- Buông ra những lời nói nặng nề, mạt sát người khác sẽ không làm cho ta cao thêm một chút nào cả. Chúng ta đang sử dụng mạng xã hội quá ngây thơ, hot facebooker Cu Trí nói.
Chương trình Góc nhìn thẳng kỳ này của báo VietNamNet có chủ đề: "Sống tử tế trên mạng có khó không?". Vị khách mời là một gương mặt rất nổi tiếng với cộng đồng mạng, hot facebooker Cu Trí, tức nhà báo Hoàng Minh Trí đã có cuộc chia sẻ rất thú vị để giải đáp câu hỏi trên.
XEM LẠI VIDEO TALKSHOW TẠI LINK SAU:
Chửi ai đó trên mạng không làm ta tử tế thêm
Hot facebooker Cu Trí đã trả lời như vậy với lời nhận định "chúng ta sử dụng mạng xã hội quá ngây thơ!"
DƯỚI ĐÂY LÀ BẢN TEXT CHƯƠNG TRÌNH TALKSHOW:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa anh, với thế giới mạng như hiện nay và là một hot facebooker, đối với anh việc sống tử tế trên mạng có khó không?
Facebooker Cu Trí:: Đối với riêng tôi, ngày từ khi bắt đầu sử dụng mạng xã hội, tôi đã xác định đây chỉ nơi để thư giãn, chứ không phải để truyền năng lượng xấu cho bạn bè của mình hoặc để mình than vãn quá nhiều.
Đối với tôi, sống tử tế trên mạng là việc dễ! Nhưng tôi cũng biết rằng, trong thế giới thông
Trên mạng xã hội những ngày qua, chủ đề "ném đá hội đồng" là ề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT khi trích đoạn bài thơ "Đánh thức tiềm lực" của Nguyễn Duy. Trước đó là những status bình phẩm hot girl tham gia bình luận trực tiếp World Cup 2018, hay những thông tin xuyên tạc dự luật Đặc khu (dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt) về điều khoản cho thuê đất 99 năm... |
tin rất rộng lớn như bây giờ, chúng ta dễ bị sa đà vào những trend chửi bới hay trend bức xúc.
Chúng ta đọc một lần của những người bạn hay than vãn thì chúng ta cũng dễ sa đà vào lúc nào không biết.
Thực ra, đối với việc sống trên mạng xã hội, tôi vẫn tin rằng mọi người đều có xu hướng đưa ra những điều đẹp đẽ. Chẳng hạn, có nhiều lúc chị em chưa đủ xinh nên trước khi post ảnh thì dùng rất nhiều những ứng dụng để làm cho mình đẹp hơn. (Nói như vậy cũng là giả...)
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, có những điều là giả nhưng mang lại cảm giác rất ngọt ngào! Tuy nhiên, có những status, những lượt chia sẻ của cộng đồng mạng đôi khi lại mang đến những hệ lụy xấu.
Tôi lấy ví dụ như các chương trình bình luận bóng đá trực tiếp trong kỳ World Cup của VTV, nhà đài quốc gia muốn thay đổi style của chương trình bằng cách mời những cô gái trẻ với tư cách là fan hâm mộ bóng đá để bình luận. Thế nhưng, những cô gái này có những lúc bình luận rất tốt, nhưng có lúc thì bình luận không được tốt lắm. Và ngay lập tức có một làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội, rất nhiều facebooker thậm chí còn xúc phạm đến thân thể, đến danh dự của các cô gái ấy.
Anh nghĩ như thế nào về một trào lưu có vẻ như việc xúc phạm ai đó rất dễ dàng trong không gian mạng như vậy?
Nhà báo Phạm Huyền và Hot Facebooker Cu Trí- nhà báo Hoàng Minh Trí. Ảnh Phạm Hải |
Facebooker Cu Trí: Tôi nghĩ khoảng 3 năm trở lại đây, những trào lưu như “ném đá hội đồng”, cùng nhau chử một vấn đề hoặc đẩy những vấn đề rất nhỏ lên thành cao trào đang trở nên rất phổ biến.
Nhất là ở trong câu chuyện người ta đang nói rất nặng nề về những cô gái trẻ đang tham gia bình luận World Cup. Tất nhiên, bản thân tôi cũng xem và nhận ra rằng ở đấy cũng có những sự ngô nghê, thiếu kiến thức của các cô gái nên làm cho khán giả cảm thấy bực mình.
Trong khi đó, ở mạng xã hội, mọi người rất dễ dàng đưa một lời chỉ trích, một lời miệt thị, một lời mạt sát, nhất là trong câu chuyện nói về hình thể người khác, trong tiếng Anh người ta gọi là “body- shaming” (miệt thị ngoại hình).
Tôi tin là những cách tấn công hoặc mạt sát người khác ở trên mạng một lần, hai lần,.. tự nhiên đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành một thói quen. Và họ quên mất, họ lại không sờ sau gáy mình.
Điều đó sẽ trở thành một quán tính. Cứ thế, chửi một lần, thấy nhiều người hưởng ứng thì sẽ có lần thứ hai. Nhiều người khi họ chửi chưa đã, họ vẫn chửi thêm chẳng hạn. Họ lập ra một vài nick giả đi chửi thêm một lần nữa.
Phải nói rằng, đó là một thói quen sử dụng mạng xã hội không tốt.
Nhà báo Phạm Huyền: Thực tế cuộc sống xung quanh chúng ta, cũng có những con người hành xử trong đời thường rất tốt, nhưng không hiểu sao lại cũng có những lúc thể hiện những điều không tốt ở trên mạng xã hội?
Facebooker Cu Trí: Chúng ta đang nhìn vào mặt trái của mạng xã hội rất nhiều. Tuy nhiên, tôi biết rất nhiều câu chuyện tử tế ở trên mạng xã hội nhưng lại không được lan truyền một cách rộng rãi.
Ở một khía cạnh khác, khi chúng ta ngồi đối diện, như tôi và bạn ngồi đối diện nói chuyện, chúng ta sẽ phải đề phòng lẫn nhau, cẩn trọng, và tôi phải lịch sự khi bạn là phụ nữ chẳng hạn.
Hot facebooker Cu Trí- nhà báo Hoàng Minh Trí (Ảnh: Phạm Hải) |
Còn ở trên mạng, những rào cản đó không còn nữa. Tất cả mọi người sau một màn hình rất nhỏ, có thể nói, mạt sát, chửi bới. Khi đó, phần độc ác của con người mình rất dễ bộc lộ ra ngoài, bộc lộ vô cùng dễ dàng.
Tôi ngồi đây, tôi có một lời xúc phạm bạn thì tôi vẫn là Trí, nhưng khi tôi ở trên mạng và tôi muốn xúc phạm bạn thì tôi sẽ lập ra một vài account giả để chính phần con rắn độc trong mình được thò đầu ra. Đấy là những mặt trái của công nghệ.
Mạng xã hội là một thế giới rất phức tạp, nếu không sử dụng nó một cách khôn khéo, chúng ta rất dễ bị sa đà, bị tấn công và có nhiều hệ lụy khác nữa.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy theo anh, tại sao việc đưa ra một lời góp ý với tinh thần xây dựng trên mạng để xã hội trở nên tốt đẹp hơn lại dường như rất khó khăn như vậy?
Facebooker Cu Trí: Cũng chẳng phải nói ai!
Nhiều lúc tôi cũng rất bức xúc hoặc có sự ức chế, bị áp lực từ công việc... Tôi lên mạng xã hội và gõ một đoạn rất dài. Tôi cũng có những lời rất nặng nề nhưng sau đó, không bao giờ tôi ấn Enter. Tôi gõ xong, tôi đọc lại một lần, hai lần rồi tôi xóa đi. Coi như tôi viết được ra có nghĩa là tôi đã buông xả được bức xúc của mình.
Tôi nghĩ rằng, nếu người ta đọc được những lời lẽ đó, chắc chắn cũng tổn thương.
Tất nhiên, có những lúc tôi không thể kiềm chế được khi có nhiều chuyện rất trái khoáy xảy ra và người ta buông những những lời lẽ rất độc ác với tôi. Khi đó, bản thân tôi thấy cũng muốn phải chửi người ta một phát cho nhớ đời.
Nhưng nghĩ lại, tự nhiên mình sa đà, mình nhặt một túi rác mang về nhà mình thì việc đầu tiên là mình sẽ thấy nó thối đã..
Nhà báo Hoàng Minh Trí bày tỏ, 'Khi chúng ta buông ra những lời nói nặng nề, mạt sát người khác, nó không làm cho ta cao thêm một chút nào cả'. (Ảnh: Phạm Hải) |
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy thì làm thế nào để kiểm soát được sự bực mình của chính bản thân mình khi sống trong thế giới mạng như vậy?
Facebooker Cu Trí: Bởi vì, đằng sau mỗi một con người họ cũng có một gia đình, họ cũng có những người thân và người thân sẽ phải chứng kiến điều đó.
Ví dụ, hôm trước tôi thấy trên một fanpage rất lớn post lên một đoạn clip với nội dung kể về một bác đạp xe bán bóng bay, bác ấy có vấn đề về bệnh thần kinh nên đầu óc, cử chỉ không được bình thường cho lắm. Thế nhưng, ở dưới status đăng clip đó là các comment (bình luận) chửi bới rất kinh khủng, gọi bác ý là "thằng điên".
Tôi đã gửi một comment cho biết, đoạn clip đã sử dụng chính bức ảnh tôi chụp bác bán bóng bay cách đây 10 năm. Khi ấy, bác đang chở một cậu con trai ở đằng trước, đi trong một đêm mùa đông và đang đi bán nốt những quả bóng bay cuối cùng.
Đó là một bức ảnh rất bình thường và tôi có nói là các bạn cứ bình tĩnh, bởi đằng sau người ta còn có gia đình. Hình cậu bé con trai bác ấy, tôi chụp cách đây 10 năm và giờ, tôi tin cậu bé đó đã 18 tuổi. Cậu ấy sẽ thấy tổn thương, xót xa khi bố của mình, một người bố đầu óc không bình thường, trong một hoàn cảnh không may mắn bị như thế.
Comment đó của tôi nhận được rất nhiều sự đồng thuận của mọi người. Nhiều bạn trẻ comment cám ơn tôi đã công bố những điều đó và họ rút lại những lời mà họ đã chửi bới, mạt sát bác bán bóng bay đó.
Cho nên, với những người chửi các cô gái bình luận bóng đá rất nặng nề kia, tôi nghĩ rằng nếu như không thấy hài lòng thì nên góp ý một cách lịch sự hơn.
Bởi khi chúng ta buông ra những lời nói nặng nề, mạt sát người khác, nó không làm cho ta cao thêm một chút nào cả. Chửi ai đó trên mạng xã hội cũng không làm cho ai đó tử tế thêm.
Nhà báo Phạm Huyền: Anh có nghĩ rằng với một lượng người theo dõi rất lớn, lên tới hàng chục nghìn người, thậm chí hơn 100 nghìn người theo dõi thì mỗi hot facebooker cũng chính là một vị tổng biên tập cho một tờ báo cá nhân của riêng mình và một status được coi như một bản tin.
Vậy phải làm thế nào để các "tổng biên tập" rất tự do này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội khi đăng tải bản tin của mình?
Facebooker Cu Trí: Chúng ta đã có internet từ năm 1997, đến bây giờ được hơn 20 năm rồi. Nếu trước đây, chưa có luật An ninh mạng thì chúng ta đã có luật Hình sự, Dân sự và các điều luật khác để kiểm soát tương đối chặt chẽ các hành vi truyền tải thông tin ra xã hội.
Có điều, bây giờ, Luật An ninh mạng được ban hành, đã cụ thể hóa thêm, giải nghĩa rõ hơn các hành vi và Luật này sẽ điều chỉnh được vấn đề đó.
Bây giờ không chỉ riêng những người nổi tiếng, mà cả những người bình thường cũng cần phải rất cẩn trọng với những hành vi ở ngoài đường.
Chúng ta có thể vào những diễn đàn như webtretho, otofun sẽ thấy rõ điều đó. Có những người có hành vi không đúng, không chuẩn mực về đạo đức hoặc vi phạm luật giao thông thì họ sẽ đứng trước khả năng bị ghi hình, đưa lên mạng và chỉ trong vòng 10 phút thôi, tất cả thông tin, đời tư có thể bị bêu riếu trên mạng.
Cho nên tôi nghĩ, chúng ta có mạng xã hội là như những cảnh sát về đạo đức, tức là phải chỉn chu hơn ngay cả ở đời thực. Bản thân tôi cũng thế, đi ăn uống trừ trong phòng kín với bạn bè là thoải mái, còn đi ra ngoài cũng phải giữ gìn nhiều. Và tôi nghĩ ở một khía cạnh nào đó, điều đó cũng tốt đấy chứ.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, lúc nãy anh có nói với tôi câu chuyện, khi chúng ta giao tiếp với nhau trong môi trường mạng thì đôi khi con rắn độc trong tâm hồn mình rất dễ bị bộc lộ. Vậy phải làm như thế nào để mình có thể chế ngự được con rắn đó, loài rắn thì cũng có những loài rất hiền mà?
Facebooker Cu Trí: Vâng, bao giờ tôi cũng lấy bản thân tôi ra thí nghiệm trước khi buông ra một lời chửi nào trên mạng. Và tôi biết ở đằng sau tôi còn gia đình, còn bạn bè.
Tôi sử dụng mạng facebook là tôi để public tất cả vì tôi muốn bạn bè ở cơ quan đọc được, tất cả bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác, thậm chí cả con tôi cũng đọc được.
Vì vậy khi tôi viết những câu đó, thì đầu tiên là tôi hình dung những người thân mình đang đọc, tự biết mà chế ngự. Tôi không thể buông câu chửi kinh khủng như vậy để ngày mai cô tôi bảo, Trí chửi trên mạng kinh thế. Tôi cho rằng, đó không phải là lời khen!
Tôi tin chắc rằng cái tâm của con người mới là mấu chốt của vấn đề. Vì nếu anh không có tâm ác thì ở môi trường nào cũng thế thôi, anh cũng không bộc lộ.
Nhà báo Phạm Huyền: Anh có nhắc tới luật An ninh mạng, luật này sẽ có hiệu lực thừ 1/1/2019, nhưng hiện nay chúng ta cũng đã có nhưng luật khác như luật Dân sự để điều chỉnh hành vi của mỗi một cá nhân. Dù bất cứ không gian nào thì những hành vi vi phạm pháp luật, nói xấu rồi xúc phạm danh dự người khác, đưa tin sai trái đều có thể bị xử lý.
Vậy thì anh nghĩ rằng tinh thần thượng tôn pháp luật hay là thói quen sử dụng các công cụ pháp lý để xử lý những thông tin sai trái đã thực sự được tận dụng triệt để ở Việt Nam hay chưa?
Facebooker Cu Trí: Tôi thấy cách sử dụng mạng xã hội của chúng ta cho đến thời điểm này vẫn có gì đó rất ngây thơ.
Đến bây giờ khi có luật An ninh mạng, tôi tin chắc là mọi người sẽ phải ngồi tĩnh lại một chút, đọc để biết nó đang điều chỉnh điều gì ở chúng ta và chúng ta đang vi phạm pháp luật ở đâu. Tôi cho rằng đó là điều cần thiết.
Đối với cá nhân tôi, tôi cũng thấy sợ sợ. Tôi tự nhủ, không biết một ngày nào đó mình sẽ vi phạm pháp luật như thế nào nếu vẫn đang tiếp tục sử dụng facebook một cách rất hồn nhiên.
Nhiều lúc chúng ta vô tình hay bộc phát mà không ý thức được mình đang vi phạm pháp luật. Nhất là ở trong cuộc sống bây giờ, khi những điều về luật rất nhiều và dày như thế, chứ không phải một sớm một chiều có thể nắm bắt được tất cả.
Nhà báo Phạm Huyền: Có thể nói, rõ ràng những hành vi vi phạm pháp luật dù ở không gian ảo hay không gian thực, dù ở môi trường nào đi chăng nữa thì cũng phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Việc mỗi cá nhân sống trên mạng ảo hay ngoài đời thực, không chỉ cần đúng pháp luật mà cũng cần nhiều hơn sự nhân văn và tử tế.
Như hot facebooker “Cu Trí” đã chia sẻ với chúng ta, nếu như chỉ biết cay nghiệt chửi bới và đưa ra những lời tiêu cực thì điều đó không khiến chúng ta tử tế hơn.
Chân thành cám ơn Hot facebooker Cu Trí- nhà báo Hoàng Minh Trí đã có những chia sẻ hết sức thú vị và thẳng thắn với báo điện tử VietNamNet.
Hot facebooker Cu Trí Nhà báo Hoàng Minh Trí .
|
Facebooker Cu Trí hiện là nhà báo Hoàng Minh Trí, phóng viên của báo Công an nhân dân. Cư dân mạng "hâm mộ" anh qua nhiều bài viết rất hài hước, thú vị nhưng đầy ẩn ý sâu sa về những lát cắt trong đời sống xã hội. Mỗi status của anh thường thu hút hàng ngàn like và gây hiệu ứng lớn trong cộng đồng. Anh là tác giả cuốn tản văn "Cuộc đời tròn hay méo" (năm 2015); cuốn tự truyện "Đàn ông trưởng thành không vô tâm" (năm 2017). |
Bạn có đồng tình với các ý kiến facebooker Cu Trí- Nhà báo Hoàng Minh Trí? Mọi ý kiến xin gửi về email: [email protected] hoặc phản hồi dưới bài viết này.
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền- Hạnh Thúy
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc
Ảnh: Phạm Hải
Đồ họa: Hà Đăng Sơn
Email: [email protected]
Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng
Luật An ninh mạng là yêu cầu cấp bách để đảm bảo một môi trường an toàn trước các hiểm hoạ thường trực trên không gian mạng, cả về kỹ thuật và nội dung thông tin.
Luật An ninh mạng: Doanh nghiệp dịch vụ mạng có trách nhiệm gì?
Luật An ninh mạng vừa được thông qua nghiêm cấm những hành vi, nội dung thông tin nào, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm gì là những vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Luật An ninh mạng: Những hành vi và thông tin bị nghiêm cấm
Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật An ninh mạng với hơn 86% đại biểu đồng ý tán thành dự luật sáng 12/6/2018. Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Luật An ninh mạng: Không lo Facebook, Google rời bỏ Việt Nam
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc ban hành luật An ninh mạng là cần thiết để tạo hành lang nhất định, chứ không tạo ra quá nhiều lối rẽ về an ninh.
Việt Nam cần Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như thế nào?
Việt Nam đang nghiên cứu và tiến tới việc ban hành bộ quy tắc ứng xử cho người dùng mạng xã hội. Trước vấn đề trên, nhiều ý kiến chia sẻ về việc có ban hành bộ quy tắc này hay không, và nó sẽ bao gồm những gì?
Việt Nam xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của người dùng mạng xã hội
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, mục tiêu của bộ quy tắc nhằm xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh để bảo vệ chính người tham gia mạng xã hội, đấu tranh với cái xấu, cái ác và khuyến khích những mặt tích cực.
Bộ trưởng TT&TT: Xử nghiêm các hành vi vi phạm trên mạng xã hội
Bộ trưởng TT&TT yêu cầu Cục PTTH&TTĐT phối hợp các bộ ngành tiếp tục xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.