Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ của Bộ Nội vụ mới đây đã nhận được sự chú ý của cộng đồng. Trong đó, quy định người lao động không được mặc quần bò ở chốn công sở nhận được khá nhiều quan tâm.

Cùng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với công chức, viên chức, nhưng một số bộ ngành  không quy định quá chi tiết về trang phục, cũng không thấy quy định cụ thể về việc cấm mặc quần bò. Còn các địa phương thì mỗi tỉnh thành có một quy định từ chi tiết đến tổng thể, tuỳ vào đặc điểm văn hoá.

Việc quy định này rất cần thiết với người dân, đặc biệt chú trọng những điều như "4 xin, 4 luôn, cùng nhiều chuẩn mực khác.

Về việc liệt kê các trang phục "cấm hay không", mỗi đơn vị có một bộ tiêu chuẩn khác nhau. Còn với người dân chúng tôi, ngoài chuyện ăn mặc, điều mà người dân chúng tôi mong muốn và quan tâm hơn cả ở các công, viên chức là thái độ và trách nhiệm trong khi làm việc. Để người dân không còn phải chịu đựng cảm giác “ăn hành” mỗi khi đến cơ quan nhà nước.

Như vừa rồi, người dì của tôi gọi điện kể khổ về việc gia đình bà phải bỏ 2 lần tiền để mua 1 mảnh đất ở. Theo nội dung dì kể, năm 2007, chính quyền xã có tổ chức đấu thầu, bán đất ở cho người dân. Dì tôi trúng thầu và nộp hơn 13 triệu đồng để đặt cọc mua một mảnh đất rộng khoảng 140m­­­2.

Thế nhưng, sau khi đóng tiền, dì tôi nhận được một tờ phiếu thu với nội dung: “Thu tiền thuê đất ở”. Những lãnh đạo xã có mặt khi ấy đều là người thân quen, vì vậy, dù đã thắc mắc về nội dung phiếu thu và hỏi ngay tại thời điểm đặt tiền, nhưng bởi thiếu hiểu biết và bị các vị lãnh đạo vòng vo qua mặt, dì tôi cũng cầm tờ giấy ấy ra về.

Sau nhiều năm, những gia đình mua đất cùng thời điểm đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn dì tôi cứ liên tục nhận được lời hứa: Đợt tới sẽ làm. Người phụ nữ quê mùa, chân chất chỉ biết làm đơn gửi chính quyền xã, huyện nhưng đáp lại là sự đùn đẩy trách nhiệm, nhất là sau khi ông chủ tịch xã thời ấy qua đời.

Hơn 10 năm liên tục làm đơn, thì mãi đến năm 2020, bà mới nhận được cái gật đầu của vị chủ tịch xã đương nhiệm, với điều kiện gia đình đóng khoản tiền bằng giá sàn tại thời điểm bây giờ.
Trong cuộc gọi thông báo hồi tháng 6, bà thở phào nói đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chật vật 14 năm, bỏ 2 lần tiền mới được sở hữu mảnh đất mà đáng lý gia đình bà có quyền sở hữu từ lâu. Có thời điểm khó khăn nhất đối với bà là khi trở thành đối tượng bị chỉ trích vì làm đơn quá nhiều, khiến các vị lãnh đạo phải làm công văn giải trình, và những người cũng bị lừa như bà thì nơm nớp lo sợ vì giấy tờ không hợp lệ.

Một trường hợp khác là anh họ của tôi. Khi ấy tôi còn đang học tại Thủ đô, trong một lần tới nhà trọ thăm em, anh bị trộm mất chiếc xe tay ga mới cóng. Có thể nói chiếc xe là một phần lớn tài sản của anh tôi khi ấy, vì vậy anh đã tới công an phường trình báo, thậm chí, còn hứa sẽ trả cho họ một nửa giá tiền của chiếc xe nếu tìm được.

Những ngày sau đó, ngày nào anh cũng bỏ việc để tới hỏi han tình hình tìm kiếm, đáng tiếc, chồng hồ sơ vẫn giữ nguyên vị trí như cũ, anh tôi đành chán nản bỏ cuộc.

Dù vẫn biết không thể lấy vài câu chuyện nhỏ lẻ xung quanh tôi để đánh đồng tất cả. Nhưng ngoài chuyện trang phục, tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến thái độ và trách nhiệm của các cán bộ, công, viên chức, làm thế nào để xóa bỏ nạn tham ô, quan liêu, vô cảm và thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của người dân.

K.H

Bộ Nội vụ không cho mặc quần bò, các bộ ngành khác ra sao?

Bộ Nội vụ không cho mặc quần bò, các bộ ngành khác ra sao?

Cùng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với công chức, viên chức, nhưng thành phố Hà Nội và một số bộ ngành  không quy định quá chi tiết về trang phục, cũng không thấy quy định cụ thể về việc cấm mặc quần bò.