Vào đầu phiên giao dịch 17/10, thị trường chứng khoán có những tín hiệu tích cực với nhiều cổ phiếu tăng điểm nhẹ khi một số mã ngành chứng khoán, thép… tăng điểm. Tuy nhiền, dòng tiền vào thị trường nhỏ giọt. Sự thận trọng diễn ra trên diện rộng.
Dòng tiền dè dặt khiến giao dịch trong buổi sáng chỉ bằng khoảng hơn nửa so với phiên liền trước.
Trong phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC), áp lực bán bất ngờ tăng vọt khiến không ít nhà đầu tư không kịp trở tay. Chỉ số VN-Index từ mức giảm nhẹ chuyển sang giảm sâu, đóng cửa mất 19,77 (-1,73%) xuống 1.121,65 điểm.
Chung cuộc, có hơn 16.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên 3 sàn, trong đó có 13.600 tỷ đồng trên sàn Chứng khoán TP.HCM. Đây vẫn là con số thấp so với mức tỷ USD mỗi phiên trước đó.
Đa số các cổ phiếu trụ cột giảm giá, trong đó Vingroup (VIC) giảm 1.000 đồng xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua: 44.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Cổ phiếu Vinhomes (VHM) cũng giảm 1.050 đồng xuống vùng thấp nhất trong 3 năm qua: 44.500 đồng/cp.
Cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp cũng giảm 1.500 đồng xuống 64.200 đồng/cp.
Các cổ phiếu trụ cột trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, công nghệ, bán lẻ, thép… đều giảm điểm. Tập đoàn FPT (FPT) giảm 3.700 đồng từ đỉnh cao lịch sử xuống 93.100 đồng/cp. Chứng khoán SSI giảm 650 đồng xuống 31.450 đồng/cp.
Đa số cổ phiếu ngân hàng giảm giá nhẹ. Cổ phiếu BIDV (BID) giảm 350 đồng xuống 41.300 đồng/cp.
Thị trường chứng khoán giảm điểm trong bối cảnh dòng tiền mất hút trong vài tuần gần đây cho dù VN-Index đã tiếp cận vùng hỗ trợ trung hạn và có thêm nhiều tín hiệu tích cực đến với nền kinh tế.
Sự thận trọng gia tăng khi thế giới có nhiều bất ổn và kinh tế trong nước chưa khởi sắc như kỳ vọng.
Nền kinh tế hiện vẫn chứng kiến sức cầu yếu ớt. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong 9 tháng đầu năm mới đạt hơn 6,9%, so với mục tiêu 14%. Khối ngoại vẫn bán ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên khi mà tỷ giá USD/VND chưa ổn định, vẫn xu hướng đi lên, tăng nhanh kể từ giữa tháng 8.
Gần đây, thị trường đón nhận thông tin số lượng các doanh nghiệp chậm hoãn, giãn trả nợ trái phiếu vẫn rất nhiều, trong đó đa số là các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, ngân hàng đối mặt với nợ xấu gia tăng.
Một số chuyên gia đưa ra nhận định rằng, bên cạnh dòng vốn ngoại rút ra vì tỷ giá thì dòng tiền lớn từ các tổ chức đang có xu hướng thu lại, không còn chảy vào thị trường chứng khoán sau khi giá cổ phiếu đã tăng khá mạnh trong gần 9 tháng đầu năm trong khi triển vọng của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn chưa thực sự sáng sủa.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM, cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, dòng tiền lớn đang tập trung vào tài sản sơ cấp với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn nhiều so với thị trường thứ cấp.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm lớn cũng phải dành nguồn lực giải quyết những vấn đề liên quan đến mình, trong đó có các khoản nợ và trái phiếu…
Dòng tiền yếu khiến các thông tin tích cực cũng không hỗ trợ được giá cổ phiếu đi lên.
Thông tin Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 hay sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như châu Á… cũng không ngăn được một phiên giảm điểm mạnh của chứng khoán Việt Nam.