1a.jpg

Thảm họa tại Nhật Bản:

Ông Prophet giám sát tất cả các công việc mua bán phần cứng của dây chuyên cung ứng toàn cầu trị giá 65 tỷ USD/năm của HP. Dây chuyền này cung cấp linh kiện cho mọi hoạt động sản xuất khổng lồ của HP. Các nhà máy của công ty sản xuất ra 2 chiếc PC mỗi giây, 2 chiếc máy in mỗi giây và một máy tính trung tâm dữ liệu trong mỗi 15 giây.

Trong khi các nhân viên khác của HP kiểm tra tình trạng công nhân của HP ở Nhật Bản – không ai bị thương cả - thì ông Prophet và nhóm của ông nhanh chóng phác thảo ra tác động của vụ thảm họa này đối với các nhà cung ứng linh kiện của công ty tại Nhật, để nếu cần sẽ lên kế hoạch hỗ trợ.

Chuỗi cung ứng cũng như bộ máy sinh học

Theo các chuyên gia, hoạt động của các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng phức tạp, nhạy cảm như hệ thống sinh học của con người. Chúng có thể tự điều chỉnh nhưng thỉnh thoảng cũng rất dễ bị tổn thương bởi một số hoàn cảnh, yếu điểm rất nhỏ nào đó - như là một giọt nước mắt nhỏ cũng có thể khiến một người nào đó cảm thấy trái tim đau đớn.

Ngày lại ngày, dòng hàng hóa trên toàn cầu lần lượt đáp ứng, thích ứng mọi sự cố. Chẳng hạn, một nhà máy cung cấp linh kiện gặp trục trặc và ngừng sản xuất, thì sẽ có những nhà cung cấp khác bổ sung số linh kiện thiếu hụt. Đôi khi, vấn đề lan rộng ra cả khu vực và cần những hoạt động cứu trợ khẩn cấp trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Tuy nhiên, thảm họa ở Nhật Bản vừa qua lại là một dạng thách thức chưa từng gặp với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhật là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và là nhà cung cấp lớn linh kiện, thiết bị cho hầu hết các ngành công nghiệp như máy tính, điện tử và xe hơi. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa ít nhất nhiều ngày qua và chưa biết chừng nào mới sản xuất lại. Đã có một số ảnh hưởng xảy ra, một nhà máy xe tải của General Motors ở Louisiana tuyên bố tạm thời đóng cửa vì thiếu linh kiện sản xuất tại Nhật Bản. “Đây là cuộc thử thách lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, dù không là một cú thử thách chết người”, Kevin O’Marah, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Gartner-AMR Research nói. “Để xem mạng lưới cung ứng toàn cầu sẽ phản ứng nhanh nhạy như thế nào?”.

1a.jpg

Thảm họa tại Nhật tác động thế nào?

Tin tức tốt lành cho nền kinh tế sản xuất toàn cầu là những lĩnh vực sản xuất mà Nhật Bản có vai trò quan trọng đều là những ngành công nghiệp đã trưởng thành của thế giới, chẳng hạn như mảng máy tính và điện tử. Hầu hết các linh kiện như bán dẫn đều được sản xuất ở nhiều quốc gia.

Tầm quan trọng của Nhật trong ngành công nghiệp bán dẫn đã giảm trong những năm gần đây, khi sản xuất chuyển dần sang Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Nhật chiếm chưa đến 21% tổng sản xuất bán dẫn, giảm từ mức 28% năm 2001, theo hãng nghiên cứu IHS iSuppli.

Tuy vậy, Nhật vẫn chiếm thị phần cao hơn trong một số chip quan trọng, như loại bộ nhớ flash dùng trong smartphone và máy tính bảng. Theo IHS ước tính, Nhật sản xuất khoảng 35% những chip nhớ này, và Toshiba là nhà sản xuất lớn của Nhật. Nhưng các công ty Hàn Quốc, dẫn đầu là Samsung, cũng là những nhà sản xuất lớn của bộ nhớ flash.

Apple cũng như hầu hết các công ty khác, xem hoạt động cung-ứng là một bí mật thương mại. Nhưng các nhà phân tích đoán rằng Apple có lẽ đã mua 1/3 chip nhớ flash của Toshiba, còn lại chủ yếu mua của Hàn Quốc. Thời gian đặt hàng và giao hàng khoảng 2 tháng hoặc hơn. Một khách hàng hàng đầu như Apple sẽ được nhà cung cấp ưu tiên hàng đầu, và Apple sẽ còn hàng tồn kho trong mấy tuần. Vì thế, ít có khả năng động đất ảnh hưởng ngay lập tức đến Apple, nhưng Apple có thể sẽ thiếu linh kiện vào khoảng quý II, Gene Munster, nhà phân tích của Piper Jaffray, dự đoán.

Mạng lưới cung ứng linh kiện đã thay đổi trong vài thập kỷ qua. Sự toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy xu hướng này. Sản xuất được outsource khắp thế giới, mỗi linh kiện được chế tạo tại những địa phương có sự chuyên môn hóa và chi phí thấp. Vì thế, một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh hiện nay có cả một dây chuyền lắp ráp linh kiện khắp mọi nơi. Điều đó nghĩa là các dây chuyền cung ứng dài hơn và phức tạp hơn trước đây.

Dù phức tạp nhưng mạng lưới này vẫn được kiểm soát, nhờ các công nghệ như Internet, RFID và các phần mềm tinh tế theo dõi dòng chảy của hàng hóa trên toàn cầu. Về lý thuyết, sự tiến hóa này sẽ giúp ứng phó tốt hơn với thảm họa xảy ra tại Nhật Bản. “Trước đây, khi có sự cố, sự ứng phó chỉ diễn ra trong nước hoặc khu vực”, Timothy Carroll, phó chủ tịch toàn cầu của IBM, nói. “Giờ đây, đó là toàn cầu hóa”.

Sẽ phải thay đổi mô hình cung ứng

Thực ra, việc cung cấp những linh kiện điện tử đắt đỏ, quan trọng hơn như bộ nhớ flash và màn hình tinh thể lỏng được mọi người chú ý nhiều hơn trong hoàn cảnh thảm họa. Song như Tony Fadell, cựu lãnh đạo của Apple phụ trách nhóm thiết kế iPod và iPhone, nói thì “có rất nhiều linh kiện chuyên biệt không có nguồn cung ứng thứ hai, như loa, bộ nối, micro, pin và cảm ứng. Rất nhiều linh kiện xuất phát từ Nhật Bản”. Thiếu một số linh kiện có thể khiến cả một nhà máy phải đóng cửa.

Một phân tích gần đây của IHS iSuppli cho thấy có 5 linh kiện trong iPad 2 đến từ nhà cung cấp Nhật Bản, đó là bộ nhớ flash của Toshiba, RAM của Elpida Momory, la bàn điện tử của AKM Semiconductor, kính màn hình cảm ứng của Asahi Glass và pin của Apple Japan.

Đáng lo ngại hơn là tình hình cung ứng nguyên liệu thô. Hiện nay, hai công ty hàng đầu Nhật Bản trong việc sản xuất tấm lát silicon (silicon wafer), một loại nguyên liệu thô dùng để sản xuất chip máy tính, đang chiếm hơn 60% nguồn cung silicon wafer toàn cầu. Công ty lớn nhất là Shin-Etsu Chemical Corporation, nhà máy wafer chính của hãng ở Shirakawa đã bị hư hỏng vì động đất, hiện nay công ty vẫn chưa xác định được mức độ thiệt hại và bao giờ mới có thể sản xuất lại.

Shin-Etsu cũng có các nhà máy ngoài Nhật Bản, nhưng những dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất đều nằm ở Nhật. Các nhà sản xuất chip lớn như Intel, Samsung và Toshiba đều có nguồn hàng silicon wafer tồn kho trong khoảng 4-6 tuần. “Nhưng sau đó, tình hình sẽ khó khăn”.

Một số chuyên gia cho rằng trận động đất tại Nhật Bản sẽ thúc giục các công ty phải đánh giá lại rủi ro trong chuỗi cung ứng của họ. Có thể, họ sẽ phải chuyển mô hình từ tập trung giảm tồn kho và chi phí sang mô hình chú trọng hơn đến việc ứng phó rủi ro. Bổ sung thêm hàng tồn kho và các nhà cung ứng phụ sẽ giảm rủi ro khi hệ thống cung ứng gặp sự cố. Đó cũng là một cách tăng sự ổn định, nhưng vẫn còn những cách khác.

Các chuyên gia cho rằng thảm họa tại Nhật Bản sẽ khiến chuỗi cung ứng “ngồi trên chảo lửa” trong những tuần, tháng tới. Với những nhà quản lý hoạt động toàn cầu như ông Prophet của HP, thảm họa tại Nhật sẽ là một cuộc thử thách cam go cho mạng lưới và hệ thống cung ứng của họ. Một khi mọi thứ qua đi, đó sẽ là kinh nghiệm, bài học lớn.

Theo NYT

Bài viết đã đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số tháng 3/2011