Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục giảm mạnh, các mã cổ phiếu lớn đều lao dốc. Chỉ trong hai phiên 12/5 và 13/5, HPG lần lượt giảm 5,9% và 6,14%, xuống còn vỏn vẹn 35.900 đồng/cp.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát sở hữu 1,17 tỷ đơn vị cổ phiếu, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long còn 41.900 tỷ đồng. Ông Long tụt xuống 1 bậc trong bản xếp hạng người giàu nhất Việt Nam.
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố doanh thu thuần trong quý 1/2022 đạt 44.058 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.206 tỷ đồng.
Trong năm 2022, doanh thu dự kiến của Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng so với năm trước nhờ sản lượng của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm container và điện máy gia dụng.
Năm 2022, HPG đặt kế hoạch sơ bộ với doanh thu 160.000 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm trước; kế hoạch lợi nhuận dao động trong khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 13-28% cùng kỳ. Tuy nhiên, HPG đều vượt kế hoạch lợi nhuận trong hơn 10 năm qua. Ban lãnh đạo dự kiến chi trả cổ tức cho năm 2021 ở mức 35%, bao gồm 5% tiền mặt và 30% cổ tức bằng cổ phiếu.
Thay thế vị trí ông Long là ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine. Toàn bộ các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Sunshine do ông Tuấn sở hữu gồm SCG, SSH, KLB và KSF là 42.200 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn, nhà sáng lập Novaland (NVL), cũng phải nhìn khối tài sản của mình hao hụt 1,6 nghìn tỷ đồng chỉ sau một tuần. Giá trị tài sản của người giàu thứ 7 trên sàn hiện đạt 20.700 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu về tổng tài sản với hơn 168 nghìn tỷ đồng. Chia sẻ với cổ đông, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, Vingroup đang rất rất cần tiền cho các dự án lớn của mình, đặc biệt là VinFast. Trong thời gian tới, doanh nghiệp có quy mô lớn hàng đầu Việt Nam sẽ chỉ đầu tư vào những dự án thực sự giúp ích cho định hướng chủ chốt của tập đoàn.
Gần đây, Vingroup đẩy mạnh hoạt động huy động vốn trong nước và quốc tế để thực hiện các dự án lớn. VIC sẽ phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 525 triệu USD trong tháng 5 và sẽ tiếp tục huy động thêm. Hãng xe VinFast của Vingroup cũng đã gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng đến Uỷ ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), kỳ vọng sẽ huy động khoảng 2 tỷ USD.
Rủi ro trong ngắn hạn
VN-Index giảm điểm trong tuần thứ sáu liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn trung bình 20 tuần gần nhất. Kết thúc tuần giao dịch từ 9 - 13/5, VN-Index giảm 11% xuống 1.182,77 điểm, HNX-Index giảm 12% xuống 302,39 điểm.
BSC đã cho rằng VN-Index đang trong quá trình kiểm tra đáy ngắn hạn và có thể tìm được điểm cân bằng mới tại ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Ngược lại, trong 2 phiên hồi phục ngày 10-11/5, công ty chứng khoán này lại dự đoán thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm.
Ngoại trừ duy nhất phiên giảm mạnh nhất tuần ngày 12/5 khi lấy đi hơn 62 điểm và đẩy VN-Index về dưới mốc 1.240 điểm, thì BSC mới ghi điểm khi cho rằng chỉ số này có khả năng quay lại vùng 1.240 điểm.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 16 - 20/5, bên mua và bên bán sẽ trở nên cân bằng nhau hơn do thị trường đã giảm về vùng mục tiêu của sóng điều chỉnh và cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ có tuần hồi phục sau 6 tuần giảm liên tiếp.
Với việc kết hợp giữa định giá thị trường và góc nhìn kỹ thuật, SHS cho rằng vùng 1.000-1.200 điểm, tương ứng với P/E VN-Index trong khoảng 11-13 lần sẽ là vùng hấp dẫn để giải ngân cho tầm nhìn dài hạn.
Duy Anh