Chuối hột mồ côi Phước Bình, giống chuối quý có tiềm năng về dược liệu được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn đưa vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân vùng cao.
Tại Ninh Thuận, giống chuối mồ côi (còn gọi là chuối cô đơn) phân bố chủ yếu tại khu vực xã Phước Bình, huyện miền núi Bác Ái.
Hạt chuối Mồ côi đã đóng gói thành phẩm cung cấp cho thị trường. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Khác với giống chuối thường, giống chuối mồ côi có đặc điểm chỉ tái sinh bằng hạt, từ khi nảy mầm đến trổ buồng chỉ duy nhất có một thân cây già rồi chết, cây cao từ 3-5 mét, gốc phình to, hoa màu xanh cốm nở tựa như hoa sen.
Mỗi cây chuối mồ côi cho một buồng duy nhất, buồng lớn có 8-10 nải, buồng nhỏ 6-7 nải, mỗi nải gồm 13-15 quả, hạt to gấp 1,5-2 lần so với chuối hột rừng thông thường.
Một buồng có thể thu được từ 4-6 kg hạt, hạt chuối màu đen, rốn lõm sâu, khi đập vỡ lớp vỏ hạt bên trong có chứa tinh thể bột màu trắng.
Ông Đa Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình cho biết, chuối mồ côi chủ yếu mọc tự nhiên trên núi cao và một phần được người dân trồng trên các sườn rẫy với diện tích khoảng 20ha.
Đây là giống chuối quý với nhiều công dụng chữa bệnh, được mệnh danh là “biệt dược” của đồng bào Raglai.
Các bộ phận trên cây chuối có tác dụng chữa một số bệnh như sỏi thận, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, giải nhiệt, trị kém ăn, mất ngủ, táo bón, cảm sốt và một số bệnh trẻ em.
Tùy vào bệnh cụ thể, bà con sắc lấy từng vị khác nhau trên cây chuối để chữa trị. Đặc biệt, đồng bào Raglai thu hoạch hạt chuối mồ côi phơi khô rồi đưa lên bếp sao vàng, sau đó cho vào bình ngâm với rượu gạo, uống sau mỗi bữa ăn để trị các chứng đau lưng, nhức mỏi xương khớp rất hiệu nghiệm.
Chuối mồ côi ngâm với rượu ủ lâu có màu vàng hổ phách, hương vị thơm mạnh đặc trưng, du khách rất thích thú khi thưởng thức loại rượu này mỗi khi lên du ngoạn ở Phước Bình.
Theo các nghiên cứu của Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, hạt chuối mồ côi Phước Bình chứa nhiều hợp chất như flavonoid, tannin, saponin, alkaloid, coumarin, anthraquinon, anthocyanosid, proanthocyanidin, triterpenoid...
Các hợp chất này có công dụng kháng viêm, kháng oxy hóa, giảm đau, giúp ngăn ngừa ung thư, bảo vệ gan, thận, chống đái tháo đường và hỗ trợ các bệnh lý về rối loạn lo âu, cung cấp nhiều dưỡng chất cho hệ thần kinh người sử dụng.
Nhận thấy giá trị y học và hiệu quả kinh tế của cây chuối mồ côi, nhiều cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh liên kết trồng, thu mua sản phẩm từ người dân.
Hoa chuối mồ côi Phước Bình. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng an toàn thực phẩm Phước Bình (huyện Bác Ái) cho hay, bình quân mỗi năm hợp tác xã thu mua từ xã viên và xuất bán từ 1,5-2 tấn chuối hột khô.
Hiện nay, trên thị trường chuối mồ côi Phước Bình được bán cả ở dạng hạt khô, quả tươi, quả ép khô, giá hạt dao động vào khoảng 130.000-300.000 đồng/kg.
Hạt chuối mồ côi được đánh giá có dược tính cao hơn chuối hột thông thường, chính vì thế giống chuối này đang được đánh giá có tiềm năng kinh tế cao để phát triển.
Hợp tác xã hiện đang đầu tư liên kết với các hộ dân mở rộng thêm diện tích trồng chuối mồ côi.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, chuối hột mồ côi Phước Bình đã được Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đánh giá đạt chuẩn 3 sao năm 2020 và có tiềm năng lớn để phát triển thành sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
Vừa qua, sản phẩm chuối hột mồ côi cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chuối hột mồ côi Phước Bình.” Đây là cơ sở để tỉnh phát triển thương hiệu, uy tín của sản phẩm trên thị trường.
Xác định đây là cây trồng góp phần tăng thu nhập cho bà con, tỉnh đang khuyến khích mở rộng thêm diện tích. Dự kiến đến năm 2025, Ninh Thuận sẽ phát triển diện tích chuối mồ côi lên khoảng 100ha.
Để thực hiện mục tiêu, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết trồng chuối mồ côi theo chuỗi giá trị với các hợp tác xã, doanh nghiệp; đồng thời hướng dẫn, chuyển giao cho các hộ dân, hợp tác xã các kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến chuối mồ côi ở dạng quả tươi, quả ép khô, hạt khô, rượu chuối hột đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai dán nhãn hiệu chứng nhận, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đưa các sản phẩm chuối hột mồ côi Phước Bình vào các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố, điểm du lịch để phục vụ người tiêu dùng, du khách. Đồng thời, tỉnh tăng cường các hoạt động quảng bá, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)