-Dưới đây là cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Khương (hiện là Giáo sư tài chính và Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trường Kinh doanh IPAG, Pháp) được dự án RePEc bầu chọn trong top 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu năm 2015, có thời gian xuất bản khoa học dưới 10 năm. Năm 2016, anh đứng thứ 7 trong danh sách bầu chọn này.

Năm 2016, anh đứng thứ 7 trong danh sách bầu chọn này.

Mọi chuyện vẫn tiếp diễn bình thường

Anh có thể cho biết nguyên nhân của việc “thăng hạng” này không? Đó là do anh đã có những phát triển vượt bậc, hay mình tiến mà người khác… không tiến?

- Tổ chức thực hiện xếp hạng có nhiều chỉ tiêu khác nhau, nhưng tôi, cũng như những nhà làm nghiên cứu khoa học khác, không quan tâm đến việc xếp hạng này. Chúng tôi chỉ cố gắng làm công việc hàng ngày cho tốt.

Việc ở vị trí xếp hạng nào là do cả quá trình tích lũy từ công việc hàng ngày, từ những dự án nghiên cứu với các đồng nghiệp khác. Thứ hạng cũng chỉ có tính tương đối.

{keywords}

TS Nguyễn Đức Khương có 3 năm làm chủ tịch Hội Tài chính người Việt trên toàn thế giới (từ năm 2012) và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia tại Pháp (AVSE); Tham gia các hợp tác đa ngành Pháp - Việt (Kinh tế, tài chính, xây dựng…); Tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo, làm nghiên cứu chuyên ngành liên quan đến Việt Nam.

Anh nhận định như thế nào về thế hệ trí thức Việt Nam ở nước ngoài hiện nay so với các thế hệ đi trước? GS Ngô Bảo Châu có giải thưởng Fields: GS Vũ Hà Văn cũng có một giải thưởng khác thuộc "hàng đầu" của lĩnh vực toán học;  rồi như anh, có tên trong những danh sách "hàng đầu" ở lĩnh vực của mìnhv.v... có phải là điều khác biệt?

- Trong giới học thuật của thế giới có rất đông người Việt Nam, nhiều người có thành tích khoa học rất tốt.

Mỗi người một lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có đánh giá khác nhau. Có những sự kiện được báo chí truyền thông quan tâm nhiều hơn, có sự kiện không quan tâm nhiều lắm vì có thể diễn ra ở phạm vi hẹp hơn.

Tôi nằm trong số những anh chị em làm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. Chúng tôi hàng ngày làm tốt công việc đó, tích lũy lại kinh nghiệm, đến một thời điểm nào đấy có thể tạm coi là đã nắm được quy trình nghiên cứu và giảng dạy, và được đồng nghiệp trên thế giới ghi nhận một số công trình khoa học.

Số những người làm được chuyện như thế rất nhiều. Vậy chúng tôi có làm hơn được gì so với đội ngũ khoa học ngày xưa hay không? Thì phải nói rằng thời nào cũng thế, luôn luôn có những nhà khoa học Việt Nam xuất sắc, việc so sánh là rất khó. Bản thân tôi khi nhìn về các nhà khoa học kỳ cựu của Việt Nam trong và ngoài nước đều thấy các bác đã có những bước tiến rất xa, thế giới ghi nhận rất nhiều góc độ khác nhau.

Nhưng môi trường nghiên cứu bây giờ hơi khác trước một chút. Áp lực để nghiên cứu, công bố sản phẩm khoa học cao hơn xưa vì lực lượng tham gia công tác nghiên cứu giảng dạy ngày càng tăng.

Theo ước tính gần đây của Viện thống kê của UNESCO đặt ở Montreal, số lượng người nghiên cứu trên thế giới tăng từ 5.8 triệu người năm 2002 lên 7.1 triệu người năm 2007, trong đó các nước đang phát triển có tỷ lệ tăng lớn nhất với 50% (1.8 triệu người lên 2.7 triệu người) trong giai đoạn 5 năm này. Châu Á và nhất là Trung Quốc là nơi mà lực lượng các nhà nghiên cứu đặc biệt tăng mạnh.

Cạnh tranh trong nghiên cứu cao hơn khiến bản thân mỗi nhà nghiên cứu phải rèn luyện và làm việc cần mẫn hơn. Vì thế, các nhà nghiên cứu, tri thức Việt Nam hiện nay ở trong và ngoài nước phải nỗ lực hơn nữa thì vị trí khoa học nước ta trên thế giới mới cải thiện được.

Không ai có thể một mình thay đổi thế giới

Như anh nói, một trong những công việc anh đang dành nhiều thời gian là kết nối các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Điều gì thúc đẩy anh dành thời gian cho công việc này?

- Người giỏi của chúng ta rất nhiều. Kể cả có là người đoạt giải Nobel hay một người làm lãnh đạo tài năng, không ai thành công một mình được. Cũng không ai có thể thay đổi thế giới này, bất kể là họ giỏi đến mức như thế nào.

Và sự thay đổi của thế giới, một nền kinh tế, một đất nước, thay đổi của một tổ chức cần tới sức mạnh tập thể.

Có nhiều người Việt ở nước ngoài được làm việc trong những môi trường tiến bộ đã có hàng trăm năm xây dựng, và cũng muốn Việt Nam có một môi trường như thế. Họ sẵn sàng tham gia góp sức vào quá trình đấy, nhưng mình họ không đủ mà cần làm cùng với trí thức, đối tác, đồng nghiệp trong nước, để hai bên cùng đứng trước một thách thức, đồng sức giải quyết một vấn đề. Công việc tôi làm là kết nối những người như thế trong khả năng của mình.

Về phương diện cá nhân tôi rất thích công việc này, đứng về mặt tập thể có lợi rất lớn cho Việt Nam.

{keywords}

Các đại biểu tham dự một Bàn tròn giáo dục do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) tổ chức

Theo anh, Việt Nam đã sử dụng được hết năng lực, công suất của những nhóm, hội trí thức người Việt ở nước ngoài chưa?

- Có một số hội trí thức người Việt ở nước ngoài như Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), Hiệp hội Tài chính người Việt trên toàn thế giới, nhóm chuyên gia V-IDEA do GS Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana, Hoa Kỳ) đứng ra khởi xướng… Trong nhiều năm gần đây, việc tạo điều kiện cho những người đang công tác ở nước ngoài về tham gia công việc trong nước như thảo luận chính sách, đóng góp ý kiến đã trở nên thường xuyên và tốt hơn trước rất nhiều.

Tiềm năng trí thức chuyên gia người Việt ở nước ngoài rất lớn. Để trả lời câu hỏi liệu Việt Nam đã sử dụng được hết năng lực của những nhóm này chưa thì còn sớm. Điều chắc chắn là việc sử dụng chưa đạt được đến mức tiềm năng cao nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ xem cơ chế nào, cách thức nào để phối hợp tổ chức, làm việc với nhau hiệu quả nhất, trong điều kiện đại bộ phận các chuyên gia trí thức đang công tác ở các cơ quan, tổ chức nước ngoài.

Cho đến giờ, công việc nào phối hợp với các cơ quan Việt Nam khiến anh cảm thấy hài lòng nhất?

- Nói thực là công việc nào tôi cũng thấy hài lòng. Có thể nói quan niệm của chúng tôi là đứng cùng với đồng nghiệp trong nước giải quyết những bài toán khó thì làm việc mới hiệu quả, mới có sự thông hiểu, sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Khi làm việc cùng nhau trên một tinh thần như thế, chúng tôi đều thành công. Vì thế tất cả các dự án khi hội phối hợp triển khai với Việt Nam đều diễn ra một cách tốt đẹp, có sự tham gia rất tích cực, sự ủng hộ rất tốt của các địa phương và cơ quan trong nước. Các bên đều muốn tiếp tục làm việc với nhau, các hoạt động ngày càng mở rộng, đi vào thực chất hơn.

Cá nhân tôi thì đặc biệt thích các phân tích chính sách, đưa ý kiến tham luận về kinh tế, và hài lòng nhất với những công việc này.

Anh đặt ra mục tiêu gì trong thời gian tới?

- Trên qui mô quốc tế, tôi tiếp tục phát triển những nghiên cứu mà mình đang làm, đồng thời tìm ra xu hướng nghiên cứu mới. Và ở mức cao hơn là đưa được những nghiên cứu ấy vào ứng dụng thực tiễn trong quản lý doanh nghiệp, thị trường, và làm chính sách ở cấp vĩ mô. Trong khi nghiên cứu có thể nảy sinh những vấn đề khác. Đó là cả một quá trình, không có điểm dừng.

Đối với Việt Nam, tôi mong muốn nâng sự đóng góp cho đất nước của những nhóm khoa học, chuyên gia mình tham gia lên tầm cao mới thông qua các dự án lớn hơn, từ những chủ đề truyền thống về đào tạo, nghiên cứu, đến các chủ đề mới mẻ hơn như năng lượng, công nghệ.

Với riêng cá nhân, tôi muốn tăng thêm thời gian làm việc tại Việt Nam, tham gia trực tiếp vào các dự án giúp phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước, do chính Việt Nam đề ra, và triển khai.

Nhà kinh tế Nguyễn Đức Khương hiện là giáo sư ngành tài chính, Phó giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, và Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp.

Anh cũng là cộng tác viên giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Sorbonne, Pháp, và nhiều đại học trên thế giới tại Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha... Anh cũng là thành viên của nhóm tư vấn điều phối tài chính Châu Á, tư vấn cho nhiều chính phủ Châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Philippines...

Xin cảm ơn anh.

Ngân Anh thực hiện