ASEAN và các đối tác thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới và cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). 

Ngày 18/12, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng không (AZEC) do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chủ trì. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của AZEC, nhằm thúc đẩy quá trình khử carbon ở châu Á. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước Nhật Bản, Australia và 9 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thảo luận kế hoạch tăng cường hợp tác kỹ thuật về hydro và các công nghệ khác, cũng như chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng nhằm đạt được mức trung hòa carbon.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết nước này sẽ đi đầu trong nỗ lực tạo ra một "thị trường khử carbon" khổng lồ, có khả năng thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đến châu Á, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các thành viên AZEC thực hiện các chính sách cần thiết để hướng tới phát thải ròng bằng không, đạt được đồng thời 3 bước gồm khử carbon, tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng.

Việt Nam đi tiên phong trong thực hiện các mục tiêu Net Zero

Giảm phát thải khí nhà kính cùng với chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, carbon thấp vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Là một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 43,5% lượng phát thải. 

Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong 5 nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, nên Việt Nam đi tiên phong trong việc cam kết thực hiện các mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cũng là hợp lẽ.

Giải pháp để thực hiện các cam kết khí hậu chính là chuyển đổi năng lượng. Đây là nhiệm vụ mà Việt Nam đã xác định rõ lộ trình.

trongrung-1.jpg
Ảnh minh hoạ

Thực tế, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch hết sức quan trọng, song việc đảm bảo ổn định hệ thống lưới điện đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến. Trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng nhanh chóng. Do vậy, bài toán khó là cần phải tìm nguồn điện để thay thế nếu không phát triển điện than.

Tuy nhiên Việt Nam xác định mục tiêu tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính xu thế của thời đại, vừa hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam sẽ thực hiện chủ trương này, đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm, vị thế và uy tín của đất nước chúng ta.

Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển, đồng thời tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong đó, Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế đa phương, các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi năng lượng, tiếp xúc các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV