- Đó là phát biểu của Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng tại buổi gặp gỡ và đối thoại với đông đảo đại diện giới trí thức của TP năm 2016 diễn ra sáng 20/12.
Buổi gặp gỡ có sự tham gia của khoảng hơn 200 đại biểu là các trí thức có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của TPHCM.
“Hãy làm cuộc cách mạng về lương”
Đại diện cho giới trí thức trẻ, PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi đề xuất thành phố (TP) giao quyền tự chủ cho các trường đại học, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Tuy nhiên, bà đề nghị TP có chính sách kiểm soát chất lượng đầu ra, dù thực hiện xã hội hoá đầu vào.
GS.TS Đặng Lương Mô phát biểu tại buổi gặp mặt |
“Đề nghị TP mạnh dạn tin tưởng các bạn trẻ, tạo môi trường cởi mở, tôn trọng với trí thức trẻ. Nếu được thì TP nên đề ra chính sách đặt hàng trực tiếp, giao đúng việc đúng người để tạo cảm giác trí thức trẻ được tôn trọng. Mong TP cũng xác định đầu tư vào những đề tài trọng điểm, không dàn trải”, PGS.TS Tươi đề xuất.
Thay mặt giới trí thức Việt Kiều, GS.TS Đặng Lương Mô, chuyên gia hàng đầu về vi mạch trên thế giới, hiện là cố vấn Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM thẳng thắn nhận định: chúng ta quá chú trọng đến vấn đề bằng cấp.
“Nhưng giáo dục hiện đại cần phải tính đến yếu tố chuyên nghiệp. Các nước tiến bộ rất ưu ái những người biết làm việc chuyên nghiệp, làm một việc nhưng đến nơi đến chốn. Ví dụ như về vấn đề thủ tục giấy tờ hành chính, sự chuyên nghiệp là phải làm sao cho người dân chỉ cần đi 1 lần là làm xong việc”, GS Mô chia sẻ.
“TPHCM cần phải tập trung vào khoa học cơ bản. Đừng nhìn vào con số 6-7% mà thoả mãn. Chúng ta phải nhìn vào vấn đề là trong vòng 10 năm nữa chúng ta phải phát triển trên 20%. Lại lấy ví dụ về Singapore, về mọi mặt không thuận lợi bằng TPHCM, tại sao họ lại phát triển như vậy?”, GS Mô đặt câu hỏi.
Tiếp lời, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế của ĐHQG TPHCM khẳng định: Chúng tôi không phân biệt trí thức Việt kiều hay không Việt kiều gì cả.
“Theo tôi vấn đề của TP đặt ra là cơ chế thu hút trí thức, Việt kiều trở về làm việc. Theo tôi cốt lõi là chế độ tiền lương. Chúng ta hãy làm cuộc cách mạng về lương đi, đừng loay hoay gì cả. Làm sao để trí thức không phải lo làm thêm gì cả”, PGS. Phong khẳng định.
Không làm nản lòng các nhà khoa học…
Trả lời kiến nghị của các đại biểu trí thức, đại diện cho chính quyền TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: về vấn đề bằng cấp, lãnh đạo TP không có ý là đến năm 2020 là đội ngũ cán bộ TP sẽ phải có bao nhiêu tiến sỹ, thạc sỹ.
Bí thư Thăng trò chuyện với trí thức tại buổi gặp mặt |
“Ý của TP là xem xét vấn đề là đội ngũ thạc sỹ tiến sỹ đó sẽ bổ sung cho đội ngũ nghiên cứu khoa học của TP như thế nào. Khi được đào tạo xong thì cơ chế phát huy như thế nào. Con đường chúng ta xây dựng TP thành trung tâm KHCN phải có lộ trình, giải pháp theo đúng chương trình đột phá của Đại hội TP đề ra.
Lãnh đạo TP đang nghiên cứu phải có cơ chế hợp tác như thế nào để huy động được đội ngũ trí thức khổng lồ trong các trường ĐH, các Hội. Nguồn lực này hết sức to lớn. Vấn đề của TP là làm sao để quản lý và tận dụng được nguồn lực này, đó mới là điều kiện tiên quyết để kích hoạt động lực trí thức của TP.
Sắp tới TP sẽ ra mắt Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH của TP trong tháng 1. UBND cũng đề nghị Hội đồng tư vấn 1 số vấn đề để giúp TP giải quyết các vấn đề KT-XH đặt ra”, Chủ tịch TPHCM khẳng định.
Kết luận về nội dung buổi gặp gỡ, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng khẳng định: “Nhân dân TP trân trọng, biết ơn sự đóng góp của đội ngũ trí thức, vừa mang tính hàn lâm, vừa có tính thực tiễn cao. Đó là những đóng góp thầm lặng nhưng đầy tâm huyết”.
“Các chuyên gia, trí thức Việt kiều đã tư vấn cho TP nhiều giải pháp đột phá. Đề nghị các trí thức hãy vượt qua mọi cản trở hữu hình và vô hình, cùng chung tay đưa TPHCM trở thành một thành phố đáng sống trong khu vực.
Tôi cũng nhất trí với quan điểm TP cần sớm thay đổi cơ chế, hình thành hệ thống chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu xong thì không dùng. TP cũng sẽ xem xét chính sách nghiên cứu sản phẩm kết hợp với thị trường, không làm nản lòng các nhà KH.
TP sẽ tổ chức tôn vinh, khen thưởng các nhà khoa khoa học, các công trình KH nghiên cứu, các sáng kiến…đóng góp cho sự phát triển của TP. Chúng ta sẽ tổ chức các buổi lễ định kỳ, 1 năm, 3 năm, 5 năm, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể. Cơ chế khen thưởng hiện nay chưa đủ để tôn vinh, ghi nhận những sự đóng góp của các trí thức đối với TP”, Bí thư Thăng khẳng định.
Việt Đông