua và Bộ GDĐT phê duyệt.
Còn việc biên soạn SGK và dạy học phải dựa trên các quy định của CT tổng thể và CT môn học.
Tuy vậy, nếu ví CT như một đề cương kịch bản phim thì SGK là kịch bản, còn hoạt động dạy học giống như diễn xuất của diễn viên và sự sáng tạo của những người phụ trách quay phim, ánh sáng, âm thanh, trang phục,...
Học sinh được tự chọn môn học, vậy giáo viên có được tự chọn sách giáo khoa?
Tôi chỉ là Tổng chủ biên CT; còn việc biên soạn và tổ chức biên soạn, lựa chọn SGK là nhiệm vụ của những người khác. Nhưng theo những gì tôi biết thì trên cơ sở ý kiến của giáo viên từng môn học, có tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh và học sinh, hội đồng sư phạm nhà trường sẽ quyết định việc chọn SGK.
Tháng 9/2017 sẽ hoàn thành chương trình môn học
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa đã phải triển khai CT mới, nhưng hiện tại mới hoàn thành dự thảo CT tổng thể; chưa xây dựng các CT môn học, chưa có quy chế đăng ký biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK v..v.. Vậy liệu Bộ GD-ĐT có thực hiện được đúng thời hạn đã quy định không, và nếu cố gắng tăng tốc để thực hiện cho bằng được thì có rơi vào tình trạng “dục tốc bất đạt” không, thưa GS?
Tháng 8/2015, Bộ GD-ĐT đã giới thiệu dự thảo CT GDPT tổng thể. Nhưng việc hoàn thiện dự thảo này chưa thể làm ngay vì nó phụ thuộc vào 2 điều kiện.
Một là, phải xác định được cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì mới có cơ sở để hoàn thiện dự thảo CT. Như chúng ta đã biết, ngày 4/11/2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân này mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, việc xây dựng CT GDPT sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Ngày 8/8/2016 Hiệp định Hỗ trợ Dự án Đổi mới GDPT giữa Chính phủ ta với Ngân hàng Thế giới mới chính thức có hiệu lực.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các trường ĐH sư phạm, các trường ĐH có khoa sư phạm và các sở GDĐT đề nghị giới thiệu ứng viên tham gia xây dựng CT GDPT và Hội đồng Quốc gia Thẩm định CT GDPT.
Trên cơ sở danh sách ứng viên gửi về, Ban quản lý Dự án và các cơ quan của Bộ đã và đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện tuyển chọn chuyên gia theo quy định về xét thầu quốc tế. Quá trình tuyển chọn diễn ra kỹ càng nên khá chậm chạp.
Dự kiến cuối tháng 01/2017 mới chọn xong Chủ biên các CT môn học và cuối tháng 2/2017 mới chọn xong những thành viên còn lại của các ban xây dựng CT môn học.
Theo kế hoạch tôi đã trình Bộ, tháng 9 năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành các CT môn học.
Trong quá trình soạn thảo các CT môn học, sẽ phải xây dựng đề cương SGK và viết một số bài để dạy thực nghiệm. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn và một vài cuốn SGK khác có thể kịp hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Nhưng những điều tôi nói trên mới là dự kiến. Chúng tôi nhận thức đổi mới GDPT nói chung và xây dựng CT, biên soạn SGK GDPT nói riêng là việc rất hệ trọng. Những công việc này cần phải được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đạt chất lượng tốt nhất.
Vì vậy, hoàn thành công việc đúng tiến độ là tốt, nhưng nếu cần thêm thời gian để làm cho chắc thì cũng phải chấp nhận.
Xin cảm ơn giáo sư!
Hạ Anh - Thanh Hùng (Thực hiện)