"Khó có thể thực hiện được cam kết Net Zero nếu không có điện hạt nhân"
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS Lê Hải Hưng, nguyên cán bộ giảng dạy Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT), nhận xét, ưu điểm rất lớn của điện hạt nhân là hầu như không phát thải khí nhà kính.
"Theo thống kê của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), xét trong cả vòng đời hoạt động thì điện hạt nhân thuộc loại nguồn điện phát thải thấp nhất, trong khi đó tất cả các nguồn điện từ năng lượng truyền thống như than, dầu, khí, thậm chí là thủy điện, điện mặt trời đều phát thải nhiều khí nhà kính", ông Hưng đánh giá.
"Do đó, khó có thể thực hiện được cam kết Net Zero nếu không có điện hạt nhân", ông nhấn mạnh.
Thừa nhận thời gian gần đây, dư luận xã hội đã "cởi mở hơn" với điện hạt nhân, ông Hưng cho rằng: “Xét về ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của người dân thì điện hạt nhân ít gây hại hơn”.
"Vài năm nay, việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo là đúng, nhưng có thể chúng ta đã không dự đoán được những bất cập do tính phập phù của các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Đến giờ, chắc chắn nhiều người đã nhận ra rằng, điện mặt trời nói riêng và các nguồn điện tái tạo nói chung chưa thể là nguồn năng lượng tin cậy để phát triển kinh tế và phục vụ sinh hoạt", ông Hưng nói.
Nhấn mạnh không nên có suy nghĩ "cực đoan" và “ác cảm” với điện hạt nhân, ông Lê Hải Hưng cho hay, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, đại đa số cư dân ở đây đã trở lại với cuộc sống bình thường. Với những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, điện hạt nhân đã trở nên an toàn hơn trên cả hai khía cạnh vận hành và khắc phục sự cố.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, chủ trương đầu tư phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ đưa ra và giao Bộ Công Thương nghiên cứu.
Trước đó, chủ trương phát triển điện hạt nhân được đưa ra vào năm 2009, song sau đó tạm dừng. Thời gian gần đây, dựa trên căn cứ Quy hoạch điện VIII, bộ này nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo với Chính phủ.
Thứ trưởng Tân thông tin thêm, tại nhiều quốc gia, phát triển điện hạt nhân đang là xu thế. Bởi, nhu cầu về năng lượng tăng nhưng thiếu điện nền nên phải phát triển điện hạt nhân. Theo đó, các quốc gia này đều nghiên cứu tăng gấp 2-3 lần sản lượng và quy mô điện hạt nhân.
Ở Nhật Bản, dù đã có sự cố trước đó, nhưng tỷ trọng điện hạt nhân tại quốc gia này vẫn chiếm 20-25% sản lượng điện, ông dẫn chứng.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhấn mạnh, hiện nay trên thế giới đã phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ 3, thứ 4. Các công nghệ này được áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo an toàn tối đa, mức độ rủi ro về 0.
Cần tiếp tục đào tạo nhân sự về điện hạt nhân
Về mặt nhân sự cho điện hạt nhân, TS Lê Hải Hưng chia sẻ ngay từ trước năm 2016, chúng ta đã gửi hàng trăm cán bộ, thực tập sinh cao cấp đi học tập về công nghệ điện hạt nhân ở Nga, Nhật Bản... Ngoài ra, trong dự án này, chúng ta còn được sự hỗ trợ rất nhiều từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
"Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng rằng trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có điện hạt nhân", TS Lê Hải Hưng mong mỏi.
Đề cập đến việc tái khởi động điện hạt nhân ở Việt Nam, ông Hưng cho rằng: “Chúng ta có rất nhiều thuận lợi mà trước hết là đã cơ bản hoàn thành quy hoạch mặt bằng cho các dự án điện hạt nhân ở hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Thực tế, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 323 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga. Trong tổng số 323 sinh viên này, có 235 sinh viên có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về làm việc cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó có 87 sinh viên là người tỉnh Ninh Thuận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với phía Nhật Bản về đào tạo nhân lực từ trình độ đại học trở lên cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, trong đó có đào tạo 100 sinh viên tại các trường Đại học của Nhật Bản từ năm 2016.
EVN cũng đã triển khai thực hiện dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2. Từ năm 2006-2009 EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân. Trong năm 2013 và 2014, 14 sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo và về nước, trong đó có 13 sinh viên tốt nghiệp trình độ thạc sĩ tại Liên bang Nga và 1 thạc sỹ tốt nghiệp tại Pháp...
Tuy nhiên, sau khi chương trình điện hạt nhân tạm dừng, số nhân lực này cũng đã "tản mát" khắp nơi.
Thời điểm năm 2022, đã có 15 du học sinh được phía Nga đề xuất và phía Việt Nam thống nhất cho tham gia các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên Bang Nga (ROSATOM) tại Bangladesh và Cộng hòa Belarus. Các du học sinh về nước có nguyện vọng được bố trí làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các nhà máy nhiệt điện và thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Theo Báo cáo số 777/EVN-ĐT ngày 21/02/2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có 27/31 kỹ sư tài năng chuyên ngành điện hạt nhân làm việc cho tập đoàn này sau khi tốt nghiệp. Trong nhóm du học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo tại Liên bang Nga có cam kết làm việc cho tập đoàn, đã có 177/248 người đã được phân công công tác, 5 người đang chờ phân công, số còn lại đã hủy cam kết hoặc làm việc ở cơ quan khác.
Đối với nhóm cán bộ được đào tạo tại Nhật Bản làm nòng cốt cho Nhà máy điện hạt Ninh Thuận 2, số học viên đã tốt nghiệp là 32 người, trong đó 31 người công tác tại Tập đoàn, 1 người làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
Sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Đề án 1558 về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử không được tiếp tục thực hiện. Do vậy, rất cần có đề án mới để thay thế Đề án 1558 đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân nếu chương trình này được tái khởi động.