Lẽ nào việc dạy về cái đẹp, về ước mơ chỉ là thứ viển vông, và cuộc sống chỉ còn những điều thực dụng đến phi lý?
Năm 1998, lần đầu tiên tôi đi công tác Châu Âu và một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về Châu Âu lại là quả khinh khí cầu. Hôm đó tôi thấy một quả khinh khí cầu lớn bay trên bầu trời Berlin đẹp tuyệt. Nghĩ ngay mục đích chuyến bay là cho một thí nghiệm khoa học hay quan sát Trái Đất, đại loại mục đích rất là nghiêm túc, bèn hỏi Peter, ông thầy người Đức của tôi, sao người ta lại thả khí cầu. Ông nhún vai: Có thể là làm khoa học, nhưng cũng có thể là chỉ để cho vui. "Chỉ để cho vui" - đến giờ tôi vẫn nhớ cái nhún vai của Peter khi đó.
Với tư duy một chiều hoàn toàn sách vở, thì câu trả lời của Peter thật đáng kinh ngạc. Quả khinh khí cầu rực rỡ bay trên bầu trời chiều mênh mông ở Berlin mới phi thường làm sao. Nó là khoa học, là vẻ đẹp, là sự tự do, là mơ ước, là lòng dũng cảm, là sự khám phá, sự háo hức, sự kỳ vĩ. Nhưng cũng có thể đơn giản hơn, đó là niềm vui không giới hạn. Cuộc sống có những lúc chỉ cần thế, sau rất nhiều những nỗ lực và mệt mỏi, chỉ cần được vui mà thôi.
Ảnh minh hoạ |
Sau này tôi xem phim “UP” – “Vút bay”, mộ bộ phim hoạt hình được đánh giá rất cao. Hình ảnh ông già bán bóng bay buộc hàng nghìn quả bóng vào ngôi nhà cho nó bay đến thác Thiên đường - mơ ước cả đời của ông và bà vợ đã qua đời - đôi tình nhân chơi với nhau từ ngày còn là một cậu bé nhút nhát và một cô bé táo tợn, cũng là câu chuyện về một hành trình vượt qua vô số thử thách để đạt được khát vọng của mình, khát vọng vươn tới cái trác tuyệt.
Những quả bong bay sắc màu rực rỡ tượng trưng cho nhiều điều tử tế, đừng đơn giản nhìn chúng như rác thải nhựa.
Năm nay Hà Nội vận động không thả bóng bay khai giảng. Thật là tiếc. Có thể ai đó cho cái sự tiếc đó là vớ vẩn, phù phiếm, nhưng nếu thử nhìn ở một góc khác.
Thật ra có rất nhiều cách để bảo vệ môi trường chứ không nhất thiết phải triệt tiêu rất thực dụng một cơ hội dạy cho trẻ con về cái đẹp. Bảo vệ môi trường là một câu chuyện dài, chứ không phải là mốt thời trang, là trào lưu vội vã.
Từ chối quả bóng bay để làm gì, nếu sau lễ khai giảng sân trường tràn ngập túi nylon, chai nhựa, hộp xốp, như bất kỳ sau một lễ hội nào ở khắp Việt Nam?
Chỉ cần trong đời sống hàng ngày, chúng ta tiêu thụ ít đồ nhựa dùng một lần đi. Hãy thay thế đồ nhựa một lần bằng các sản phẩm đóng hộp, gói bọc khác bền vững hơn và xanh hơn. Đừng lấy túi nylon khi đi mua hàng. Đừng mua xôi bằng hộp xốp. Đừng dùng cốc nhựa một lần uống trà sữa, cafe... Và nếu dùng thì hãy thu gom đúng chỗ, phân loại đúng cách.
Hãy ngừng sản xuất túi nylon từ rác nhựa ở các làng nghề, tìm cách chuyển đổi nghề khác cho bà con.
Rất may là sau TPHCM, Hà Nội và các địa phương khác đang triển khai chủ trương giảm thiểu và cấm đồ nhựa dùng một lần.
Ngày xưa các cuộc họp toàn dùng bình nước, ấm nước chè rót cho mọi người. Những năm gần đây chuyển sang chai nước nhựa. Giờ lại quay lại kêu gọi dùng bình thủy tinh.
Những cách đó cũng là đủ, nếu chúng ta thật sự có ý thức tôn trọng môi trường.
Nói không cả với bóng bay thì tiếc quá.
Cũng như bắn pháo hoa giao thừa ấy. Thật buồn cười khi ai đó bảo dùng tiền bắn pháo hoa tặng người nghèo. Bớt tham nhũng lãng phí, bớt chém gió linh tinh đi thì sẽ có thê một khoản tiền, một khoảng thời gian làm gì đó cho người nghèo. Chả nhẽ nghèo thì suốt ngày phải cắm mặt vào cơm áo gạo tiền, không được quyền thưởng thức cái đẹp và niềm vui?
Trẻ con ngước lên dõi theo quả bóng bay cũng là niềm hạnh phúc chứ.
Có lần đứng trên đê sông Hồng sau cơn mưa, ngước lên nhìn thấy cầu vồng đôi. Hôm sau hỏi, hóa ra chẳng mấy người nhìn thấy điều kỳ diệu ấy. Nhìn lên bầu trời cũng không làm ta ngã, sao cứ phải bám chặt trên mặt đất mỗi bước chân?
Những người yêu thích bóng bay có thể bay lên bằng khinh khí cầu để nghiên cứu khoa học, để quan sát Trái Đất. Có thể làm phim hoạt hình được cả thế giới ngưỡng mộ. Hay đơn giản bình thường, là thích và hướng đến những gì đẹp đẽ mà thôi.
Dạy cho trẻ con sống đẹp, hướng về cái đẹp, cũng là điều có ích. Một lần phỏng vấn, tôi hỏi bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước, rằng có cần phải dạy cho trẻ con từ nhỏ về tham nhũng. Bà bảo sao không dạy cho chúng nó về những điều tốt đẹp, sống hướng thiện, văn minh, mà lại phải nói về điều xấu quá nhiều? Lật lại một góc nhìn, thấy bà Bình nhân văn vô cùng, trí tuệ vô cùng.
Mà thôi. Khai giảng xong rồi. Từ giờ trẻ con lại vùi đầu vào bài vở. Bố mẹ lại miệt mài đưa đón học chính học thêm. Liệu mấy ai có thời gian nhớ lại quả bóng bay như tôi, người viết bài này?
Việt Ân