Ngày 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục năm 2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây không chỉ là dịp để đánh giá nhiệm vụ 1 năm qua mà còn là cơ hội để tổng kết lại chặng đường hơn 6 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 29.
"Giáo dục nhiều biến động, nên bình tĩnh nhìn nhận"
Cho rằng giáo dục luôn luôn có nhiều bất cập, nhưng Phó Thủ tướng nói, tất cả nên nhìn nhận một cách bĩnh tĩnh.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, một nước đang phát triển như Việt Nam, thu nhập trên đầu người còn thấp, không thể đòi hỏi cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, dụng cụ học tập, lương giáo viên như các nước phát triển được. Cho nên, câu chuyện thiếu trường lớp, cơ sở vật chất, thiếu biên chế... đương nhiên là vấn đề bất cập hàng năm.
Những câu chuyện tiêu cực khác trong ngành giáo dục, từ bạo hành học đường, dạy thêm, học thêm hay sự cố thi cử là có, nhưng không mang tính biểu tượng chung cho ngành giáo dục.
“Hay trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng chúng ta vẫn kiên định thực hiện, 6 năm qua đã hoàn thành được chặng đầu của đổi mới và sẽ tiếp tục đổi mới. Đổi mới trong giáo dục là quá trình liên tục, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận", Phó thủ tướng lưu ý.
Tương tự, đối với vấn đề tự chủ đại học, gần đây nhất có câu chuyện liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề này cũng cần nhìn nhận rất “bình tĩnh”.
“Đúng - sai sẽ được làm rõ, nhưng xu thế chung, chúng ta nên ủng hộ tự chủ. Cơ quan quản lý cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của trường vì tự chủ chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục năm 2020
Ông cũng cho rằng, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt lên khó khăn, có được những bước tiến bộ rõ ràng, nhiều mặt. Điển hình như việc trước đây, khi mới ra Nghị quyết 29, một trường có hàng chục cuốn sổ. Nhưng giờ đây, khi đưa công nghệ vào, rõ ràng đã giảm cải cách hành chính trong hệ thống giáo dục tốt hơn rất nhiều.
Còn ở bậc đại học, 1 tỷ USD đã được đầu tư cho các trường đại học lớn. Có những trường đại học ngoài quốc doanh, tư thực phi lợi nhuận cũng đã được đầu tư mang tầm vóc quốc tế. Đánh giá theo PISA, đánh giá theo chỉ số nguồn nhân lực của Ngân hàng Thế giới cũng có bước tiến rất tốt,…
Cho nên, Phó Thủ tướng cho rằng, không nên vì một số điểm chưa hài lòng, khiếm khuyết gần như đương nhiên trong quá trình đổi mới mà mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.
“Giáo dục năm nào cũng có những chuyện nọ chuyện kia. Nếu không thận trọng, chúng ta sẽ chỉ nhìn vào những vụ việc cụ thể. Có những cái trục trặc, mình mất niềm tin mà đòi xoá bỏ những kết quả. Có những chỉ số tốt, chúng ta lại lạc quan tếu. Do vậy cần bình tĩnh nhìn lại để có lòng tin tiếp tục phấn đấu", Phó Thủ tướng nói.
Tinh giảm biên chế nhưng không để thiếu giáo viên
Theo Phó Thủ tướng, giáo dục trước mắt không làm ra tiền, lại tiêu tiền nhiều, nhưng không có giáo dục thì sau này, tất cả các điều kiện làm ra tiền, phát triển kinh tế - xã hội đều không có.
Cho nên, các cấp phải tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến chuyện tinh giảm biên chế.
"Ai cũng biết tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết, nhưng chúng ta không thể để trường lớp thiếu giáo viên được. Lãnh đạo các tỉnh/thành, ngoài vấn đề trường lớp thì cần phải đặc biệt lo cho giáo viên”.
Theo Phó Thủ tướng, giáo dục liên quan đến toàn dân và mọi người phải tham gia vào giáo dục, không chỉ giáo dục trong nhà trường. Để mọi người hiểu, đồng thuận và tham gia vào, ngành giáo dục phải hết sức cầu thị, bằng cả tấm lòng để tiếp thu ý kiến đóng góp.
Người dân rất công bằng. Những thứ mình làm được người dân rất ủng hộ, có những thứ người dân phê phán mình rất gay gắt là còn thương mình. Chừng nào người dân còn quan tâm đến giáo dục, chừng đó ngành giáo dục còn may mắn".
Phó Thủ tướng cũng gia rằng, đã là giáo dục phải đi trước một bước, phải hội nhập quốc tế. Cái gì phù hợp với xu thế thế giới, nhất định không vì đặc thù để đi ngược lại. Ví dụ, xu thế thế giới học không nhồi nhét, phải có tương tác, học sinh phải được thể hiện quan điểm của mình.
Đối với giáo dục phổ thông là phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. “Ở chúng ta, mỗi đầu cấp thi đầu vào kịch liệt, đề cao trường chuyên lớp chọn là đi ngược với xu thế của thế giới”, Phó Thủ tướng nêu.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới giáo dục là rất khó, phải có quá trình cọ sát.
“Chúng ta phải làm kiên định từ trên xuống. Dứt khoát phải đổi mới giáo dục từ tư tưởng ở trong ngành giáo dục, đến từng giáo viên, xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thúy Nga
Năm học 'đặc biệt' tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, năm học 2019-2020 là một năm “đặc biệt”. Đối mặt với dịch Covid-19 nhưng hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, đứt gãy. Trái lại, “trong nguy có cơ”, điều này thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục.