Cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera - CTCP hồi phục khá mạnh trong trong vài tuần gần đây, tăng từ mức khoảng 30.000 đồng/cp hồi giữa tháng 5 lên mức 50.000 đồng/cp như hiện tại, bất chấp thị trường chứng khoán chung đang chịu nhiều áp lực, liên tục thử đáy mới ở dưới ngưỡng 1.200 điểm, sau khi đã đánh mất hơn 300 điểm trước đó.
Trước đó, VGC cũng giảm mạnh giống thị trường chung. Tuy nhiên, Viglacera gần đây ghi nhận kết quả kinh doanh tốt và tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Nhà nước thoái cổ phần và nhóm Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn trở thành cổ đông lớn nhất và Viglacera niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hồi giữa 2019.
Thay vì tập trung vào vật liệu xây dựng truyền thống như gạch ốp lát… Viglacera gần đây dồn lực vào mảng bất động sản công nghiệp và kính xây dựng.
Trong 6 tháng đầu năm, Viglacera ước tính lợi nhuận đã vượt kế hoạch năm (kế hoạch 2022 là 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Riêng trong quý I, Viglacera đạt lợi nhuận trước thuế kỷ lục hơn 900 tỷ đồng. Viglacera tiếp tục thắng lớn nhờ kính xây dựng và bất động sản.
Giữa 2019, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tịch Gelex được bầu làm Chủ tịch HĐQT Viglacera nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đây cũng là năm đầu tiên sau khi Nhà nước thoái bớt vốn và Viglacera tiến hành chuyển sàn niêm yết sang HOSE. 2019 cũng là năm Viglacera ghi nhận lợi nhuận trước thuế chạm mốc 1.000 tỷ đồng.
Ngay tại ĐHCĐ thường niên 2019, Tổng CTCP Viglacera đã trình kế hoạch đầu 2 khu công nghiệp (KCN) mới gồm KCN Yên Mỹ (Hưng Yên) với diện tích 280 ha và KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh) với diện tích 221 ha. Đồng thời, doanh nghiệp chuẩn bị thủ tục đầu tư KCN Đồng Văn IV mở rộng, KCN Thuận Thành (Bắc Ninh). Đưa tổng số diện tích KCN mà DN này đầu tư và quản lý lên đến cả ngàn ha.
Tại ĐHĐCĐ 2022 vừa qua, Viglacera đặt kế hoạch lãi trước thuế 1.700 tỷ đồng, đầu tư mới 2.000ha khu công nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2023: KCN Phù Ninh (Phú Thọ), KCN Đông Triều (Quảng Ninh), KCN Tây Phổ Yên (Thái Nguyên), Yên Bái…
Viglacera cũng tập trung vào dự án Nhà máy gạch Viglacera Eurotile và tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ GĐ 2, công suất 900 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Văn Tuấn là một nhà lãnh đạo trẻ trên TTCK (1984), lần đầu tiên làm phó chủ tịch Fecon vào 2013. Sau đó, ông Tuấn giữ chức chủ tịch tại Năng lượng Gelex, Dây Cáp Điện Việt Nam (CAV) và chủ tịch kiêm TGĐ Gelex.
Gelex là một doanh nghiệp nổi lên trong vài năm gần đây sau nhiều vụ thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây và cấp điện, thiết bị điện và mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thâu qua M&A.
Sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), GEX đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings. Gelex gần đây lấn sang lĩnh vực mới: điện gió với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025.
Áp lực còn lớn
Theo BSC, lhối lượng giao dịch tăng đáng kể trong phiên giảm điêm hôm 5/7 cho thấy VN-Index có thể sẽ lùi trở lại giao dịch trong ngưỡng 1.160-1.180 trong ngắn hạn.
Theo VDSC, tiếp nối diễn biến thận trọng tại vùng tâm lý 1.200 điểm, VN-Index vẫn chưa thể thành công chinh phục ngưỡng cản này. Bất chấp nỗ lực tăng điểm của nhóm ngân hàng, dòng tiền tiếp tục có xu hướng thoát vị thế ra khỏi những nhóm ngành giao dịch yếu ớt ở vùng giá cao như thủy sản, hóa chất, vận tải và điện. Thanh khoản cũng tăng vọt, thể hiện áp lực bán đang dâng cao, đe dọa cơ hội hồi phục của thị trường chung. Dự kiến, VN-Index sẽ tiếp tục theo hướng suy yếu ngắn hạn và kiểm tra lại cung cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.160 điểm.
Chốt phiên giao dịch 5/7, chỉ số VN-Index giảm 14,24 điểm xuống 1.181,29 điểm. HNX-Index giảm 3,25 điểm xuống 277,94 điểm. Upcom-Index giảm 0,71 điểm xuống 87,19 điểm. Thanh khoản đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13,8 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
M. Hà