Đó là nhận định được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra trong báo cáo tổng kết năm 2022 vừa phát đi hôm nay.
Theo UBCKNN, năm 2022, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực, khi dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại mạnh mẽ vào những tháng cuối năm.
Tại hội nghị tổng kết chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, năm 2022 với rất nhiều khó khăn nhưng TTCK vẫn được vận hành ổn định. Ông ghi nhận, ngành chứng khoán đã tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trên TTCK, “góp phần giúp niềm tin trên thị trường được củng cố, tạo tiền đề cho phát triển minh bạch, bền vững hơn”.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, TTCK sẽ đi vào thực chất để phát triển bền vững. Vì vậy, năm 2023, cần triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Ông Chi cũng đề nghị UBCKNN tập trung rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi phù hợp với thực tế thị trường; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2023; tiếp tục thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường ở mức cao hơn.
Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo kịp thời và quy định pháp luật; tập trung triển khai dự án công nghệ thông tin KRX (của Hàn Quốc); củng cố năng lực nhân lực của UBCKNN, các sở giao dịch, VSD; tăng cường truyền thông về thị trường cũng như các chính sách để các thành viên thị trường luôn tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống từ UBCKNN, các sở giao dịch.
Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn cho biết mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng UBCKNN đã tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý. Giai đoạn thị trường điều chỉnh vừa qua, các giải pháp bình ổn thị trường được tổ chức thực hiện quyết liệt, như yêu cầu các sở giao dịch công bố số liệu giao dịch tự doanh của các CTCK, thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh; tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc.
Thông tin TTCK năm 2022 Tính đến ngày 23/12, giá trị vốn hoá ba sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.278 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP. Quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết tiếp tục tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2022, quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,26% với cuối năm 2021 với 757 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên hai Sở GDCK và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trên thị trường trái phiếu, đến cuối tháng 11/2022, thị trường có 447 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.708 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2021 (tương đương 20,1% GDP). Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng gấp đôi mặc dù thị trường giảm mạnh. Tính chung 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp khoảng 2,58 lần so với cuối năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021. Trong năm 2022, thị trường chứng khoán phái sinh diễn biến sôi động, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa dòng tiền đầu tư. Từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.871 hợp đồng/phiên, tăng 44% so với bình quân năm trước. Sản phẩm chứng quyền duy trì ổn định. Đến cuối tháng 11, thị trường có 135 mã chứng quyền niêm yết, với khối lượng niêm yết là 951 triệu chứng quyền, tương ứng 1.592 tỷ đồng. |