Là người làm công tác giảng dạy ở bậc ĐH, người viết luôn không hiểu tại sao nhiều HS thông minh, lanh lợi sau khi vượt qua vũ môn để vào ĐH, sau mấy năm học nhiều em bỗng nhiên trở thành những SV mờ nhạt, lẹt đẹt, học cho qua kỳ thi. Cho nên mới có câu ĐH là… học đại.

Nhiều năm nay, các phương án đổi mới kỳ thi đại học được đưa ra thảo luận, và tưởng như sẽ không bao giờ có hồi kết. Nhưng lần này thì phương án một kỳ thi quốc gia đã được thông qua, và không ngoài dự đoán, nó đón nhận rất nhiều phản ứng.

Quá kén chọn môn đăng hộ đối

Cũng như với GD phổ thông, việc dăm ba năm lại viết lại SGK rồi đâu vẫn đóng đấy, việc thay đổi cách thức tuyển sinh ĐH vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Người viết chợt nhớ đến tập quán này: Văn hóa Á Đông, đặc biệt là văn hóa VN rất chú trọng việc dựng vợ gả chồng. Thế nhưng chúng ta dường như quá chú trọng tới việc kén chọn môn đăng hộ đối và tổ chức đám cưới linh đình. Chẳng ai dạy các cặp vợ chồng sau những ngày vui đó phải sống với nhau, cư xử với nhau thế nào suốt đường đời còn lại. Bởi đó mới là phần quyết định hạnh phúc cuộc đời họ.

{keywords}
Ảnh minh họa:Văn Chung

Giáo dục cũng vậy, chúng ta thử hết cách này đến cách khác để chọn cho bằng được những học sinh ưu tú vào ĐH. Cả xã hội dành hết tâm sức chăm chút cho cái “nghi lễ” được xem là quan trọng nhất- thi tuyển sinh ĐH. Nhưng khi đã trở thành SV, việc các em sống thế nào, học thế nào, nghiên cứu thế nào, được đảm bảo nghề nghiệp ra sao thì lại là một khoảng… lặng buồn.

Người viết thiết nghĩ, chất lượng GDĐH trên hết và trước hết nằm ở quá trình và tổ chức hoạt động đào tạo của các trường ĐH chứ không phải ở kỳ thi tuyển sinh. Nếu chỉ xét về kiến thức thì học sinh THPT của VN không thua kém gì so với học sinh nhiều nước. Không ít người nước ngoài ngạc nhiên khi biết ở bậc phổ thông, HS chúng ta đã học rất nhiều kiến thức mà họ chỉ đưa vào bậc ĐH. Kết quả của VN tại các kỳ thi Olympic quốc tế cũng đủ để chứng minh cho chúng ta thấy khả năng của học sinh VN đến mức nào.

Thế nhưng, là người làm công tác giảng dạy ở bậc ĐH, người viết luôn không hiểu tại sao nhiều HS thông minh, lanh lợi sau khi vượt qua vũ môn để vào ĐH, sau mấy năm học nhiều em bỗng nhiên trở thành những SV mờ nhạt, lẹt đẹt, học cho qua kỳ thi. Cho nên mới có câu ĐH là… học đại.

Vậy lỗi nằm ở đâu?

Tư duy giáo dục của ngành GD và của cả xã hội từ lâu có vấn đề. Tại sao cả xã hội lại tìm mọi cách xiết chặt đầu vào của các trường ĐH; trong khi quyền được học là quyền cơ bản của mỗi con người? Lẽ ra cần xây dựng giáo dục ĐH theo hình chóp, mở rộng đầu vào cho những học sinh cơ bản đạt yêu cầu và có nguyện vọng, nhưng phải xiết chặt đầu ra để chỉ có những sinh viên đạt chất lượng mới có thể ra trường.

Trong khi đó chúng ta lại đang làm ngược lại (đáng sợ hơn, cái ngược này đúng cả với đào tạo sau ĐH). Để trở thành sinh viên ĐH, học viên cao học thì rất khó nhưng đã vào rồi thì gần như chắc chắn ra được trường. Tư duy hình phễu ngược kỳ quặc khiến cho toàn xã hội hình thành nên một tâm lý kỳ quặc: Chạy đua để vào ĐH, còn khi đã vào ĐH rồi thì nghỉ xả hơi, có khi là nghỉ suốt cả mấy năm.

Mất công lựa gỗ quý nhưng lại không dùng?

Nhiều người không hiểu, có thể tưởng rằng vượt qua kỳ thi hết môn ở bậc ĐH phải trầy da tróc vẩy lắm, nhưng trừ một số trường đặc thù như Y, Dược… thì còn lại hầu như không phải vậy. Chưa nói tới tiêu cực, nhưng bởi vì bản chất của các học phần ở bậc ĐH nội dung rất nặng và được giảng dạy trong thời gian ngắn, cho nên ngưỡng để vượt qua một môn học cũng không thể quá cao, đó là nhận thức chung của giảng viên.

Chưa kể, khi chuyển sang học chế tín chỉ, theo Quyết định 43/2007/QĐ-BGD và ĐT, mức điểm để đạt một kỳ thi giảm từ 05 xuống 04 một cách khó hiểu. Sinh viên có tới 03 đầu điểm: Chuyên cần, kiểm tra điều kiện và thi cuối kỳ; do đó việc đạt điểm 04 không hề khó khăn. Đó là lí do tại sao SV hầu như có thể qua được các môn học một cách dễ dàng với rất ít nỗ lực.

Vậy thì liệu có tác dụng hay tác hại gì nếu chúng ta thay đổi cách tuyển sinh đầu vào ĐH trong khi vẫn tiếp tục buông lỏng chất lượng GDĐH như hiện nay? Một giáo sư uy tín của nước ngoài gần đây khi viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD và ĐT đã cho rằng ĐH của VN như trường cấp 03 mở rộng, hẳn cũng không ngoa.

Chúng ta vẫn loay hoay giữa việc các trường ĐH thiên về học thuật hay dạy nghề? Đội ngũ GV được tiêu chuẩn hóa về bằng cấp nhưng chất lượng lại chưa tương xứng. Điều kiện làm việc cho giảng viên chưa tốt, nặng về quản lý hành chính. Cơ sở vật chất nghèo nàn, nội dung chương trình học lạc hậu và chậm cập nhật. Vậy thì làm sao có thể sử dụng tốt nguồn nguyên vật liệu đầu vào mà xã hội đã tin tưởng giao cho?

Không nên kỳ thị việc mở ra nhiều trường ĐH và tăng tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, điều cần làm là đảm bảo rằng các trường ĐH đó thực sự đủ điều kiện để tuyển sinh và đào tạo và có biện pháp để quản lý chất lượng đầu ra. Phần còn lại sẽ do XH quyết định, bởi theo xu thế, chỉ những trường ĐH nào đào tạo tốt, sinh viên có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thì tấm bằng của trường đó mới có giá trị. Đó là một cuộc chọn lọc tự nhiên, không thể nào tránh khỏi.

Thay vì đổ quá nhiều công sức vào việc chọn lọc đầu vào, thiết nghĩ chúng ta cần làm tốt hơn nữa ngay từ bậc THPT việc định hướng nghề nghiệp cho các em. Bởi tình trạng chọn trường theo cảm tính, theo sức ép của gia đình đang là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu để các em tiếp tục ngồi nhầm chỗ ở bậc ĐH, khiến cho khả năng và đam mê thực sự của các em không có cơ hội phát triển, thì đó không chỉ là sự lãng phí mà chúng ta còn có lỗi với tương lai của các em.

Thay đổi cách thức tuyển sinh chỉ là thay đổi nhỏ giọt, và nếu muốn nâng cao chất lượng GDĐH thì phải mạnh dạn thẳng thắn đặt vấn đề về chất lượng của các trường ĐH. Bởi nếu mất công lựa ra gỗ quý rồi lại không dùng đúng thì việc chọn lựa phỏng có ích lợi gì?

  • Khương Duy