Mục tiêu chung thúc đẩy phát triển công trình xanh
Công trình xanh đang ngày càng được quan tâm và chú trọng phát triển tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, tính đến quý II/2024, Việt Nam ghi nhận có 479 công trình xanh. Số lượng công trình xanh Việt Nam đang ở mức trung bình khá trong khu vực ASEAN.
Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, quyết định số 385 của Bộ xây dựng về biến đổi khí hậu đề cập đến các mục tiêu như: xây dựng và thực hiện lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải các-bon thấp, khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp; phát triển các công trình xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…
Cùng với chủ trương từ chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng chuyên môn cũng đang có nhiều nỗ lực thúc đẩy sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) chia sẻ: “VGBC không ngừng thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam thông qua: Chứng nhận công trình xanh LOTUS, Đào tạo thị trường, Hỗ trợ kết nối các thành viên, Thúc đẩy sản phẩm và dịch vụ xanh, Hợp tác nghiên cứu thông qua 7 Hội đồng Tham vấn Kỹ thuật (TAC), Chia sẻ các phát triển về chính sách toàn cầu đến Việt Nam…”.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation cho biết, nghị định 95/2024 của chính phủ cũng bổ sung tiêu chí số 12 về công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các yếu tố như: hạn chế tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
“Các quy định này mang đến các ý nghĩa tích cực như: khuyến khích tiêu chuẩn xanh; Tăng giá trị tài sản vì tạo động lực cho các nhà đầu tư tập trung vào phát triển các công trình xanh; Tiết kiệm chi phí vận hành; Tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ xanh; Nâng cao nhận thức cộng đồng; Khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn vì nhiều quỹ đầu tư hiện nay ưu tiên tài trợ cho các dự án bền vững”, bà Thanh Mẫu chia sẻ.
Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển công trình xanh
“Phuc Khang Corporation (PKC) là một trong những doanh nghiệp sớm tiếp cận được vai trò và tầm quan trọng của những công trình xanh gắn với việc phát triển bất động sản. Chúng tôi đã chọn công trình xanh như một phương tiện quan trọng để làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững chung của đất nước”, bà Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ.
Bà Thanh Mẫu cho biết: “Dự án Diamond Lotus Riverside (số 49C, đường Lê Quang Kim, P.8, Q.8, TP.HCM) là một trong những minh chứng giá trị cho hành trình Phuc Khang Corporation kiên định với sứ mệnh: Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”.
Dự án chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside của PKC đã được Hội đồng công trình xanh Việt Nam trao chứng nhận LOTUS Provisional, Chứng nhận dự án đáng sống, Dự án xanh tiêu biểu năm 2022; Top 10 dự án chung cư cao cấp tốt nhất năm 2022; Top 5 dự án công trình xanh thông minh tốt nhất năm 2021…
Với các lợi thế về giảm tác động đến môi trường, thúc đẩy kinh tế xanh, tạo môi trường sống lành mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu..., công trình xanh đang ngày càng được chú trọng và trở thành chiến lược chung của mỗi quốc gia.
Thanh Ngọc