Clip: Chuối ngự làng Đại Hoàng cháy hàng dịp Tết.
Gọi là chuối ngự vì xưa kia là chuối tiến vua, món ăn tráng miệng sau khi ngự thiện.
Chuối ngự được trồng tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam), từng là sản vật dùng để tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự. Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý cho khu vực các xã Hòa Hậu, Tiến Thắng. Chỉ còn hơn 1 tuần lễ nữa là đến tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều người “săn” chuối ngự “tiến vua” nên loại chuối này trở nên đắt giá, cháy hàng, đến thời điểm này gần như không còn hộ gia đình nào còn chuối để bán.
Gia đình ông Trần Văn Hưng, hiện có hơn 2 sào trồng chuối ngự cho biết, chuối ở đây có hương vị thơm ngon, mã đẹp nên nhiều người tìm mua để đặt lên mâm ngũ quả ngày Tết hoặc mang đi biếu người thân, họ hàng. Chia sẻ với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Hưng cho biết, "năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là nườm nượp xe ô tô, xe máy vào làng thu mua chuối".
Vào thời điểm trước Tết, chuối ngự Đại Hoàng trở thành "hàng hiếm", vì thế các thương lái phải đi thu mua ở các vùng lân cận. Để có hàng bán Tết, nhiều thương lái đã đi đặt hàng từ nhà dân từ lúc chuối ngự Đại Hoàng còn xanh, vẫn "treo" ở trên cây.
Giá chuối bình thường khoảng 20-30 nghìn đồng/nải, nhưng sát Tết giá tăng lên vài lần, thậm chí lên đến cả trăm nghìn đồng mỗi nải. Vì thế, một buồng chuối đẹp vào dịp Tết có giá lên đến cả triệu đồng.
Ông Hưng cho biết thêm, chuối ở Đại Hoàng không chỉ ăn thơm ngon mà cách giấm chuối cũng rất an toàn. Người dân không dùng hoá chất, mà chỉ dùng trấu và tro "sưởi ấm" cho chuối chín. Chuối khi chín vỏ mỏng, ruột vàng, ăn ngọt dịu.
Gia đình ông Trần Văn Năm, ở thôn Đại Hoàng chia sẻ với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, "gia đình tôi trồng 3 sào chuối, nhưng trước Tết cả tháng rất nhiều thương lái đến hỏi mua, đặt hàng, mặc dù nhiều người đến hỏi mua nhưng không có để bán. Năm nay thời tiết nóng nên chuối có mẫu mã đẹp đều rất ít, mọi người tranh nhau mua".
Theo ông Năm, thời gian trồng chuối Ngự hợp nhất khoảng từ giữa đến cuối mùa xuân, sau một năm là có quả. Thời gian đầu phải thường xuyên giữ độ ẩm cho cây, sau một tháng khi cây bén rễ mới tưới phân. Ngày trước chỉ có phân bắc, phân chuồng, bây giờ có thêm phân vi sinh, phân lân trộn với bùn ao để bón.
Theo kinh nghiệm của người dân Đại Hoàng, khi chuối đang thì con gái (chưa mang buồng) phải đóng cọc tre bên cạnh để chống giữ vì nếu khi mang buồng mới trồng cột đỡ thì cây sẽ bị "chột". Khi chuối Ngự trổ buồng phải lấy những tấm áo cũ mà trùm lên nó để tránh cho khỏi sương sa nắng gắt.
Ngày nay, chuối Ngự đã trở thành món quà quý đối với du khách thập phương mỗi khi ghé thăm mảnh đất này. Nải chuối Ngự được coi là ngon phải hội tụ đủ cả các yêu cầu về hình, về hương, về sắc. Hình quả nhỏ, thon đều, vỏ chuối mỏng, mỡ màng, sắc vàng rộm tự nhiên, hương thơm dịu nhẹ và nhất thiết mỗi đầu núm chuối vẫn giữ nguyên được cọng râu dài.
Chuối Ngự quả chỉ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng tang, nuột nà, ruột vàng ươm, ăn vào ngọt dịu, thơm nức mũi.
(Theo Dân Việt)